Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Vì sao vợ giáo sư có con nhỏ phá đám phỏng vấn bị nhầm là bảo mẫu?

Vì sao vợ giáo sư có con nhỏ phá đám phỏng vấn bị nhầm là bảo mẫu?
Vợ của giáo sư Robert Kelly bị nhầm là bảo mẫu có thể vì lối suy nghĩ rằng phụ nữ châu Á hay làm công việc phục vụ và nhiều người vẫn bất ngờ về hôn nhân khác chủng tộc.

Robert Kelly, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, hôm 10/3 đang phân tích chuyên môn trên chương trình phát trực tiếp của kênh BBC thì hai con gái ùa vào phòng làm gián đoạn phỏng vấn. Vài giây sau, một phụ nữ châu Á trong bộ dạng xộc xệch, hớt hải lao vào phòng, vội vàng kéo cả hai bé ra ngoài. 

Khi đoạn video được lan truyền mạnh mẽ trên mạng, nhiều người cho rằng người phụ nữ này là bảo mẫu của gia đình, tuy nhiên, cô thực ra là vợ của giáo sư Kelly tên là Jung-a Kim, người Hàn Quốc.

Gia đình của Kelly. Ảnh: Twitter

Thành kiến về phụ nữ châu Á

Theo Huffington Post, phụ nữ châu Á thường bị truyền thông mô tả là khúm núm trước đàn ông, đặc biệt là đàn ông da trắng.

Phil Yu, người điều hành blog Angry Asian Man, nói với tờ Los Angeles Times rằng: "Có định kiến rập khuôn rằng phụ nữ châu Á thường phục tùng, thụ động, và hay làm các công việc phục vụ. Mọi người nhanh chóng đưa ra suy đoán đó".

Lối suy nghĩ này giải thích tại sao một số người cho rằng phản ứng của Kim là phản ứng của một bảo mẫu hoảng sợ chứ không phải là một phụ huynh xấu hổ. Những người khác cũng ngay lập tức cho rằng cô là một "bảo mẫu nhập cư", dường như không xem xét thực tế là Kelly và gia đình sống ở Hàn Quốc và con nhỏ của Kelly đã gọi mẹ bằng tiếng Hàn.

Người sử dụng Twitter nhanh chóng chỉ ra rằng hành vi của Kim là thường thấy với người Hàn Quốc - những người đánh giá cao danh dự của gia đình.

Theo BBC, một nhà báo gốc Ấn nói rằng khi cô làm việc tại một tờ báo địa phương ở Anh, lễ tân đã cho rằng cô là lao công và hỏi cô: "Chị đến để dọn bếp phải không?".

Kumiko Toda, một giảng viên gốc Nhật, nói rằng những người gặp cô lần đầu tiên hay hỏi cô đến từ đâu - mặc dù cô lớn lên ở Anh và nói giọng Anh.

Yếu tố này dường như cũng tác động đến cách người lạ tương tác với cô. "Tôi rất ngạc nhiên khi nói chuyện với bạn bè da trắng về việc bị quấy rối trên đường phố. Họ có những trải nghiệm khác", cô nói. "Họ không bị quấy rối nhiều như tôi và kẻ quấy rối thường ít ra vẻ bề trên hơn".

"Tôi tự hỏi liệu chủng tộc của tôi và lối suy nghĩ rằng phụ nữ Đông Á thường dễ phục tùng có liên quan gì đến tần suất và bản chất của những hành vi quấy rối tôi đã phải trải qua hay không", cô nói thêm.

Hôn nhân khác chủng tộc

Lối suy nghĩ rằng mọi người có xu hướng hẹn hò và kết hôn với người cùng chủng tộc cũng là một yếu tố khiến Kim bị nhầm là bảo mẫu chứ không phải là vợ của giáo sư.

"Nếu người đàn ông và phụ nữ trong video cùng chủng tộc thì sẽ rất ít người băn khoăn họ có là vợ chồng hay không", nhà hoạt động Soraya Chemaly nói.

Tiffany Wong và Jonathan Smith. Ảnh: BBC

Cặp vợ chồng ở Anh, Tiffany Wong và Jonathan Smith, cho biết họ đã bị người lạ kỳ thị khi bắt đầu hẹn hò.

"Có những người chế nhạo chúng tôi. Có lần khi chúng tôi đang đi dạo phố thì một gã hét lên với Johnathan 'thật buồn khi cậu phải đi với một cô gái châu Á'", Tiffany kể.

Một số đồng nghiệp và gia đình của họ cũng rất ngạc nhiên. "Khi tôi nhắc đến vị hôn thê của mình tại cơ quan, mọi người cho rằng cô ấy là người da trắng và họ ngạc nhiên khi biết cô ấy không phải. Tôi thấy điều này không có tính xúc phạm, chỉ là mọi người thường nghĩ bạn sẽ hẹn hò với người cùng chủng tộc", Johnathan nói.

Một số người lập luận rằng nhầm lẫn về cô Kim là dấu hiệu của lối suy nghĩ coi người da trắng là ưu tú nhất. Tuy nhiên, suy nghĩ rập khuôn về chủng tộc có thể đến từ cả hai phía.

Helen, một bảo mẫu làm việc tại Hàn Quốc, nói rằng cô thấy nhiều người Hàn Quốc đặt nặng vấn đề màu da và dường như phân biệt đối xử với những người có da sẫm màu.

Trong khi đó, Andrew Wood, một nhà báo BBC làm việc ở Hàn Quốc trong hai năm, nói rằng ông thường bị cho là lính Mỹ đồn trú tại Hàn.

"Các lái xe taxi hiếm khi dừng lại chở những người đàn ông da trắng vào tối thứ sáu hoặc thứ bảy vì họ cho rằng đó là những người lính say rượu sẽ nôn thốc nôn tháo ra xe của họ".

Phương Vũ

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây