Chuyện xây dựng hình ảnh của vận động viên Việt Nam
- Thứ năm - 18/08/2016 16:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh
Những ngày này, nhắc tới thể thao Việt Nam là nhắc đến vinh quang mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa giành được ở Olympic Rio. Tuy nhiên, đằng sau đó, thể thao Việt Nam còn quá nhiều tồn tại, đặc biệt đời sống của rất nhiều VĐV vẫn khó khăn. Việc xây dựng hình ảnh cá nhân để song hành và quảng bá cho các đơn vị tài trợ, nhãn hàng - “cửa kiếm tiền” mới cho các ngôi sao thể thao Việt Nam vẫn bị bỏ ngỏ.
Trông người, ngẫm ta
Trên thế giới, số lượng sao thể thao hái ra tiền đếm không xuể. Tiêu biểu như tay vợt người Thụy Sĩ Roger Federer, tuy không còn ở đỉnh cao phong độ nhưng hàng năm thu nhập của anh lên tới khoảng 50 triệu USD (hơn 1 nghìn tỷ VND). Siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo mỗi năm đem về trên 30 triệu USD (hơn 600 tỷ VND) từ Nike, Tag Heuer, Ferrari, Clear Men…
Trông người lại nghĩ đến ta, với thành tích giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016 , xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhận được khoảng 5 tỷ đồng tiền thưởng. Con số này so với các khoản tiền khổng lồ của VĐV quốc tế giành HCV không lớn nhưng đủ giúp chàng Đại tá quân đội thực hiện nhiều dự định còn dang dở. Anh cũng may mắn hơn nhiều so với những đồng nghiệp tay trắng rời Brasil.
Thực tế, câu chuyện VĐV Việt Nam chỉ trông vào thành tích để có chút “của ăn, của để” không hề mới. Tuy nhiên, nhắc lại nó cũng chẳng cũ bởi kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập tới nay, mức sống của rất nhiều VĐV, kể cả VĐV đã có thành tích vẫn ở mức thấp, thậm chí là rất thấp. Ngoại trừ bóng đá và bóng chuyền, thể thao Việt Nam có khoảng gần 1.000 VĐV cấp đội tuyển ngoài tiền lương theo chế độ và tiền thưởng thành tích gần như không có thêm bất kỳ một khoản thu nhập nào.
Những năm gần đây, nhờ chính sách xã hội hóa thể thao, đời sống của VĐV Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể nhưng chỉ ở một bộ phận nhỏ đạt thành tích đặc biệt xuất sắc. Năm 2015, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên từng gây ấn tượng khi giành 8 HCV SEA Games và nhận được một loạt đề nghị của những nhà tài trợ. Ước tính, số tiền lên tới khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền Ánh Viên nhận được chưa thấm vào đâu so với Nguyễn Diệp Phương Trâm khi kình ngư trẻ nhận hợp đồng tài trợ lên tới 18 tỷ đồng từ Công ty NutiFood.
Khiêm tốn hơn, tay vợt số một Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đầu năm 2016 đã nhận được hợp đồng tài trợ lên tới 1 tỷ đồng/năm từ hãng thời trang Nhật Bản Mizuno. Với bóng đá, Công Vinh vẫn là gương mặt sáng giá nhất cho sự lựa chọn của nhiều nhãn hàng.
VĐV buông việc xây dựng hình ảnh
Thực tế, đại đa số các VĐV Việt Nam đều không có sự chăm chút cho hình ảnh cá nhân. Những trường hợp nhận tài trợ đều mang tính tự phát chứ không phải là kết quả của quá trình gây dựng thương hiệu bài bản.
Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hiện đang được nhiều doanh nghiệp xếp hàng chờ tài trợ, mời làm gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng. Tuy nhiên, ở tuổi 41, việc Hoàng Xuân Vinh có tiếp tục gặt hái được thành công để giữ nhà tài trợ ở lại lâu dài còn cần thời gian trả lời.
Thời gian qua, đúng là ngành Thể thao chưa quan tâm tới việc hỗ trợ VĐV xây dựng hình ảnh cá nhân. Tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các liên đoàn, hiệp hội thành viên nghiên cứu và lên kế hoạch thực hiện để làm sao giúp VĐV có được điều kiện tốt nhất phát triển hình ảnh”. Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởngTổng cục TDTT |
Trong khi đó, Ánh Viên, Phương Trâm là những hiện tượng của thể thao đỉnh cao ở độ tuổi còn rất trẻ nên dễ “hút” nhãn hàng hơn. Theo ông Tống Đức Thuận, đại diện hãng thời trang Mizuno tại Việt Nam, sở dĩ Mizuno chọn Tiến Minh là do tay vợt này không có scandal đời tư, thi đấu và tập luyện hết sức chuyên nghiệp. Tương tự, ngoài tài năng, Công Vinh là một trong số ít những VĐV gây ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp.
Cựu nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương, hiện là Giám đốc Công ty Truyền thông VTH chia sẻ với Báo Giao thông, nhiều VĐV của chúng ta chuyên môn tốt nhưng chưa có ý thức tự “làm đẹp” nên rất khó để phát triển hình ảnh, thu hút nhà tài trợ. “Tôi thấy đơn giản như ăn mặc ra sao khi xuất hiện trước công chúng, trả lời phỏng vấn như thế nào cũng là điều các VĐV của chúng ta rất kém và cần học hỏi, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp không chỉ trong thi đấu”.
Cá nhân bỏ bê, các đơn vị quản lý cũng bỏ mặc việc xây dựng hình ảnh cho VĐV. Ngoài bóng đá và bóng chuyền, các môn thể thao khác ở Việt Nam đều không có mô hình CLB chuyên nghiệp, tất cả đều do liên đoàn, hiệp hội quản lý. Theo chuyên gia Hoàng Vĩnh Giang, đa phần các hiệp hội, liên đoàn quá khó khăn trong vấn đề kinh phí. Ngay cả những chế độ tối thiểu cho VĐV còn lo không xong nên chưa thể nghĩ tới việc xây dựng hình ảnh.