Tổng thống bị đình chỉ quyền lực, Hàn Quốc đối mặt sóng gió ngoại giao
- Thứ sáu - 09/12/2016 21:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: AP |
Quốc hội Hàn Quốc hôm nay mở phiên toàn thể lúc 15h (13h giờ Hà Nội) để bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun-hye liên quan đến bê bối bà để người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào công việc quốc gia. Kết quả 234 trong tổng số 300 nghị sĩ cho rằng bà có tội, theo Yonhap. Quyền lãnh đạo đất nước tạm thời thuộc về Thủ tướng Hwang Kyo-ahn.
Diễn biến mới nhất này xảy ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt rất nhiều thách thức và bấp bênh trên cả mặt trận ngoại giao lẫn an ninh, đòi hỏi một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn, có khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.
"Hàn Quốc đang bị bủa vây bởi vô vàn bất ổn liên quan đến chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia", Kim Tae-woo, giáo sư tại Đại học Dongguk, cựu chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận xét. "Đặc biệt là về mặt chính sách ngoại giao, mọi thứ có lẽ sẽ trở nên tồi tệ hơn vì khủng hoảng lãnh đạo", ông nhấn mạnh.
Giới quan sát đánh giá sự vắng mặt của tổng thống sẽ gây khó khăn cho Hàn Quốc khi thực hiện chiến lược ngoại giao thượng đỉnh, được nhìn nhận như một phương pháp quan trọng giúp giải quyết các vấn đề cũng như tranh chấp còn tồn tại giữa Hàn Quốc với những quốc gia khác thông qua các cuộc gặp mặt một đối một giữa các nhà lãnh đạo.
"Nạn nhân" đầu tiên có thể là hội nghị thượng đỉnh ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc dự kiến diễn ra tháng này. Ba quốc gia lần đầu tiên tổ chức họp thượng đỉnh vào năm 1999 và kể từ năm 2008, các bên hàng năm thay nhau đứng ra tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh như một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác xử lý những vấn đề khu vực và toàn cầu.
Cuộc họp thượng đỉnh năm nay được kỳ vọng mang đến cho Seoul cơ hội thảo luận với Bắc Kinh một số vấn đề gây tranh cãi, ví dụ như kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Phiên họp đồng thời còn là một kênh hữu ích để Seoul kêu gọi hợp tác từ các quốc gia láng giềng châu Á nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày càng gia tăng.
Ngay cả nếu hội nghị được tổ chức như bình thường và Thủ tướng Hwang thay mặt Tổng thống Park tham dự, chuyên gia nhận định tiếng nói mà ông đưa ra sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
"Khi tình thế ngoại giao và an ninh xấu đi, một liên minh và mối hợp tác toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết", ông Kim nói. "Dù Thủ tướng tới dự họp với tư cách Tổng thống, thành quả đạt được vẫn sẽ rất khác so với một hội nghị thượng đỉnh mà tổng thống thực sự tham gia".
Liên minh lung lay
Các nghị sĩ đối lập trong quốc hội Hàn Quốc giương bảng có dòng chữ "Luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Ảnh: AP |
Mặt khác, giới quan sát cho rằng việc chính quyền Hàn Quốc khuyết đi vị trí người dẫn dắt còn ảnh hưởng tới liên minh giữa Seoul và Washington.
Sau khi Donald Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng trước, hàng loạt quốc gia đã nỗ lực tìm cách gặp mặt tổng thống đắc cử Mỹ để thăm dò về chính sách ngoại giao mà nhà tài phiệt New York có thể theo đuổi, đồng thời xây dựng mạng lưới quan hệ cá nhân với những người thân cận với ông.
"Nay, các nước, bao gồm cả Nhật Bản, sẽ đến Mỹ để quan sát Trump sau chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, chúng ta lại chẳng thể làm gì. Đây là một điểm trừ lớn tại thời điểm mà chính sách Washington áp dụng ở một số lĩnh vực, trong đó có cả vấn đề Triều Tiên, đang bị điều chỉnh", Go Myong-hyun, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Hàn Quốc, bình luận. "Một cuộc gặp thượng đỉnh nhanh gọn với ông Trump lúc này có lẽ nằm ngoài tầm với".
Chuyên gia cho rằng chính quyền do thủ tướng lãnh đạo của Hàn Quốc hiện tại nên duy trì như cũ phương hướng chính sách về ngoại giao cũng như các lĩnh vực khác, tránh gây ra những biến động lớn, ít nhất cho tới khi hệ thống chính trị trong nước ổn định trở lại.
Tuy nhiên, một số người vẫn bày tỏ tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ bảo vệ được "tính hệ thống" trong mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc cùng các quốc gia khác.
"Tôi nghĩ chúng ta có một hệ thống khá vững chắc, được hình thành sau quá trình đối phó với Triều Tiên, hợp tác cùng Mỹ và củng cố quan hệ với Trung Quốc", Kim Sung-han, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, nhận xét. "Có lẽ chưa đủ nhưng đó là hệ thống phản ứng ngoại giao và an ninh quốc gia của ta, vì thế ta nên hành động xoay quanh trung tâm này", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Ảnh: AP |
Xem thêm: Nỗi cô đơn của Tổng thống Hàn Quốc trước ngày bị luận tội
Vũ Hoàng