Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tranh cãi về việc Trump bị tòa án phân biệt đối xử

Tranh cãi về việc Trump bị tòa án phân biệt đối xử
Việc sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump liên tiếp bị tòa án chặn lại làm dấy lên tranh luận rằng ông bị phân biệt đối xử.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh đối với công dân từ sáu nước Hồi giáo. Ảnh: Reuters

Trong 4 tháng cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đối mặt với nhiều bên chống đối, từ những người biểu tình cho đến cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey, nhưng có lẽ không bên nào tạo ra nhiều thách thức hơn cho Trump như các tòa án liên bang, theo CSMonitor.

Bộ máy tư pháp là chốt chặn quan trọng trong hệ thống kiểm soát và cân bằng của Mỹ. Một dấu chấm hỏi lớn đang được đặt ra về cách bộ máy này phản ứng trước một nhà lãnh đạo khó đoán và hành xử khác thường tại Nhà Trắng như Trump.

Kể từ khi James Robart ở Washington trở thành thẩm phán liên bang đầu tiên chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo lớn, các tòa án liên bang trên khắp nước Mỹ sau đó đã làm điều tương tự. Hôm 12/6, tòa phúc thẩm liên bang Khu vực 9 giáng tiếp cho Nhà Trắng một thất bại pháp lý khi tuyên bố giữ nguyên phán quyết chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump mà tòa cấp dưới đưa ra.

Tuy nhiên, khi Nhà Trắng hứng chịu các thất bại liên tiếp, đặc biệt ở các tòa án có khuynh hướng tự do, một số chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi liệu có phải những nỗi sợ bị thổi phồng xung quanh các chính sách của Trump đã khiến bộ máy tư pháp đối xử không công bằng với ông hay không.

Tại tòa phúc thẩm liên bang Khu vực 4 (bên đã giữ nguyên quyết định chặn sắc lệnh của Trump hồi tháng 5), thẩm phán Paul Niemeyer hỏi luật sư kiện chính phủ rằng liệu một sắc lệnh tương tự có được xem là hợp hiến hay không, nếu nó được ký bởi một tổng thống khác chứ không phải là Trump. Sau khi né tránh câu hỏi này hai lần, luật sư thừa nhận: "Trong trường hợp đó, sắc lệnh có thể hợp hiến".

Tuy nhiên, thẩm phán Niemeyer vẫn giữ quyết định chặn sắc lệnh với giải thích rằng dù sắc lệnh của Trump về bề ngoài có vẻ trung dung và không hề đề cập đến "người Hồi giáo" hay "đạo Hồi", các tuyên bố của Trump và một số trợ lý của ông trước và sau khi ông nhậm chức cho thấy ông có ý đồ phân biệt chủng tộc đối với người Hồi giáo đằng sau sắc lệnh này.

Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh ban đầu sẽ ưu tiên cho người Thiên chúa giáo nhập cảnh vào Mỹ. Các phát ngôn chống người Hồi giáo của Stephen Miller, cố vấn cấp cao của Trump và Rudolph Giuliani, cựu cố vấn của Trump và những người đại diện cho ông đều được trích dẫn trong các phán quyết của các tòa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nếu tòa chỉ dựa vào các phát ngôn như vậy thì họ đã đi quá xa và chỉ nhắm vào Trump.

Tòa án đã "không dành sự tôn trọng theo thông lệ đối với tổng thống và quốc hội trong các vấn đề nhập cư vì các phát ngôn của Trump. Không nghi ngờ gì nữa, đây là phán quyết chỉ nhắm vào Trump", John Yoo, giáo sư luật tại Đại học California ở Berkeley, nhận xét.

Quyền tổng biện lý Jeffrey Wall cho rằng các thẩm phán phải  "đọc sắc lệnh hành pháp dưới con mắt không thù hằn tổng thống".

Tuy nhiên, những người chỉ trích Trump phản pháo rằng các phán quyết này nhắm vào ông chỉ vì không một tổng thống nào khác đưa ra các phát ngôn gây tổn hại pháp lý như Trump.

"Các phán quyết này không nhắm vào Trump mà nhắm vào động cơ đằng sau các sắc lệnh của ông ấy", Ilya Somin, giáo sư ở trường luật Antonin Scalia thuộc Đại học George Mason, bang Virginia, giải thích.

Biểu tình chống sắc lệnh cấm nhập cảnh

Tòa án tối cao

Tòa án tối cao Mỹ trong những ngày tới sẽ ra phán quyết về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump.

Phán quyết của tòa án tối cao thường đặt ra tiền lệ cho các vụ kiện tương tự sau này. Các thẩm phán của tòa này nhận thức sâu sắc rằng quyết định của họ sẽ có giá trị vượt ra khỏi thời gian tại vị của Trump. Vậy nên, các chuyên gia cho rằng họ sẽ cẩn trọng trước bất cứ hành động nào có thể tước bỏ quyền tự quyết của tổng thống trong các vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia.

Song một phán quyết chống lại Trump của tòa án tối cao không nhất thiết có nghĩa là thu hẹp quyền lực hành pháp của tổng thống về các vấn đề này, theo Peter Spiro, giáo sư ở trường luật thuộc Đại học Temple ở bang Pennsylvania.

"Tòa có thể đưa ra phán quyết chống Trump mà biết phán quyết này sẽ không áp dụng cho bất cứ tổng thống nào trong tương lai, với giả định rằng không có tổng thống nào sau này hành động giống Trump", ông nói.

Steven Schwinn, giáo sư ở trường luật John Marshall, Chicago, cho rằng một phán quyết như vậy sẽ vạch ra giới hạn rõ ràng cho các tổng thống  kế nhiệm. Ngược lại, nếu tòa án tối cao ra phán quyết ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump, điều này sẽ khuyến khích các ứng viên tổng thống trong tương lai "đưa ra các phát ngôn chống tôn giáo".

Tuy nhiên, không ai chắc chắn tòa án tối cao sẽ ủng hộ phán quyết chống lại Trump của các tòa cấp dưới. "Tòa tối cao đặt ra tiêu chí rất cao khi xem xét những suy diễn không nằm trong văn bản", giáo sư Schwinn nói.

Trong một số vụ kiện, tòa án tối cao thường đứng về phía Nhà Trắng. Tuy nhiên, Nhà Trắng chưa bao giờ có một ông chủ hành xử giống như Trump, phó giáo sư Blackman nói.

"Theo luật thì Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton, George Bush hay cả Trump đều sẽ thắng. Nhưng Trump lại là kẻ thù lớn nhất của chính mình", giáo sư Schwinn nhận định.

Hồng Vân

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây