Thực lực phòng không Syria mạnh cỡ nào?
- Thứ tư - 21/09/2016 10:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(Nhân có tin Phòng không nước này bắn hạ 2 chiếc máy bay Israel ngày 13/9/2016). Nguồn số liệu và ảnh trong bài viết từ “ Bình luận quân sự” (Nga) tháng 5/2016 và một số nguồn khác.
Trước cuộc nội chiến, Syria có một hệ thống phòng không tương đối mạnh được xây dựng và bố trí theo mẫu Xô Viết. Nó gồm:
1) Một mạng các trạm radar quan sát với trường radar dày đặc phủ toàn bộ lãnh thổ Syria.
2) Không quân tiêm kích và Bộ đội tên lửa phòng không với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên không và bảo vệ các mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược.
3) Lực lượng phòng không của Lục quân sở hữu nhiều tổ hợp tên lửa phòng không cơ động , các tổ hợp phòng không tự hành và các đại đội pháo kéo phòng không.
4) Các phân đội bộ binh Quân đội Syria được trang bị rất nhiều các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai làm tăng khả năng tác chiến và là mối đe dọa thực sự đối với những máy bay Israel bay thấp.
1/ Không quân: Vào đầu thế kỷ XXI, trong trang bị của Không quân Syria chủ yếu là các máy sản xuất từ thời Xô Viết (những năm 1970 -1980 ) đã lạc hậu. Đến năm 2012, có khoảng 180 máy bay chiến đấu có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không.
Tuy nhiên, khả năng tác chiến của các máy bay tiêm kích cũ và chưa được hiện đại hóa như MiG-21bis, MiG-23MF/MLD và MiG-25P không cao. Chúng không thể “ không chiến” ngang ngửa với các máy bay chiến đấu của Không quân Israel.
Chỉ có tiêm kích MiG-29 là có khả năng thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên không hiệu quả hơn cả (MiG-29 được chuyển giao cho Syria từ năm 1987). Tổng cộng Không quân Syria có 40 MiG-29 có tình trạng kỹ thuật tốt và có thể sẵn sàng tham chiến.
Cũng chính MiG-29 là loại máy bay ít chịu tổn thất nhất khi tham gia các hoạt động tác chiến. Cũng có thể là do Bộ Tư lệnh Không quân Syria rất thận trọng khi tung MiG-29 vào tham chiến.
Cách đây không lâu, có một số tờ báo đưa tin là một phần trong số máy bay MiG -29 Syria đã được hiện đại hóa. Nhưng nhiều khả năng hơn cả đó là các MiG-29M từ Nga mới chuyển giao cho Syria (nước này đặt hàng MiG-29M từ những năm 2000).
Sau khi nội chiến bắt đầu và lan ra cả nước, từ năm 2012, các máy bay chiến đấu của Không quân Syria đã xuất kích nhiều lần để tấn công trận địa của lực lượng nổi dậy. Chỉ trong 4 năm (từ 2012 tới nay), Không quân nước này đã mất tới gần 50% tổng số máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, số máy bay bị bắn hạ trong các hoạt động tác chiến chỉ chiếm 10-15% con số tổn thất. Các nguyên nhân khác gồm: Một số đã không thể sử dụng được nữa (hết tuổi thọ động cơ...) nên phải đưa ra khỏi biên chế (hoặc có trong sổ sách nhưng không thể khai thác), một số khác gồm MiG-21 và MiG-23 bị các lực lượng chống chính phủ phá hủy ngay trên sân bay, nhiều máy bay không có phụ tùng linh kiện và chi tiết thay thế, không được sửa chữa bảo trì và đã hao mòn tối đa.
Nhiều chiếc buộc phải “xẻ thịt ” để lấy các linh kiện, chi tiết thay cho các máy bay khác cùng loại. Công tác bảo dưỡng kỹ thuật kém chất lượng cũng là một nguyên nhân làm nhiều máy bay tiêm kích gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ.
