Trump có thể học hỏi gì từ các tiền bối trong diễn văn nhậm chức?
- Thứ sáu - 20/01/2017 15:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ học hỏi cách truyền niềm tin và cảm hứng từ những người tiền nhiệm trong diễn văn nhậm chức năm nay. Ảnh minh họa: Huffington Post |
Ông Donald Trump cuối tháng trước có cuộc trao đổi với nhà sử học chuyên nghiên cứu tổng thống Mỹ Douglas Brinkley về các bài diễn văn nhậm chức của những bậc tiền bối.
Brinkley cho biết tổng thống đắc cử Mỹ không có ý định xây dựng một bài diễn văn dài lê thê cho ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1 tới đây. "Ông ấy không muốn bài diễn văn quá dông dài. Ông ấy nói không muốn mọi người đứng phơi mình giữa thời tiết giá lạnh", Brinkley tiết lộ.
Brinkley thêm rằng ông Trump không muốn lặp lại thảm họa của tổng thống William Henry Harrison vào năm 1841 khi ông đọc bài diễn văn dài nhất trong lịch sử Mỹ (1 tiếng 45 phút) giữa trời bão tuyết. Harrison không thể tại vị lâu tại Nhà Trắng bởi chỉ một tháng sau lễ nhậm chức, ông qua đời vì bệnh viêm phổi.
Nhìn chung, diễn văn nhậm chức đã trở thành điểm nhấn quan trọng đối với nhiệm kỳ của một tổng thống Mỹ phần lớn nhờ vào truyền thông đại chúng thế kỷ XX. Tuy nhiên, thời kỳ đầu, các bài diễn văn nhậm chức tổng thống Mỹ không được đọc trước đông đảo người ủng hộ mà là trước một nhóm nghị sĩ và quan chức, theo NPR.
Dường như đây là lý do vì sao George Washington cảm thấy không cần thiết phải truyền cảm hứng với bài diễn văn nhậm chức tổng thống đầu tiên của nước Mỹ vào năm 1789.
Bài diễn văn bắt đầu bằng câu: "Giữa hàng loạt những biến cố thăng trầm trong đời sống, không sự kiện nào có thể khiến tôi tràn ngập âu lo hơn thông báo truyền đi theo mệnh lệnh của các ngài vào ngày 14 tháng này". Ngày 14/4/1789 , George Washington nhận được thông báo rằng đại cử tri đoàn đã bầu ông làm tổng thống Mỹ đầu tiên.
Phong cách nhũn nhặn ấy lặp lại 4 năm sau đó khi Washington chắp bút bài diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai với vỏn vẹn 135 từ. Đây cũng là diễn văn nhậm chức tổng thống ngắn nhất cho đến nay.
Ấn tượng diễn văn nhậm chức
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy không mang áo choàng hay đội mũ giữa thời tiết băng giá khi ông phát biểu nhậm chức ngày 20/1/1961 . Ảnh: AP |
Các bài diễn văn nhậm chức tổng thống khiến người Mỹ nhớ thường được phát biểu trong những thời khắc tồi tệ nhất lịch sử.
Giữa cao trào cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào năm 1933, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã cố gắng biến chiến thắng áp đảo của ông trong cuộc bầu cử thành niềm tin mới cho đất nước khi dõng dạc tuyên bố "Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi" trong diễn văn nhậm chức.
Ông chỉ trích "nỗi sợ hãi không tên, vô hình và không thể lý giải đã làm tê liệt các nỗ lực cần thiết để tiến lên phía trước".
Roosevelt đồng thời đưa ra thông điệp hy vọng: "Ở mọi thời khắc đen tối xảy ra trong đời sống đất nước chúng ta, một bộ máy lãnh đạo thẳng thắn và mạnh mẽ đã gặp gỡ sự thông hiểu và ủng hộ của chính những người dân và đó là điều thiết yếu để chiến thắng".
Theo bình luận viên Ron Elving từ NPR, chưa có tổng thống Mỹ nào tuyên thệ nhậm chức trong hoàn cảnh lịch sử khó khăn như vậy nhưng bài diễn văn của ông đã mang đến những tác động vô cùng quan trọng.
Học hỏi Reagan và Kennedy
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan phát biểu nhậm chức vào ngày 20/1/1981 . Ảnh: AP |
Nhà sử học Brinkley cho biết trong cuộc trò chuyện với ông, tỷ phú Trump có đề cập đến các bài diễn văn nhậm chức của hai tổng thống Mỹ là John F. Kennedy và Ronald Reagan.
Theo Washington Post, trong các cuộc gặp riêng với những vị khách ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago do nhà tài phiệt New York sở hữu ở bang Florida hồi cuối tháng trước, Trump tiết lộ rằng ông sẽ đọc các bài diễn văn nhậm chức của Ronald Reagan và John F. Kennedy để tìm cảm hứng.
Ông nhấn mạnh cách hành văn khơi gợi sự tin tưởng ở Reagan cũng như cách truyền đạt mạnh mẽ các khát vọng vĩ đại của dân tộc ở Kennedy sẽ là điểm trọng tâm mà ông nghĩ đến khi soạn diễn văn nhậm chức.
Không riêng gì Trump, rất nhiều người Mỹ cũng được truyền cảm hứng từ màn thể hiện mang ý nghĩa biểu tượng của Kennedy tại lễ nhậm chức năm 1961. Kennedy, lúc bấy giờ 43 tuổi, dường như đã mang cả tinh thần của thời đại ông vào bài diễn văn nhậm chức:
"Hãy để những ngôn từ phát đi vào thời khắc này và từ nơi này tìm đến bằng hữu cũng như kẻ thù của chúng ta để nói rằng ngọn đuốc soi sáng đã được trao cho một thế hệ người Mỹ mới, được sinh ra trong thế kỷ này, được tôi luyện bởi chiến tranh và được trui rèn kỷ luật bởi một nền hòa bình xây dựng từ cay đắng và khó khăn", ông viết.
Những từ ngữ lay động ấy sau đó lập tức bị lu mờ bởi lời hiệu triệu mạnh mẽ hơn nữa của ông: "Và vì thế, hỡi đồng bào Mỹ của tôi, đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi rằng các bạn có thể làm được những gì cho đất nước".
Một thế hệ người Mỹ đã nghe theo tiếng gọi này bằng cách gia nhập quân đội, phục vụ trong tổ chức tình nguyện Đoàn Hòa bình (Peace Corps) và vô số tổ chức trực thuộc chính quyền khác. Song ít người vào thời điểm đó nhận ra không phải toàn bộ lời lẽ truyền cảm hứng đều do Kennedy chắp bút.
Roosevelt và các tổng thống khác đều dựa vào trợ lý hay cố vấn để soạn những bài diễn văn quan trọng. Tuy nhiên, Kennedy có riêng một trợ lý viết diễn văn xuất sắc là Ted Sorensen, người gia nhập đội ngũ phụ tá cho Kennedy vào năm 1953 khi ông được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Sorensen tham gia viết gần như tất cả các bài phát biểu nổi tiếng của Kennedy song ông luôn xem nhẹ vai trò bản thân và phủ nhận mình là tác giả các bài diễn văn nhậm chức của Kennedy.
"Hãy xem công việc của tôi trong quãng thời gian 11 năm làm việc với John F. Kennedy là một quá trình hợp tác và giờ đây, tôi không nhớ ai là tác giả của một từ hay một dòng cụ thể nào nữa. Tuy nhiên, John F. Kennedy là tác giả bài diễn văn nhậm chức vì ông ấy là người ra quyết định sẽ phát biểu những chính sách và giá trị nào", Sorensen cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với NPR vào năm 2009.
Trong khi đó, Ronald Reagan từ lâu nổi tiếng với năng lực hùng biện, trước cả khi ông trở thành tổng thống dù ông có nhiều trợ lý viết diễn văn. Trong bài diễn văn nhậm chức năm 1981, Reagan đã cố gắng bày tỏ thái độ chính trị theo kiểu của Franklin D. Roosevelt và John F. Kennedy với lời đánh giá mạnh mẽ: "Trong cuộc khủng hoảng này, chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta vì chính phủ mới là vấn đề".
Trợ lý viết diễn văn 31 tuổi
Nhà sử học Brinkley tiết lộ tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói ông sẽ tự soạn diễn văn nhậm chức. Tuy nhiên, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Trump lại cho hay ông đang hợp tác với Stephen Miller, người từng tham gia ban vận động tranh cử của nhà tài phiệt New York hơn một năm, để cùng chắp bút cho diễn văn.
Ở tuổi 31, Miller trẻ hơn một tuổi so với Sorensen ở thời điểm Kennedy nhậm chức. Sinh trưởng ở miền nam bang California, Miller theo học và tốt nghiệp Đại học Duke, bang Bắc Carolina, với tấm bằng cử nhân khoa học chính trị trước khi làm việc cho thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Sessions.
Giống như Sorensen, Miller vừa là cố vấn chính sách vừa là trợ lý viết diễn văn. Miller thường nói chuyện tại các cuộc tập hợp cử tri ủng hộ Trump trong năm 2016, thôi thúc đám đông bằng những lời lẽ công kích gay gắt nhằm vào bà Hillary Clinton trước khi ông Trump bước lên sân khấu.
Miller cũng được tin tưởng giao nhiệm vụ soạn thảo bài diễn văn tiếp nhận đề cử làm ứng viên tổng thống của Trump tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7/2016. Bài phát biểu được nhìn nhận rộng rãi như lời lên án cuộc sống ở nước Mỹ hiện nay, một sự mô tả ảm đạm về tình hình văn hóa, xã hội và kinh tế đất nước.
Ban chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ cho biết bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1 sẽ mang tinh thần lạc quan. Dù tinh thần hay thông điệp nó mang đến ra sao, những phát biểu của ông Trump trong ngày đầu tiên nhiệm kỳ chắc chắn sẽ khiến công chúng ghi nhớ, cây bút Ron Elving nhận định.
Hồng Vân