Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chọn thời điểm này để can thiệp quân sự vào Syria?
- Chủ nhật - 28/08/2016 22:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lùi kế hoạch vốn chuẩn bị suốt hơn 2 năm
Báo Hurriyet hôm qua 28/8 dẫn lời một quan chức thạo tin của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Sau khi bắn rơi máy bay Nga hồi tháng 11/2015, Ankara không thể thực hiện kế hoạch (can dự vào Syria) vì không có lá chắn trên không. Phải chờ đến khi khôi phục quan hệ với Nga gần đây các hoạt động đổ bộ mới được triển khai”.
Thực tế, một ngày sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga gần biên giới Syria cuối năm ngoái, Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-400 đến căn cứ quân sự Khmeimim ở Syria. Moscow cảnh báo sẵn sàng bắn hạ bất cứ mục tiêu nào đe dọa các chiến đấu cơ của họ ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ liên tục điều xe tăng đến Syria. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, quan hệ Ankara-Moscow được khôi phục gần đây sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan viết thư xin lỗi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã có cuộc hội đàm vào đầu tháng 6 để bình thường hóa hơn nữa quan hệ song phương. Trong một diễn biến mới nhất, Nga đã nhất trí cho phép nối lại các chuyến bay cho thuê từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hurriyet dẫn nguồn tin trên cho biết thêm, kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria dường như đã được Ankara chuẩn bị trong một thời gian dài. “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn kế hoạch cho chiến dịch đổ bộ Syria trong khoảng hơn 2 năm. Hồi tháng 6/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận với các đồng minh trong liên minh trong đó có Mỹ về khả năng tiến hành một chiến dịch đổ bộ để giải phóng thị trấn Jarablus từ tay phiến quân thánh chiến”, nguồn tin cho biết với Hurriyet.
Nguồn tin cho biết thêm một chướng ngại vật nữa khiến kế hoạch bị trì hoãn đó là cuộc đảo chính bất thành của nhiều quan chức quân đội cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7. Các hoạt động của Ankara phụ thuộc lớn vào lực lượng đặc nhiệm, tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng này, ông Semih Terzi, bị phát hiện là một trong những kẻ chủ mưu đảo chính. Ông này đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính, trong khi hàng nghìn sĩ quan, cảnh sát và công chức bị bắt hoặc bị sa thải trong chiến dịch thanh lọc bộ máy sau đó của chính quyền Erdogan.
Thêm vào đó, Ankara cũng thiếu sự ủng hộ của Mỹ. “Chúng tôi đã thảo luận với giới chức Mỹ năm ngoái và nhận ra rằng Washington không tin rằng kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có tính khả thi”, nguồn tin cho biết.
Ankara tăng cường chiến dịch ở Syria
(Ảnh minh họa: Getty)
Các máy bay chiến đấu, xe tăng và lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công và đổ bộ Syria từ hôm 24/8. Ankara tuyên bố chiến dịch này sẽ chưa kết thúc cho đến khi quét sạch phiến quân thánh chiến và lực lượng người Kurd khỏi thị trấn Jarablus sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vài ngày trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng cường lực lượng cho chiến dịch này. Theo nhật báo Hurriyet, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria hiện có 50 xe tăng và 380 binh sĩ ở Syria, các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tiếp tấn công các mục tiêu ở Jarablus.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết, các cuộc không kích và pháo kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng qua 28/8 đã khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng người Kurd nói rằng, các vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào 2 ngôi làng Al-Amarneh và Jeb el-Kussa ở Jarablus đã khiến 75 dân thường thiệt mạng.
Chính quyền Syria đã chỉ trích chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Syria. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ Syria chỉ có thể được tiến với sự phối hợp với chính quyền Damascus.
Minh Phương
Theo RT, BBC