Hiện nay, gần như tất cả các máy bay tiêm kích còn khả năng tác chiến đều tập trung ở khu vực miền Trung và miền Tây Syria, tại các sân bay ở khu vực quanh Damascus, Homs, gần Palmyra, Aleppo, Deir ez- Zor và Latakia.
Vào đầu những năm 2000, giới lãnh đạo Syria đã lên kế hoạch hiện đại hóa Không quân của mình với sự hỗ trợ của Nga – điểm nhấn trong kế hoạch đó là Bộ Quốc phòng Syria dự định mua các máy bay tiêm kích hạng nặng họ Su-27/Su-30. Nhưng do những khó khăn về kinh phí và cuộc xung đột vũ trang nội bộ bùng nổ nên kế hoạch trên đã không thực hiện được.
Trong thời gian tới, số lượng máy bay chiến đấu của Không quân Syria chắc chắn sẽ ngày càng giảm do phải đưa nhiều máy bay tiêm kích ra khỏi biên chế. Syria đang chờ để được cung cấp các máy huấn luyện Yak -130 và tiêm kích MiG-29M.
Nhưng dù có nhận thêm Yak-130 và MiG-29M thì khả năng đánh chặn các mục tiêu trên không cũng sẽ không được cải thiện đáng kể và Không quân Syria gần như chắc chắn không đủ sức bảo vệ biên giới trên không bằng lực lượng không quân của mình trong tương lai gần.
2/ Tên lửa và các tổ hợp phòng không mặt đất: Trước năm 2011, Syria sở hữu số lượng tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa trực chiến lớn nhất so với tất cả các nước Trung Đông khác. Nhưng đó chủ yếu là các tổ hợp được sản xuất từ thời Xô Viết và “tuổi trung bình” của chúng đều đã vượt quá 25 năm.
Do nhận thức được tầm quan trọng của các loại vũ khí chống lại các phương tiện tấn công đường không, mặc dù khả năng tài chính rất hạn chế nhưng chính phủ Syria cũng dành nhiều nguồn lực để nâng cấp và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng không nước này ở mức độ cần thiết.
Nhờ được Liên Xô hỗ trợ xây dựng cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa và có một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật được đào tạo tại Liên Xô, nên các hệ thống phòng không của Syria dù “tuổi cao” nhưng vẫn có tình trạng kỹ thuật tốt và mức độ sẵn sàng chiến đấu cao.
Trước năm 2011, tại Syria đã có các trạm sửa chữa, bảo trì và kiểm tra tình trạng kỹ thuật các khí tài phòng không hoạt động liên tục và rất hiệu quả. Tại những cơ sở hạ tầng kỹ thuật này, thiết bị của các tổ hợp, các tên lửa được bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ và được “hiện đại hóa từng phần”.
Cách bố trí và khu vực tiêu diệt mục tiêu trên không của các tổ hợp tên lửa phòng không Kvadrat, S-125M/S – 125M1A , S-75M/M3 và S-200 VE của Syria năm 2010 .
Theo số liệu của Military Balance, Syria có 25 lữ đoàn và 2 trung đoàn phòng không độc lập. Cả 2 trung đoàn phòng không độc lập này được trang bị tên lửa phòng không tầm xa S-200 VE (có tin là chính S-200 VE đã bắn hạ 2 chiếc máy bay Israel ngày 13/9/2016 như một số báo đã đưa, nhưng xin lưu ý là phía Israel đã bác bỏ thông tin này).
Trong số 25 lữ đoàn phòng không, có 11 lữ đoàn hỗn hợp trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không S-75M/M3 và S-125M/M1A/2M. Còn 11 lữ đoàn phòng không khác có các tổ hợp phòng không tự hành Kvadrat, Buk-M2E. Ba lữ đoàn còn lại được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không tự hành tầm gần Osa-AKM và tổ hợp pháo- tên lửa phòng không Pantsir –S1.
Từ năm 1974 đến năm 1987, Syria đã nhận 52 tổ hợp tên lửa phòng không S-75M và S-75M3 cùng 1. 918 tên lửa có điều khiển V-755/V-759. Trước cuộc nội chiến, có 30 tiểu đoàn tên lửa phòng không Syria được trang bị S-75.
Vào nửa đầu những năm 80, để bù lại những tổn thất trong cuộc xung đội với Israel và tăng cường năng lực phòng không cho Syria, Liên Xô đã chuyển giao cho nước này các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-200V. Thời gian đầu, các tổ hợp này do các kíp trắc thủ Xô Viết trực tiếp bảo dưỡng và điều khiển. Sau khi S-200V có mặt tại Syria, tần suất xuất hiện của Không quân Israel tại các khu vực S-200V đang trực chiến giảm hẳn.
Từ năm 1984 đến 1988, Syria nhận tiếp 8 tổ hợp S-200VE và 144 tên lửa có điều khiển V-880 E. Các tổ hợp trên được triển khai trên các trận địa bên ngoài Damascus, Homs và Tartus. Tất cả các S-200VE Syria trước năm 2011 đều tham gia trực chiến.
Trước khi Liên Xô tan rã, Bộ đội phòng không Syria đã nhận 47 tổ hợp tên lửa phòng không S-125M/S – 125M1A và 1.820 tên lửa V-601 PD. Mấy năm trước đây, một phần trong số các tên lửa phòng không tầm thấp đã được hiện đại hóa và tăng hạn trên lãnh thổ Nga. Ngày 17/3/2015, một chiếc máy bay không người lái của Mỹ MQ-1 đã bị chính S-125 Syria bắn hạ trên không phận Syria.
Trong năm 2010, các lực lượng vũ trang Syria có gần 160 tổ hợp phóng tên lửa phòng không cơ động Kvadrat. Kvadrat là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa phòng không lục quân Xô Viết Kub và đã được sử dụng rất hiệu quả trong cuộc Chiến tranh “Ngày tận thế” giữa các nước A rập và Israel năm 1973 và trong cuộc xung đột tại Thung lũng Bekaa năm 1982.
Đến cuối những năm 80, Kvadrat Syria cũng đã được nâng cấp, có độ tin cậy cao hơn, khả năng chống nhiễu tốt hơn. Tuy nhiên, dù sao thì đến thời điểm này Kvadrat cũng đã lạc hậu.
Cách đây không lâu, Syria có 40 đại đội Kvadrat. Nhưng hiện nay, nếu tính tới việc Kvadrat đã không còn được sản xuất từ năm 1983 thì khả năng Syria vẫn sở hữu 40 đại đội Kvadrat là không nhiều. Theo số liệu từ SIPRI (Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm) thì đến 2012 nước này có 27 đại đội Kvadrat. Có lẽ, tên lửa của 13 đại đội còn lại hết hạn sử dụng và không thể tăng hạn thêm nữa nên được đưa đi “niêm cất”.
Đầu năm 2016, có thông tin về việc các chiến binh IS đã chiếm được xe trinh sát và dẫn đường 1S91 và tổ hợp phóng 2P25 cùng tên lửa 3M9 (của Kvadrat) tại ngoại ô thành phố Deir ez Zor. Tuy nhiên, để có thể điều khiển được bất kỳ một tổ hợp tên lửa phòng không nào cũng cần phải có các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao – mà IS thì chắc chắn không có nhiều các chuyên gia như vậy.
Đầu những năm 80, Syria cũng nhận thêm các tổ hợp tên lửa tự hành lội nước tầm gần Osa-AKM. Tổ hợp phòng không Osa-AKM tham chiến tại Syria lần đầu tiên vào năm 1982, trong cuộc cuộc xung đột với Israel tại thung lung Bekaa.
