Đông Nam Á thành công tại Olympic 2016: Hiện tượng hay bản chất?
- Thứ năm - 25/08/2016 22:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở kỳ Olympic được cho là thành công nhất của các quốc gia Đông Nam Á trong quá khứ, khu vực cũng chỉ giành được tổng cộng 4 HCV, 2 HCB và 6 HCĐ tại Athens (Hy Lạp) 2004. Chính vì thế, việc giành nhiều huy chương hơn so với hồi ở Athens cách đây 12 năm, đặc biệt là giành được nhiều HCV hơn là sự tiến bộ của các nước Đông Nam Á.
Trong số 5 HCV của các đoàn thể thao Đông Nam Á, Thái Lan giành 2 HCV, Việt Nam giành 1 HCV, Indonesia và Singapore mỗi nước cũng có 1 HCV.
Những môn thế mạnh của Đông Nam Á là cử tạ (Thái Lan có 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ trong môn này, Indonesia có 2 HCB, Philippines có 1 HCB), cầu lông (Indonesia 1 HCV, Malaysia 3 HCB) và Taekwondo (Thái Lan có 1 bạc và 1 đồng).
Đặc biệt, ở các hạng cân nhẹ trong môn cử tạ và môn Taekwondo, thể trạng của các VĐV Đông Nam Á được cho là phù hợp hơn so với các VĐV Phương Tây (các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu khó tìm ra võ sĩ và lực sĩ nhẹ cân để thi đấu các nội dung vừa nêu).
Riêng môn cầu lông vẫn là thế mạnh của Malaysia và Indonesia trong nhiều năm qua. Ở môn chơi này, 2 quốc gia Đông Nam Á kể trên chỉ kém mỗi Trung Quốc. Đấy cũng là môn mà các quốc gia Phương Tây ít phát triển, nên lợi thế trong việc kiếm huy chương của các VĐV Đông Nam Á càng lớn.
Dự báo, các quốc gia Đông Nam Á vẫn sẽ tiếp tục duy trì thế mạnh của mình ở các môn cử tạ, cầu lông, hay Taekwondo ở vài kỳ Olympic tới.
Duy chỉ có thành tích trong môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh (1 HCV và 1 HCB) cũng như trong môn bơi lội của Schooling (Singapore - 1 HCV nội dung 100m bơi bướm nam) là gây sửng sốt thế giới.
Hoàng Xuân Vinh cũng như Schooling là những VĐV Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử giành HCV ở các môn kể trên. Có nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu tấn công vào các môn không phải là thế mạnh của khu vực.
Đấy cũng chính là những môn mà cho dù sau khi đoạt HCV ở Rio 2016, chưa thể nói chắc là khu vực Đông Nam Á có tiếp tục duy trì được thành công ở kỳ Olympic tiếp theo sau 4 năm nữa hay không, vì tính cạnh tranh trong những môn này cực lớn.
Và để có thành tích ở kỳ Olympic kế tiếp, đòi hỏi đến khả năng đầu tư cũng như khả năng quy hoạch VĐV nhắm vào việc cạnh tranh HCV Olympic, của các quốc gia có những VĐV ở dạng có thể tranh huy chương.
Ví dụ như để Hoàng Xuân Vinh duy trì phong độ ở Thế vận hội diễn ra tại Tokyo sau đây 4 năm thì ngành TDTT cũng như bộ môn bắn súng cần đầu tư những gì? Hoặc để tìm người kế thừa Hoàng Xuân Vinh, tiếp tục hy vọng vào khả năng giành HCV bắn súng tại Thế vận hội thì cần đầu tư ra sao?
Trước và sau khi Joseph Schooling thắng oanh liệt Michael Phelps trên đường đua xanh ở nội dung 100m bơi bướm, Singapore đã và sẽ có một chiến lược phát triển sâu và rộng môn bơi tại đảo quốc sư tử, không chỉ cho riêng Schooling mà còn cho nhiều VĐV kế cận nói chung.
Chỉ có đầu tư lâu dài, mang tính trọng điểm thì các quốc gia Đông Nam Á mới duy trì được thế mạnh của mình ở các môn mà Đông Nam Á vừa gây tiếng vang tại Rio. Bằng ngược lại, thì những tấm HCV đấy cũng chỉ như hiện tượng nhất thời, thành công lần này nhưng chưa chắc đủ sức cạnh tranh lần sau.
Trọng Vũ