“Đại hội thể thao nào cũng xin đăng cai, sẽ rất tốn kém!"
- Thứ tư - 05/10/2016 09:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đoàn Việt Nam lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn với 52 HCV, vượt qua các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG 5). Ông suy nghĩ gì về thành tích này của đoàn Việt Nam?
Trước tiên chúng ta phải hiểu rằng chức năng của thể thao bãi biển là thể thao giải trí, trước đây không phát triển nhưng trong khoảng 20-30 năm nay được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Thể thao trước đây chủ yếu là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao thì bây giờ chúng ta có thể thao giải trí. Điều này giúp cho đời sóng con người phong phú hơn, nên rõ ràng thể thao bãi biển có vai trò tích cực ở mặt này.
Ngoài ra, thể thao bãi biển cổ vũ con người tập luyện, nâng cao tinh thần. Tuy nhiên, thể thao bãi biển phải là những môn thể thao ở trên biển, như thuyền buồm, lướt ván, trượt sóng...và một số thể thao truyền thống nhưng chúng ta mang ra bãi biển chơi như bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, bóng ném bãi biển...Đây là những môn có thể chơi trên cát.
Việt Nam đã mang nhiều môn trong nhà ra bãi biển chơi như võ thuật, thể hình, pencak silat, vovinam, võ cổ truyền mà không tập trung vào những môn bãi biển như thuyền buồm, lướt ván, dù lượn...
Như vậy, tác dụng tốt của thể thao bãi biển là giải trí và Đà Nẵng đã hưởng lợi từ sự quảng bá du lịch, giới thiệu đất nước, con người.
Nói tóm lại thể thao bãi biển không phải là thể thao thành tích cao. Mỗi đại hội, mỗi môn, nội dung có một chương trình, mục đích khác nhau.
Theo ông vì sao chúng ta lại giành số huy chương lớn như vậy?
Việt Nam không tổ chức được nhiều môn trên biển mà đưa các môn trong nhà ra thi đấu. Tất nhiên trong bất cứ cuộc đấu nào, giải đấu nào thì sự nỗ lực của các HLV, VĐV luôn được trân trọng vì họ đã thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì chiến thắng.
Việt Nam có sự chuẩn bị tốt cho đại hội lần này, điều đó ai cũng phải thừa nhận. Các đội tuyển được tập trung, tập huấn rất tốt. Ngoài ra, chủ nhà có thế mạnh, lợi thế trong việc lấy huy chương, cụ thể là đưa các môn mạnh của chúng ta. Đây chính là chiến thuật lấy huy chương. Các nước thường không đánh giá cao chiến thuật này, mà họ quan tâm tới luật thi đấu, điều lệ, sự sòng phẳng...
Các nước không coi trọng thành tích ở các giải này, nên không cử VĐV xuất sắc, ưu tú. Từ những vấn đề trên đây, thì việc chúng ta giành tới 52 HCV cũng là dễ hiểu, nhưng thực tế ở một giải đấu thể thao thành tích cao làm sao chúng ta có thể đứng trên được các cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran... Như vậy, cá nhân tôi không đánh giá cao thành tích đứng đầu của đoàn Việt Nam.
Như vậy rõ ràng đây là một kỳ đại hội mà chúng ta đã rất tốn kém nhưng hiệu quả thu lại không cao. Vậy đâu là bài học cho thể thao Việt Nam, thưa ông?
Chúng ta cần phải lựa chọn đấu trường nào, sân chơi nào, trong điều kiện khó khăn về tài chính, tổ chức như hiện nay. Chúng ta phải quan tâm hơn tới sự đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao, với mấy trăm tỷ đăng cai đại hội này thì đầu tư cho các môn hướng tới Asiad, Olympic có hơn không, chứ cái gì cũng làm, sẽ phân tán nguồn lực, sự chỉ đạo.
Nói tóm lại là nếu chúng ta có tiền, có điều kiện thì tổ chức, còn không thì tập trung vào các mục tiêu chính.
Cần phải nhắc lại đại hội AIG 3 tổ chức năm 2009, khi đó chẳng quốc gia nào đăng cai thì chúng ta nhận, sau đó thì đại hội này cũng không được tổ chức nữa vì không hiệu quả. Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần này cũng vậy, sau Việt Nam hiện chưa có quốc gia nào nhận đăng cai tiếp theo.
Chúng ta cần xem xét lại, phải có trách nhiệm lựa chọn đấu trường trong điều kiện tương ứng hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Anh