Không có số liệu chính xác về số lượng Osa của Syria, các nguồn khác nhau đưa ra các số liệu khác nhau – từ 60 đến 80 tổ hợp. Có thể trong con số từ 60 đến 80 đó có cả các tổ hợp Strela-10 với các tên lửa đầu tự dẫn tầm nhiệt trên khung gầm xe tải bọc thép hạng nhẹ MT-LB.
Osa-AKM và Strela-10 khác với Kvadrat ở chỗ là chúng có thể tự tìm và công kích mục tiêu trên không, mặc dù cự ly và độ cao tiêu diệt mục tiêu kém hơn nhiều so với Kvadrat.
Để thay thế các tổ hợp Kvadrat đã lạc hậu, cũng theo Military Balance, Syria đã mua của Nga 18 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung tự hành Buk-M2E cùng 160 quả tên lửa có điều khiển 9M317. Các tổ hợp và tên lửa đã được chuyển giao cho Syria trong khoảng thời gian từ 2010- 2013.
Nếu so với Kvadrat thì phiên bản xuất khẩu đã nâng cấp của Buk có các tính năng vượt trội (tầm bắn, tốc độ và số lượng các mục tiêu có thể bắn cùng lúc), ngoài ra, Buk còn cũng có thể bắn hạ các tên lửa chiến dịch- chiến thuật của đối phương. Khác với tổ hợp phóng 2P25 của Kvadrat, xe tác chiến tự hành 9A317E của Buk-M2E nhờ có radar ăng ten mạng pha nên có thể tự sục sạo tìm mục tiêu trên không và tiêu diệt chúng.
Còn một loại vũ khí phòng không tương đối mới nữa của Nga cũng đã có trong trang bị của Lực lượng phòng không Syria – đó là tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir-S1E . Nga bắt đầu chuyển giao cho Quân đội Syria các tổ hợp này từ năm 2008 theo một hợp đồng được ký năm 2006. Tổng cộng Syria đã nhận 36 tổ hợp và 700 tên lửa có điều khiển 9M311 (trong các năm từ 2008 đến 2011). Một số chuyên gia cho rằng chính Pantsir –S1E đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ RF-4E ngày 22/6/2012.
Để thiết lập một hệ thống phòng không theo tuyến nhiều tầng, giới lãnh đạo Syria đã đặt mua của Nga hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2. Hệ thống này sẽ kết hợp với các tổ hợp phòng không hiện đại Pantsir-S1E và Buk-M2E đảm bảo phòng thủ từ các tuyến ngoài trên không phận Syria.
Hệ thống S-300 hiện đại hóa được sử dụng để thay thế tổ hợp tầm xa S-200VE sử dụng tên lửa có điều khiển một kênh nhiên liệu lỏng đã lạc hậu. Tuy nhiên vào năm 2012, vì những nguyên nhân khó hiểu nào đó, hợp đồng đã ký và đang được các xí nghiệp Nga thực hiện nói trên đã bị hủy.
Ngoài các tổ hợp cố định và cơ động, theo một số nguồn tin thì Syria còn có gần 4.000 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Strela -2M, Strela -3 và Igla. Mặc dù Strela-2/3 đã không còn đáp ứng được các yêu cầu hiện đại về khả năng chống nhiễu, nhưng do số lượng loại tên lửa này rất lớn nên chúng vẫn là mối đe dọa đáng sợ đối với các mục tiêu trên không tầm thấp.
Như đã biết, vũ khí Liên Xô có độ bền và tuổi thọ rất cao. Điểm yếu của tất cả các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai là chúng có các pin nguồn chuyên dụng chỉ sử dụng một lần, và có tuổi thọ rất hạn chế. Nhưng để khắc phục khó khăn này không phải là nhiệm vụ bất khả thi trong điều kiện hiện nay.
