Đừng ảo tưởng về dàn HLV siêu sao Ngoại hạng Anh!
- Thứ sáu - 19/08/2016 19:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về mặt danh tiếng HLV, giải Ngoại hạng Anh áp đảo hoàn toàn so với La Liga, Bundesliga hay là Serie A. "Danh sư xuất cao đồ", người Anh hi vọng dàn sao HLV sẽ đưa giải đấu của họ trở lại vị thế thống trị thế giới như giai đoạn cuối thập kỷ trước.
Nhưng đó cũng có thể chỉ là một giấc mơ hão huyền bởi vai trò của HLV trưởng ở các đội bóng ngày càng trở nên mờ nhạt. Huyền thoại Johan Cruyff từng nói rằng: “90% trường hợp đội bóng có nhiều cầu thủ giỏi hơn sẽ thắng”. Vai trò của HLV chỉ giới hạn trong 10% còn lại và tỷ lệ ấy ngày càng bị thu hẹp trong bóng đá hiện đại.
Cuộc đấu trí thú vị trên băng ghế huấn luyện
Đừng ảo tưởng về quyền lực HLV
Giáo sư Stefan Szymanski, một nhà kinh tế học thể thao từng thu thập các số liệu, phân tích tỉ mỉ để chỉ ra rằng quỹ lương của đội bóng quyết định 90% thành công của CLB ấy. Xin nhấn mạnh: quỹ lương, bạn đọc đừng nhầm với ngân quỹ chuyển nhượng, con số không ảnh hưởng nhiều đến thành tích của các đội. Nghĩa là 90% trường hợp một đội trả lương cao hơn sẽ xếp trên đội trả lương thấp hơn ở cùng giải VĐQG.
Hẳn là bạn đọc sẽ muốn phản bác khi nhìn vào câu chuyện cổ tích mang tên Leicester City. Nhưng hãy nhớ rằng HLV Claudio Ranieri trước đó gần như không giành được gì trong suốt 30 năm huấn luyện các đội cửa dưới. Kỳ tích Leicester rơi vào 10% trường hợp còn lại.
Những đội bóng lớn nhất, thành công nhất trong giai đoạn 5-6 năm trở lại đều thay tướng xoành xoạch: Real Madrid , Barcelona, Bayern Munich, Juventus, Man City, Chelsea , PSG... Lý do là bởi họ có nhiều cầu thủ giỏi và một bộ máy giúp việc hoạt động hiệu quả, không lệ thuộc vào HLV đứng đầu.
Bởi thế, đừng vội ảo tưởng rằng dàn “galactico” trên ghế chỉ đạo Mourinho, Conte, Pep, Klopp... sẽ đưa Premier League trở về thời kỳ vàng son với 3-4 đội luôn thống trị sân chơi Champions League. Thực tế là MU, Arsenal , Chelsea, Liverpool ngày ấy đều có lực lượng rất đồng đều và cân bằng, họ mạnh hơn La Liga và Serie A về lực lượng lẫn tiền bạc nên chiến thắng đến rất đỗi tự nhiên.
Quyền lực của HLV ngày càng suy yếu trong bóng đá hiện đại. Thứ nhất, họ ngày càng “đoản mệnh” - thường bị sa thải trước khi ghi được dấu ấn. Nếu đội bóng thất bại, HLV sẽ trở thành vật tế thần. Khi Premier League khai sinh năm 1992, "tuổi thọ" trung bình của HLV ở Anh là 3,5 năm thì hiện tại chỉ còn 1,3 năm.
Và thứ hai, HLV ngày nay không còn là một nhà lãnh đạo toàn năng như 20 năm trước nữa. HLV chỉ là người đứng đầu một ê-kíp gồm cả chục người, ngoài các trợ lý còn có HLV thể lực, chuyên gia tâm lý, chuyên gia phân tích dữ liệu/đối thủ...
Bởi thế, một HLV giỏi khó thành công nếu không có ê-kíp giỏi và những cầu thủ chất lượng. Ngược lại, nếu có ê-kíp tốt và cầu thủ giỏi thì vai trò HLV không quá quan trọng nữa. Lyon đã vô địch Pháp 7 lần liên tiếp với 4 HLV khác nhau.
HLV chỉ là tế bào của đội bóng
Tần suất xuất hiện dày đặc của các HLV và sự tung hô thái quá của người hâm mộ dễ khiến chúng ta lầm tưởng về tầm ảnh hưởng của họ. HLV là tiếng nói và bộ mặt của CLB nhưng sẽ là sai lầm nếu coi họ chiếm một nửa thành công của đội bóng (Real, Barca, Bayern... không phục thuộc HLV).
Để thành công, HLV không thể thiếu các trợ lý thể lực và các chuyên gia phân tích dữ liệu. Sau thành công của Leicester chúng ta đều nhìn thấy Ranieri, nhưng còn gì nữa? Có ai để ý rằng mỗi cầu thủ Leicester đều được trang bị một chiếc iPad mà trên đó có đầy đủ dữ liệu phong độ của họ trong các trận đấu, các buổi tập cùng những lời khuyên, những cảnh báo... Ai chuẩn bị nguồn dữ liệu đó? Không phải Ranieri.
Sau thành công của Leicester chúng ta thấy Riyad Mahrez và N’Golo Kante, những mặt hàng giá rẻ chất lượng cao. Nhưng Ranieri không đưa họ về. Leicester đã mua cặp đôi ấy nhờ các chỉ số phân tích thu lượm được và báo cáo của các tuyển trạch viên. Leicester vô địch nhưng Ranieri chẳng được ai chèo kéo mà các trợ lý mới “đắt hàng”. Lạ kỳ chưa? Tuyển trạch viên Ben Wrigglesworth vừa đầu quân cho Arsenal với mức lương hấp dẫn.