Thử đánh chặn tên lửa tầm xa, Mỹ chuẩn bị điều xấu nhất với Triều Tiên
- Chủ nhật - 04/06/2017 10:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lầu Năm Góc ngày 30/5 lần đầu tiên thử nghiệm thành công một tên lửa đánh chặn tầm xa trên Thái Bình Dương, trong một nỗ lực được giới phân tích đánh giá là nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất từ Triều Tiên, theo CSMonitor.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ không để kịch bản Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn tới Bắc Mỹ xảy ra, đồng thời cam kết sẽ "giải quyết" cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng chế tạo được vũ khí hủy diệt này.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, trong đó có Pukguksong-2, loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được cho là bước đột phá để Bình Nhưỡng sở hữu ICBM trong khoảng một năm tới. Bình luận viên Graham Allison của NYTimes cho rằng với cuộc thử nghiệm đánh chặn chưa từng có tiền lệ này, Washington đang ngầm thừa nhận rằng kịch bản tồi tệ nhất có thể sẽ xảy ra.
Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, gọi cuộc thử nghiệm này là một "bước ngoặt quan trọng", chứng tỏ Mỹ đã có một vũ khí răn đe hiệu quả, đáng tin cậy đối với "mối đe dọa thực sự". Ông Syring không nói cụ thể mối đe dọa đó là gì, nhưng mục tiêu bị đánh chặn trong cuộc thử nghiệm được cho là mô phỏng ICBM có tầm bắn gần 7.000 km, loại tên lửa mà Triều Tiên đang nỗ lực chế tạo.
Đầu đạn đánh chặn được phóng lên từ hầm chứa tại căn cứ không quân Vandenberg ở California, va chạm và tiêu diệt quả tên lửa trên một vùng biển giữa Thái Bình Dương. Đầu đạn này là một phần trong chương trình chống tên lửa mà Mỹ đã phát triển từ đầu thập niên 1990, với mục tiêu ban đầu là chống lại mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Khi đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên đổ vỡ, Washington đã tích cực chuẩn bị cho phương án B, đó là tăng cường năng lực đánh chặn nhằm ngăn ngừa mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Báo cáo công bố năm 2015 của Đại học Johns Hopkins dự đoán Triều Tiên có thể sở hữu tới 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020. John Schilling, chuyên gia về tên lửa nổi tiếng của Mỹ, mới đây ước tính Bình Nhưỡng sẽ sở hữu ICBM gắn đầu đạn hạt nhân vào năm sau.
Trước kịch bản xấu nhất ngày càng trở nên rõ nét, Mỹ đã dần hoàn thiện lưới phòng thủ tên lửa nhiều tầng, nhiều lớp bao quanh Triều Tiên. Lớp đầu tiên trong hệ thống đó là mạng lưới cảm biến toàn cầu trên biển, trên đất liền và trên không gian nhằm kịp thời phát hiện và theo dõi bất cứ vụ phóng tên lửa nào nhắm vào Mỹ.
Mạng lưới đó bao gồm trạm radar băng tần X ở Trân Châu Cảng, các trạm radar cảnh báo sớm trải khắp Alaska, Greenland, Anh, cho tới radar trong hệ thống Aegis trên các tàu khu trục trên biển. Dữ liệu từ các hệ thống radar này đều được gửi về trạm kiểm soát trung tâm được đặt tại căn cứ không quân Schiriever ở Colorado Springs.
Cơ chế đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