Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tình bạn Mỹ - Hàn có thể gặp nguy vì Tổng thống Park bị phế truất

Tình bạn Mỹ - Hàn có thể gặp nguy vì Tổng thống Park bị phế truất
Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất đồng nghĩa Hàn Quốc cần một lãnh đạo mới và người này có thể sẽ mang lập trường khác về mối quan hệ Seoul - Washington.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye. Ảnh: AFP

Liệu lãnh đạo Hàn Quốc tiếp theo có đồng tình với Mỹ trước các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn? Liệu Hàn Quốc có thay đổi lập trường? Liệu Seoul có ngả về phía Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của họ? Đây là hàng loạt câu hỏi mà các chuyên gia, giới quan sát đặt ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua bị phế truất vì bê bối tham nhũng quy mô liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, theo CNN.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner gọi việc Tổng thống Park bị phế truất là "vấn đề nội bộ" của Hàn Quốc, Mỹ không can dự. Ông đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn là "nền tảng cho ổn định và an ninh khu vực". Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến tới Seoul vào tuần tới.

Hàn Quốc tiếp theo đây phải nhanh chóng tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày. Ứng viên tổng thống thay thế bà Park hiện dẫn đầu trong các cuộc khảo sát là Moon Jae-in, 58 tuổi, thuộc đảng đối lập Dân chủ.

Những người theo khuynh hướng tự do ở Hàn Quốc nghiêng về cách tiếp cận hòa giải với Bình Nhưỡng, phản đối tổ hợp THAAD Mỹ đặt tại nước này mà mục tiêu đề ra là nhằm phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Trong khi đó, phe bảo thủ, giống với Tổng thống Park, mang quan điểm cứng rắn trước vấn đề Triều Tiên và nhìn chung ủng hộ các chính sách của Mỹ, bao gồm cả THAAD.

"Nếu những người tiến bộ lên nắm quyền, tôi nghĩ các vấn đề như THAAD hay chính sách với Triều Tiên có thể bị đưa ra xem xét lại. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới Mỹ", David Kang, giám đốc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Đại học Nam California, nhận xét.

THAAD và Trung Quốc

THAAD được chuyển tới căn cứ Osan, Hàn Quốc

Những bộ phận đầu tiên trong tổ hợp phòng thủ THAAD tuần qua vừa cập bến Hàn Quốc. Kế hoạch triển khai THAAD vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc và Nga vì họ coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Trung Quốc tuần trước cảnh báo Washington và Seoul sẽ phải hứng chịu mọi hậu quả từ việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bắc Kinh còn áp dụng một số biện pháp đáp trả kinh tế. Các công ty lữ hành Trung Quốc đã nhận được yêu cầu hủy tổ chức tour du lịch tới Hàn Quốc.

Theo ông Kang, Hàn Quốc thực tế không hề mong muốn làm suy yếu mối quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng nếu lãnh đạo Hàn Quốc tiếp theo phản đối THAAD, chính sách của Seoul đối với Washington chắc chắn sẽ "thay đổi thật sự".

Kịch bản trên là một chiến thắng cho Trung Quốc, đồng thời không khác gì một đòn giáng mạnh vào Mỹ, giới phân tích nhận định.

Nếu không xét tới hệ ý thức chính trị, các tổng thống Hàn Quốc vẫn có xu hướng nghiêng về phía tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. "Những chính trị gia Hàn Quốc, bất kể cánh tả hay cánh hữu, thường chào đòn Trung Quốc hơn Mỹ", Kang nói.

Vấn đề Triều Tiên

Người Hàn Quốc cười, khóc khi tổng thống bị phế truất

Mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng rơi vào tình trạng đóng băng trong hai đời tổng thống bảo thủ Hàn Quốc gần đây nhất.

"Người Hàn Quốc theo cánh tả mang quan điểm hòa hoãn, sẵn sàng thỏa hiệp hơn. Người Hàn Quốc theo cánh hữu trong khi đó lại mang tư tưởng diều hâu, không ngại đối đầu", Robert Kelly, phó giáo sư tại Khoa Ngoại giao và Khoa học Chính trị thuộc Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, đánh giá.

Các tổng thống Hàn Quốc theo khuynh hướng tự do thường ủng hộ đàm phán với Triều Tiên. Chính sách Ánh Dương mà Hàn Quốc từng áp dụng là minh chứng rõ nét nhất cho lập trường trên. Theo đó, Seoul hạn chế chỉ trích các báo cáo nhân quyền của Triều Tiên và duy trì một giọng điệu hòa hoãn. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, kéo dài từ năm 1998 đến 2008, mối liên minh Mỹ - Hàn lại xuất hiện nhiều rạn nứt.

Chính sách Ánh Dương kết thúc khi tổng thống bảo thủ Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nắm quyền vào năm 2008. Từ đây, mối quan hệ trên bán đảo cũng giậm chân tại chỗ.

Những người Hàn Quốc theo chủ nghĩa tự do cho rằng "đàm phán và tương tác với Triều Tiên là cách duy nhất giúp thuyết phục đối thủ và mang lại hòa bình, ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên", Booseung Chang, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Rand Corp, bình luận. "Theo họ, điểm mấu chốt giúp chiến lược này thành công là đảm bảo mối hợp tác với Bắc Kinh. Sự thay đổi ấy đi ngược với chính sách của Mỹ trước Triều Tiên và Trung Quốc".

Song trong bối cảnh hiện tại, lời kêu gọi xích lại gần hơn với Bình Nhưỡng khó có thể thành hiện thực sau vụ việc công dân mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol, nghi là anh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại Malaysia hôm 13/2 và hành động Triều Tiên phóng 4 tên lửa nhằm diễn tập tấn công căn cứ Mỹ ở Nhật Bản, Kelly nhận xét.

"Thật khó để Hàn Quốc nói với Mỹ rằng chúng tôi muốn tái đàm phán với Triều Tiên", ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây