Vì sao 3 cường quốc không cản nổi Triều Tiên?
- Thứ sáu - 26/08/2016 15:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dù vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, song Triều Tiên không từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình. Thực tế này làm dấy lên câu hỏi: Ai có thể ngăn chặn tham vọng này? Câu trả lời là rất khó, trừ khi 3 cường quốc, gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc, hợp tác với nhau.
Ngày 3/8, Bình Nhưỡng phóng thử 2 tên lửa đạn đạo, một quả lần đầu tiên đáp xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, còn quả kia phát nổ ngay sau vụ phóng.
Ngày 24/8, Triều Tiên thực hiện một vụ phóng tên lửa nữa từ tàu ngầm. Lần này, tên lửa bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Nhật.
Diễn biến này mang tính chiến lược về thời điểm, giữa lúc đang có một cuộc gặp của các ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc ở Tokyo. Nó diễn ra 2 ngày sau khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận thường niên, mà Triều Tiên phản đối kịch liệt.
Trong tháng 7, Triều Tiên bắn 3 tên lửa đạn đạo ra biển. Trước đó, trong tháng 2, nước này đã phóng một tên lửa tầm xa, còn hồi tháng 1 thực hiện vụ thử hạt nhân lần 4.
Triều Tiên được tin là đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa các loại khác nhau, gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dùng để bắn các đầu nổ hạt nhân.
Các nghị quyết hiện thời của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng tên lửa, "kể cả đó là một vệ tinh hoặc một vụ phóng lên không gian".
Liên Hợp Quốc đã mở rộng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hồi tháng 3, để đáp trả các vụ thử hồi tháng 1 và 2. Nước này bị cấm vận từ năm 2006.
Hãng tin CNBC dẫn lời Michael Ivanovitch, Chủ tịch Hãng nghiên cứu MSI Global, nhận định rằng chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Nga mới có thể ngăn được tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
"Tuy nhiên, điều đó xoay quanh việc liệu ba cường quốc có thể nhất trí với nhau về cán cân quyền lực, và cả bản chất chính trị, trên bán đảo hay không", ông nói.
Nhưng hiện thời thì điều này có lẽ là không thể.
"Lợi ích của các nước không giống nhau. Họ ở các đầu đối ngược của Bán đảo Triều Tiên và những hậu quả của cuộc xung đột đó vẫn chưa giải quyết xong", Ivanovitch giải thích thêm.
Moscow và Bắc Kinh là các nguồn viện trợ lớn về quân sự, chiến thuật và hậu cần cho Bình Nhưỡng trong cuộc chiến năm 1950 - 1953, trong khi Mỹ là đồng minh của Seoul.
Mới đây, tranh cãi nổ ra về sự phát triển của một hệ thống phòng thủ chống tên lửa có tên gọi tắt là THAAD ở Hàn Quốc là một ví dụ cho thấy sự căng thẳng giữa các bên.
Seoul và Washington hy vọng sẽ dùng THAAD để đối lại Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh và Moscow phản đối chiến lược này, coi hệ thống là một mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Sự phản đối dữ dội đã làm mờ những hy vọng rằng Trung Quốc có thể giúp ngăn tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Harry Sa, một chuyên gia thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nhận định Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể đạt được một thỏa thuận cấm vận mới.
Tuy nhiên, cả ba nước lại có những lợi ích địa chính trị cạnh tranh nhau ở Bán đảo Triều Tiên ảnh hưởng đến mức độ đồng thuận và thực thi cấm vận giữa họ.
"Mỹ muốn một bán đảo Triều Tiên thống nhất dân chủ ủng hộ phương Tây, trong khi Trung Quốc muốn Triều Tiên là một vùng đệm chống lại sự hiện diện của Mỹ. Nga cũng tìm cách ngăn Mỹ tìm được vị trí lớn ở châu Á", Harry Sa nói.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet