Tranh cãi về chỉ dẫn "ở yên" trong vụ cháy chung cư tại London
- Thứ bảy - 17/06/2017 00:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![Tranh cãi về chỉ dẫn "ở yên" trong vụ cháy chung cư tại London](https://baotiepthi.com/uploads/news/2017_06/17/881565676816811-3164.jpg)
![](https://baotiepthi.com/uploads/news/2017_06/17/881565676816811-3164.jpg)
Lính cứu hỏa tại hiện trường vụ hỏa hoạn tháp chung cư Grenfell. Ảnh: AP
Chính sách "ở yên tại chỗ" đã trở thành lời khuyên an toàn quá quen thuộc với các chung cư như tháp Grenfell từ những năm 1950. Hướng dẫn chính thức nêu rõ chỉ khi căn hộ bốc cháy, cư dân mới nên sơ tán. Những trường hợp khác, nhìn chung, ở yên trong nhà là lựa chọn tốt hơn cả, theo Guardian.
Tuy nhiên, chính sách trên đang gây hoài nghi sâu sắc sau vụ hỏa hoạn tại tháp chung cư Grenfell, quận White City, London, sáng sớm qua, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương. Giới chuyên gia gọi đây là thảm kịch "chưa từng có tiền lệ".
Một số người sống sót cho hay họ cũng được khuyên ở yên trong nhà khi ngọn lửa bùng phát tại tháp chung cư Grenfell. Mặt khác, hệ thống chữa cháy trong tòa nhà còn không hoạt động.
Phản tác dụng
Darren Baird, cựu quan chức an toàn cháy nổ tại Greater Manchester, Anh, cho biết ông mong nhà chức trách xem xét lại chính sách "ở yên tại chỗ" đối với những tòa chung cư từng trải qua nâng cấp, cải tạo như tháp Grenfell.
"Tôi đã xử lý hàng trăm vụ hỏa hoạn chung cư và hầu hết tất cả các vụ, ngọn lửa chỉ cháy bên trong căn hộ nguyên bản", ông Baird nói nhưng thêm rằng điều này không còn đúng nếu áp dụng cho những chung cư cải tạo.
Lời khuyên "ở yên tại chỗ" từng được cân nhắc lại sau vụ hỏa hoạn làm ba phụ nữ và ba trẻ em thiệt mạng tại tòa nhà Lakanal, phía nam thủ đô London, hồi giữa năm 2009.
Lực lượng cứu hỏa lúc bấy giờ bị chỉ trích vì thiếu nhất quán khi đưa ra hướng dẫn cho người dân nên "ở yên" hay "chạy khỏi" căn hộ. Song sau thời gian cân nhắc, chính quyền vẫn quyết định giữ nguyên chính sách.
Theo ông Baird, chính sách "ở yên tại chỗ" dựa trên nguyên tắc rằng nếu xảy ra cháy, các căn hộ có thể giữ ngọn lửa không lan ra xung quanh trong ít nhất 60 phút, thậm chí ba tiếng, trước khi cứu hỏa tới hiện trường.
Tuy nhiên, nguyên tắc "chiếc hộp 60 phút" không còn đúng khi công trình đã được sửa chữa lại. Theo Baird, việc cải tạo có thể biến một tòa nhà thành "miếng pho mát Thụy Sĩ" với vô vàn lỗ hổng.
"Nếu có bằng chứng cho thấy sàn nhà đã trải qua tu sửa, bổ sung hệ thống sưởi và gắn thêm các tấm ốp bên ngoài, lời khuyên 'ở yên tại chỗ' sẽ phản tác dụng", ông nhấn mạnh.
"Nếu những công việc trên không được thực hiện đúng và kiểm tra cẩn thận hay những lỗ hổng họ tạo ra không được làm đầy đúng cách, khi ấy cả tòa nhà không khác gì một miếng pho mát Thụy Sĩ", làm lửa cháy dữ dội hơn, Baird khẳng định. "Thật không may, những sai sót như vậy chỉ lộ ra sau những vụ cháy".
Cư dân tại tháp chung cư Grenfell cho hay họ ra khỏi căn hộ vài phút sau khi ngọn lửa bắt đầu và bên ngoài đã dày đặc khói. Theo chuyên gia hỏa hoạn Graham Fieldhous, lớp phủ rẻ tiền ốp bên ngoài tòa nhà Grenfell từ lúc cải tạo có thể là nguyên nhân khiến lửa lây lan. Ông khẳng định, lửa không thể lan nhanh như vậy trên bề mặt bê tông.