Vén màn bí ẩn Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng
- Chủ nhật - 23/10/2016 15:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lễ khai mạc Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ 15 diễn ra vào tháng trước. Ảnh: AFP |
Nằm trải rộng trên diện tích khoảng 930.000 m2, vắt ngang một vùng đồi rộng lớn ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, Xưởng phim Bình Nhưỡng được biết đến như là cơ sở sản xuất phim lớn nhất toàn cầu với nhiều bối cảnh phản ánh cách nhìn mang tính tuyên truyền của Triều Tiên về thế giới bên ngoài, theo New York Times.
Có nhiều bối cảnh phim mô tả Nhật Bản, cảnh vật đường phố châu Âu và Hàn Quốc vào năm 1950. Cảnh đường phố Hàn Quốc, nước láng giềng và là đối thủ lâu đời của Triều Tiên, bao gồm một nhà thổ xơ xác, một quán bar trang trí lòe loẹt cùng một ngân hàng máu mờ ám. Tất cả dường như được dựng lên với dụng ý mô tả hình ảnh suy đồi và tội lỗi.
Xưởng phim Bình Nhưỡng gần đây bỗng trống trải lạ thường. Những khu vực sản xuất hậu kỳ dường như không có bóng dáng nhân viên nào, đồ đạc bên trong bị mạng nhện và bụi phủ đầy. Song một hướng dẫn viên khẳng định các bối cảnh phim vẫn được sử dụng thường xuyên.
"Một đoàn làm phim hôm qua vừa đến quay ở đây và họ sẽ tiếp tục quay vào ngày mai. Họ chỉ nghỉ hôm nay thôi", người hướng dẫn viên giải thích.
Nhiệm vụ của hướng dẫn viên này là "chăm sóc" những người ngoài trong trường hợp họ tò mò khám phá đằng sau dáng vẻ bí ẩn của Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng, sự kiện diễn ra hai năm một lần.
Tách rời đời sống
Theo New York Times, Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng lần thứ 15 hoàn toàn xa rời đời sống ở Triều Tiên, một đất nước đang gặp nhiều khó khăn bởi thiên tai cũng như các lệnh trừng phạt từ Liên Hơp Quốc vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Lễ khai mạc liên hoan, diễn ra ở Nhà hát Thanh niên Trung ương ở Bình Nhưỡng hồi giữa tháng 9, vô cùng hoành tráng. Tham dự lễ khai mạc gồm những quan chức chính phủ Triều Tiên, các đoàn đại biểu có phim tham dự liên hoan và đại diện đến từ các đại sứ quán.
Xe cộ của các quan chức và xe buýt chở những nhóm biểu diễn nghệ thuật ken đặc trong một bãi đỗ xe rộng. Những phụ nữ ăn mặc thanh nhã đổ vào nhà hát chật ních người. Tại liên hoan phim, không ai đề cập đến các lệnh trừng phạt hay những trận lũ lụt tàn phá nặng nề Triều Tiên thời gian qua.
Lễ khai mạc giới thiệu 5 thành viên ban giám khảo liên hoan phim, đứng đầu là ông Yuri Mityushin, cựu quan chức Bộ Nội vụ Nga, đồng thời là người điều hành một liên hoan phim chủ đề "thực thi pháp luật" ở Moscow. Những năm trước đó, Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng cũng mời các giám khảo đến từ Iran, Syria và Trung Quốc.
Việc phân chia quyền hành của từng thành viên giám khảo chỉ diễn ra trước sự kiện vài ngày và rất khó hiểu, Matt Hulse, một nhà làm phim người Anh có chân trong ban giám khảo, cho biết. Tại cuộc họp đầu tiên của ban giám khảo, sau khi mọi người lần lượt tự giới thiệu bản thân, một đại diện Bộ Văn hóa Triều Tiên, cơ quan tổ chức sự kiện, đề cử ông Mityushin làm chủ tịch vì tuổi cao rồi yêu cầu mọi người vỗ tay nếu đồng ý.
"Trong một tình huống o ép như vậy và các thành viên ban giám khảo cũng chỉ mới gặp nhau được mấy giây, thật khó để phản đối dù trong lòng thấy không công bằng", ông Hulse nói.
Lễ khai mạc kết thúc khi các quan chức nước chủ nhà thông báo liên hoan sẽ trình chiếu những bộ phim từ các nước phản đối chiến tranh và "khao khát một cuộc sống thanh bình, tươi đẹp".
Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng hiếm khi chiếu những bộ phim có hy vọng đoạt giải Oscar hay có các ngôi sao Hollywood thủ vai. Nếu một bộ phim được chiếu, đó có thể là vì nó ca ngợi các giá trị xã hội hoặc tinh thần yêu nước. Bộ phim mở màn liên hoan có tựa đề "Tiền đồn lặng lẽ" với đề tài chiến tranh, lòng yêu nước và ca ngợi quân đội.
Đề cao tư tưởng tự lực
Người dân đến xem phim tại liên hoan. Ảnh: AFP |
Trong suốt 8 ngày diễn ra liên hoan, 11 bộ phim chuyên đề cùng cạnh tranh giải Ngọn đuốc. Ban giám khảo được yêu cầu chấm điểm phim dựa trên mức độ xuất sắc trong việc thể hiện chủ đề chính của liên hoan là "Độc lập, Hòa bình, Hữu nghị" và liệu chúng có phản ánh rõ tư tưởng Juche (tự lực) của người lập quốc Triều Tiên, Chủ tịch Kim Nhật Thành, hay không.
Toàn bộ danh sách trình chiếu lần này có 60 phim đến từ 21 nước. Phim của Đức, Pháp và Ấn Độ cũng góp mặt nhưng phim Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn bị cấm cửa.
"Câu chuyện ngôi nhà chúng tôi" là bộ phim duy nhất của Triều Tiên dự giải chuyên đề. Nó dựa trên chuyện về một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đã dành hết tâm lực để nuôi nấng trẻ mồ côi. Bộ phim nhận được lời khen ngợi từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các bộ phim thể loại khác của Triều Tiên bao gồm một bộ phim hoạt hình ngắn và một bộ phim tài liệu về cuộc sống thường ngày với tựa đề "Bình Nhưỡng phồn vinh".
"Các chủ đề tự lực, tinh thần cộng đồng và giá trị đạo đức xã hội trong những bộ phim sản xuất nội địa" nhìn chung được chọn lựa kỹ, Vicky Mohieddeen, người quản lý các dự án sáng tạo thuộc hãng lữ hành Koryo Tours, cho hay.
Koryo Tours là đối tác chính thức của Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng kể từ năm 2002. Koryo Tours còn là đơn vị đứng ra giúp những nhà làm phim quốc tế gửi phim đến Bộ Văn hóa Triều Tiên.
Đối với đại biểu quốc tế, điểm hấp dẫn nhất của liên hoan là trải nghiệm khi xem các bộ phim cùng những người dân Triều Tiên, mặc dù họ cũng ý thức rõ rằng họ chỉ đang giao tiếp với một bộ phận có đặc quyền trong xã hội Triều Tiên.
Sau buổi tối công chiếu bộ phim đến từ Ấn Độ "Baahubali: The Beginning", thuộc thể loại sử thi, lấy cảm hứng từ bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" với đoạn kết không rõ ràng, nhiều người Triều Tiên trong phòng chiếu phim tỏ ra kinh ngạc và phải nấn ná một lúc mới chịu ra về.
"Liệu câu chuyện này có thật không?", một khán giả buột miệng hỏi.
"Hãy yêu cầu các nhà làm phim chiếu phần hai vào liên hoan phim lần sau", một người khác nói.
Kết thúc liên hoan phim, đám đông khán giả cũng bày tỏ đôi chút ngạc nhiên khi giải Ngọn đuốc được trao cho bộ phim Triều Tiên "Câu chuyện ngôi nhà chúng tôi" và Paek Sol-mi, nữ chính của bộ phim này, cũng giành giải nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Xem thêm: Phận đời lận đận của những phụ nữ bỏ trốn khỏi Triều Tiên
Hồng Vân