Vì sao Mỹ không phản ứng quân sự khi Triều Tiên phóng tên lửa?
- Thứ năm - 18/05/2017 20:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khoảnh khắc tên lửa Hwasong-12 Triều Tiên rời bệ phóng
Trong nhiều tuần qua, bán đảo Triều Tiên như một thùng thuốc súng chỉ chờ một mồi lửa là bùng nổ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân, trong khi lãnh đạo Bình Nhưỡng quyết không chịu nhượng bộ.
Tuy nhiên, với việc thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hôm 14/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như tìm cách né tránh phản ứng quân sự của Mỹ và đồng minh trên bán đảo Triều Tiên, theo NYTimes.
Lầu Năm Góc đã triển khai nhiều khí tài chiến lược như tàu sân bay, tàu ngầm, tổ hợp tên lửa THAAD xung quanh Triều Tiên, sẵn sàng cho những phản ứng quyết liệt nhất với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Nhưng sau vụ phóng tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên, hành động của Mỹ lại không quyết liệt như lời nói.
Theo bình luận viên William Broad, lý do chính ở đây là Triều Tiên đã phóng quả tên lửa lên rất cao, gần như theo góc thẳng đứng, thay vì để nó bay xa theo quỹ đạo của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thông thường. Quả tên lửa Hwasong-12 đạt tới độ cao hơn 2.000 km, đốt cháy hết nhiên liệu rồi rơi xuống bầu khí quyển, mô phỏng quá trình tái xâm nhập đầy khắc nghiệt mà đầu đạn hạt nhân thường phải trải qua sau khi được bắn lên quỹ đạo. Tên lửa sau đó rơi xuống vùng biển cách đất liền Triều Tiên vài trăm km.
"Họ có thể mô phỏng một đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bằng quỹ đạo như vậy", David C. Wright, thành viên Hiệp hội Nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Cambridge, Mỹ, cho biết. "Đó là một bước đệm rất quan trọng".
John Schilling, chuyên gia nổi tiếng về chương trình tên lửa Triều Tiên, gọi vụ thử tên lửa "cấp độ nhỏ" Hwasong-12 này là một chiến thuật để Triều Tiên tránh kích hoạt phản ứng quân sự từ phía Mỹ và đồng minh. Tuy vậy, vụ thử lại là một thành công lớn với Bình Nhưỡng, khi chứng thực được rằng họ đang đến gần hơn với việc sở hữu ICBM hơn bao giờ hết.
Trước đây, các chuyên gia phi chính phủ dự đoán rằng Triều Tiên chỉ có thể ra mắt ICBM đầu tiên sớm nhất là vào năm 2020. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08 mà họ ra mắt trong cuộc duyệt binh cách đây vài năm chưa từng được thử nghiệm, chưa có gì đảm bảo được nó sẽ có khả năng vươn tới lục địa Mỹ như Bình Nhưỡng công bố. Nhưng giờ đây giới phân tích tình báo và an ninh đều cho rằng Triều Tiên sẽ có thể chế tạo thành công ICBM đáng tin cậy trong một năm tới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa trước khi phóng. Ảnh: Rodong |
"Chúng tôi cho rằng họ đã có đủ thời gian để gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa", Michael Morell, cựu phó giám đốc CIA dưới thời chính quyền Obama, nhận định. "Mối đe dọa với Mỹ là hiện hữu".
Các chuyên gia quốc tế cho rằng tên lửa Hwasong-12 nếu được bắn ở quỹ đạo chuẩn sẽ bay được khoảng 4.500 km, thừa sức vươn tới đảo Guam của Mỹ. Đây là tên lửa bay xa nhất từng được thử nghiệm của Triều Tiên, chứng tỏ bước nhảy vọt trong công nghệ tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
Chặng đường không còn xa
Theo Schilling, từ trước tới nay, Triều Tiên chủ yếu dựa vào tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan để nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ cho ICBM. Năm ngoái, Triều Tiên phóng thử một loạt tên lửa Musudan, 88% trong số đó phát nổ chỉ sau một thời gian ngắn rời khỏi bệ phóng, làm dấy lên đồn đoán rằng Mỹ đã có biện pháp can thiệp từ xa nhằm phá hoại chương trình này.
Đây nhiều khả năng là động lực để Bình Nhưỡng từ bỏ Musudan, hướng tới phát triển một loại tên lửa tầm trung hoàn toàn mới có độ tin cậy cao hơn. Schilling cho rằng Hwasong-12 chính là kết quả của hướng đi này và nó là một phiên bản thu nhỏ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08.
Theo đó, Hwasong-12 sử dụng chung động cơ tên lửa với KN-08, nhưng nó chỉ có hai tầng đẩy, thay vì ba tầng như loại ICBM này. Việc thử nghiệm phiên bản nhỏ gọn hơn sẽ giúp Bình Nhưỡng tiết kiệm đáng kể chi phí mà vẫn kiểm tra được khá đầy đủ tính năng của một ICBM thực sự, đồng thời không tạo cớ để Mỹ có thể can thiệp quân sự, Schilling nhận định.
Trong vụ phóng này, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm một đầu đạn "dưới điều kiện tái xâm nhập khắc nghiệt nhất", ám chỉ khả năng phát triển thành công đầu đạn có thể bay trở lại bầu khí quyển thành công sau khi phóng lên quỹ đạo.
Charles P. Vick, chuyên gia về tên lửa Triều Tiên tại tổ chức GlobalSecurity, cho biết Mỹ vẫn thường phóng tên lửa theo quỹ đạo rất cao để kiểm nghiệm khả năng chịu đựng nhiệt độ và áp suất cực cao của đầu đạn khi cọ xát với không khí trong quá trình tái xâm nhập. "Tên lửa bay cực cao sẽ khiến quá trình tái xâm nhập trở nên nhanh hơn, dữ dội hơn", Vick nói.
Tên lửa Hwasong-12 có thể bắn xa 4.500 km, thừa sức vươn tới đảo Guam của Mỹ. Đồ họa: NYTimes |
Tuy nhiên, Vick và tiến sĩ Wright nhận định vụ thử này là chưa đủ để Triều Tiên hiểu hết về quá trình đầu đạn tái xâm nhập khí quyển. Một tên lửa tầm trung dù bắn cao tới đâu cũng không chịu điều kiện nhiệt độ và áp suất giống như ICBM. "Triều Tiên đã học hỏi được vài điều nhưng không phải là tất cả", Wright nói.
Bởi vậy, giới quan sát dự đoán rằng trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung, cho đến khi họ tự tin là đã hoàn thiện công nghệ để có thể sử dụng trong ICBM tương lai như KN-08 hay KN-14 mà không phải thực sự phóng thử những mẫu tên lửa rất đắt đỏ này.
"Nếu họ sở hữu một hệ thống gắn động cơ mới có thể tăng kích thước, họ đang theo con đường đáng tin cậy để phát triển ICBM", Wright nhận xét. "Bằng con đường này, Triều Tiên đang gửi thông điệp tới phương Tây rằng nếu muốn đàm phán, tốt nhất là hãy đàm phán từ bây giờ", ông nhấn mạnh.
Trí Dũng