HLV Hoàng Anh Tuấn thành công bằng triết lý của Toshiya Miura
- Thứ sáu - 21/10/2016 15:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lối chơi phù hợp cho giải đấu ở trình độ cao
Tính từ sau thời HLV Calisto, Toshiya Miura là HLV thành công nhất với đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, xét trên bình diện các giải đấu tầm châu lục trở lên, vị HLV người Nhật cũng là một trong những người giàu thành tích nhất với các đội tuyển.
Thật ra thì chính thành công của HLV Miura khi còn tại vị đã giúp cho các quan chức VFF hiện tại thoát qua khỏi sóng gió cách nay không lâu. Bằng chứng là khi phản biện ý kiến của nhóm các cựu cầu thủ ký đơn nhận xét bóng đá Việt Nam đã “chạm đáy”, đồng thời đòi cải tổ nhân sự chóp bu ở VFF, Tổng thư ký Lê Hoài Anh khi trả lời truyền thông, đã phải mượn hàng loạt thành tích dưới thời HLV Miura để gỡ gạc cho VFF.
Đấy là việc lọt vào VCK U23 châu Á lần đầu tiên trong lịch sử, là việc vào đến vòng knock-out Asiad 2014, chơi ổn định tại vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á, giành HCĐ AFF Cup 2014 và SEA Games 2015. Thành ra, nói vị HLV người Nhật kém năng lực là không đúng.
Chỉ có điều, một số người không thích HLV Miura vì lối chơi đấy không đẹp, thiên về cơ bắp, trái ngược hoàn toàn với lối đá bay bướm của lứa Công Phượng và các đồng đội vốn được tung hê hết mức cùng thời điểm.
Dù vậy, kỳ thực lối chơi mà HLV Miura áp dụng mới là lối chơi phù hợp với bóng đá Việt Nam ở các đấu trường lớn: Để đá được với các đối thủ tầm châu Á mạnh về thể lực và thể hình thì dứt khoát chúng ta cũng phải cải thiện yếu tố cơ bắp. Để không vỡ trận trước các đội bóng có trình độ châu lục thì dứt khoát chúng ta phải đặt an toàn lên hàng đầu, với lối chơi tối ưu nhất là phòng ngự phản công.
Hiện tại, HLV Hoàng Anh Tuấn và đội tuyển U19 Việt Nam đang tái khẳng định triết lý của HLV Miura. Đội bóng của ông Tuấn sẵn sàng phòng ngự theo kiểu tầng tầng lớp lớp ở giải châu Á đang diễn ra, miễn là đạt kết quả có lợi cho mình. Riêng chuyện phản công, U19 Việt Nam phải chơi càng đơn giản và càng chớp nhoáng càng tốt.
Thành tích vào tứ kết, cùng việc đứng trước cơ hội giành vé đi World Cup U20 chứng minh HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò đang đi đúng hướng. Và hãy thử hình dung, đặt trường hợp chúng ta chơi đôi công với đối thủ bằng mọi giá, thử hỏi liệu U19 Việt Nam sẽ trụ nổi được bao lâu, một khi đối thủ đều to hơn, cao hơn, khoẻ hơn và nhanh hơn hẳn chúng ta?
Phòng ngự cũng là một nghệ thuật
Toshiya Miura và Hoàng Anh Tuấn thành công, trong khi đồng nghiệp Graechen Guillaume thất bại ở nhiệm vụ tương tự nhau cũng xuất phát từ chỗ đó. U19 Việt Nam thời HLV Graechen Guillaume cách nay 2 năm trên đất Myanmar thua tan tác ở vòng bảng vì kỳ thực lứa Công Phượng và các đồng đội không đánh giá đúng chính mình và đánh giá đúng đối thủ.
Hồi đấy, đội tuyển U19 Việt Nam của vị HLV người Pháp chỉ chơi rặt một kiểu từ trận này qua trận khác, trong khi quên mất rằng trước đối thủ quá mạnh thì việc giữ được bóng trong chân vốn đã khó, làm sao có thể phô diễn kỹ thuật và làm sao đủ sức ban bật theo ý mình?
Liên hệ chút nữa với Bruno Garcia, HLV đưa đội tuyển futsal Việt Nam vào vòng knock-our World Cup. Vị HLV người Tây Ban Nha không phải không biết chỉ huy đội đá tấn công, tấn công đẹp là đằng khác. Nhưng khi cần, ông sẵn sàng cho đội mình phòng ngự dày đặc, chỉ để hạn chế bàn thua trước Italia ở World Cup, miễn là tìm bằng được vé vào vòng trong.
Cũng có thể HLV Graechen Guillaume không phải không thấy điều đó, nhưng ông không thể làm khác vì có khi ông buộc phải để quân của ông đá theo ý của cấp trên. Cũng may là thời còn tại vị, HLV Toshiya Miura là người cương quyết bảo vệ quan điểm của mình, trước khi tạo nên những thành tích mà nhờ đó VFF có cái để báo cáo với dư luận, để phản biện với những ý kiến công kích vào chính VFF.
Cũng may là HLV Hoàng Anh Tuấn không phải đối diện với những áp lực phải thay đổi lối chơi, mà HLV Graechen Guillaume từng phải chịu, bằng ngược lại, đội tuyển của ông Tuấn chắn chắn không thể làm hơn những gì mà Công Phượng và các đồng đội thực hiện cách nay 2 năm.
Thành ra, đừng gây áp lực cho HLV Hoàng Anh Tuấn nói riêng và đội tuyển U19 Việt Nam nói chung về chuyện chơi như thế nào ở giải châu Á đang diễn ra. Mỗi HLV có một triết lý riêng, chừng nào HLV đấy còn thành công tức là triết lý của họ phù hợp.
Mỗi người cũng có cách cảm nhận nghệ thuật theo hướng riêng, không phải nhất nhất cứ phô diễn kỹ thuật mới là nghệ thuật. Trong bóng đá, biết cách phòng ngự và phòng ngự hiệu quả cũng là nghệ thuật đấy.
Rồi chẳng phải cả thế giới phải ngả mũ trước nghệ thuật phòng ngự của người Ý hay sao? Hoặc giả, ai dám bảo rằng lối chơi biết mình biết người, trình độ phòng ngự - phản công của Hy Lạp giúp họ lên ngôi vô địch châu Âu năm 2004 không phải là nghệ thuật?
Trọng Vũ