Ngoài tên lửa phòng không (các loại ), Quân đội Syria còn có một số lượng rất lớn pháo phòng không và đạn pháo. Trước nội chiến, Quân đội Syria có tới hơn 4.000 khẩu pháo phòng không các cỡ nòng 23, 37 , 57 và 100 ly ( tại các đơn vị và bảo quản tại các kho).
Có lẽ, mối đe dọa lớn nhất trong các hệ thống pháo phòng không Syria đối với các phương tiện tấn công đường không của đối phương là pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka. Shilka là súng máy 4 nòng cỡ 23 ly với hệ thống làm lạnh cưỡng bức chất lỏng. Tổ hợp phòng không này có lớp thép bảo vệ dày 9-15mm.
Shilka đã được sử dụng rất hiệu quả trong hàng loạt các cuộc xung đột A rập- Israel . Shilka đã từng là ác mộng đối với các máy bay lên thẳng chiến đấu Israel AH-1 Cobra. Như thực tế cho thấy, nếu máy bay lên thẳng đã trong tầm bắn 2.000 m của Shilka thì chúng rất ít cơ hội sống sót.
Hiện nay Syria có khoảng gần 50 Shilka. Phần lớn trong số đó tham gia vào các hoạt động tác chiến, yểm hộ cho các phân đội bộ binh, tiêu diệt sinh lực và các điểm hỏa lực của đối phương. Để có thể tăng khả năng bảo vệ , lính Syria còn có “sáng kiến” lắp thêm các tấm thép bổ sung hoặc đơn giản là chất thêm các bao tải hoặc thùng đựng cát.
Trong Quân đội Syria có pháo phòng không xe kéo 2 nòng cỡ 23 ly ZU-23. Ngoài ra, còn có súng máy phòng không 37 ly 61-K và 57 ly S-60 nhưng với số lượng ít hơn. Phòng không Syria còn có 25 pháo phòng không 100 ly KS-19 (số liệu năm 2010).
Nội chiến ở Syra đã tác động rất tiêu cực đến hệ thống phòng không nước này. Một số lượng lớn tổ hợp tên lửa phòng không đã bị phá hủy trong các cuộc pháo kích, một số khác bị lực lượng nổi dậy chiếm giữ. Trước hết, đó là các tổ hợp phòng không cố định: S-75M/M3, S-200VE và các tổ hợp S-125M/ S-125M1A chưa được hiện đại hóa .
Cũng như không quân chiến đấu, Bộ đội tên lửa phòng không Syria cũng chịu những tổn thất nặng. Hơn một nửa các tổ hợp phòng không đã được triển khai trên các trận địa cố định hiện không còn khả năng tác chiến . Những tổ hợp phòng không còn nguyên vẹn của Syria đến thời điểm này (2016) đã được đưa về các khu vực Quân chính phủ kiểm soát và được bảo quản trong các căn cứ và sân bay quân sự.
Có thể nói hiện nay Bộ đội phòng không Syria không kiểm soát được không phận nước này. Ngoài những tổn thất trực tiếp về các tổ hợp tên lửa phòng không trong cuộc nội chiến, các đơn vị vô tuyến kỹ thuật – tức “con mắt” của Bộ đội tên lửa và Không quân tiêm kích cũng bị thiệt hại nặng.
Trước cuộc nội chiến, để thông báo tình huống trên không, chỉ mục tiêu cho các máy bay đánh chặn và tổ hợp tên lửa phòng không, Quân đội Syria có gần 50 đài radar và máy đo độ cao: 5N84A, P-18, P-19 , P-37, PRV-13 và PRV-16. Đến tháng 11/2015, chỉ còn 20% trong số đó là hoạt động được. Những đài radar chưa bị phá hủy đã được tập kết về các địa điểm an toàn.
(Về việc Bộ đội đường không – vũ trụ Nga tham chiến và ảnh hưởng của nó tới khả năng phòng không của Syria như thế nào, chúng ta sẽ đề cập tới trong một bài khác).
Theo Lê Hùng-Nguyễn Hoàng
Đất Việt