Thỏa thuận ngầm Ankara - Damascus và Tehran?
- Chủ nhật - 28/08/2016 05:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bốn giờ sáng ngày 24/8, xe tăng và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn sang lãnh thổ Syria. Sau 4 giờ tác chiến toàn bộ thị trấn Jarablus của Syria bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.
Về tình huống: Đây là đòn tấn công phủ đầu của một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ có không quân Mỹ hỗ trợ, được coi như là mở đầu hành động tấn công một quốc gia có chủ quyền, Cộng hòa Ả rập Syria.
Máy bay chiến đấu F-16 Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015, đã có thể bay trên chiến trường ở Syria hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất của Thổ Nhĩ Kỳ mà không tỏ ra bất kỳ mối quan tâm nào về các hệ thống phòng không và đánh chặn siêu đẳng của Nga.
Về mục tiêu: Đòn tấn công mang tên “Lá chắn sông Euphrates” (Tức là đẩy lùi lực lượng người Kurd Syria sang phía Đông sông Euphrates, giới hạn đỏ mà Thổ Nhĩ Kỳ vạch ra lâu nay) nhằm mục tiêu là tấn công vào Lực lượng Tự vệ Nhân dân người Kurd (YPG) mà họ coi là quân khủng bố.
Về bối cảnh: Đòn tấn công xảy ra sau chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, sau chuyến thăm của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Tehran, sau khi quân chính phủ Syria đụng độ với YPG tại Hasakeh lớn nhất từ trước đến nay khiến không quân Assad không kích mãnh liệt mà Nga không thể hòa giải sau hai lần gặp đôi bên. Và đặc biệt lưu ý là đòn đánh xảy ra sau các cuộc gặp gỡ bí mật hàng tháng trời tại thủ đô Algeri của Damascus và Ankara.
Một vấn đề lớn mà giới quan sát rất lưu tâm là trước đó rất lâu, đã có cảnh báo bởi cả Syria và chính phủ Nga rằng: “Sự xâm nhập của quân đội nước ngoài vào Syria mà không có sự cho phép sẽ bị tấn công”.
Vậy phản ứng của Nga và đồng minh ra sao trước “sự xâm nhập” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria?
Chính phủ Syria, tất nhiên, lên án rầm rộ, coi đó là hành động xâm lược và yêu cầu phải rút ngay khỏi lãnh thổ Syria. Nhưng, sự phẫn nộ cũng chưa đến mức Assad ra lệnh cho quân đội đáp trả “quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chính phủ Iran dường như đang giữ im lặng dù đang theo dõi sát sao tình hình chiến sự.
Trong khi đó về phía Nga chính phủ tỏ ra đang rất thận trọng không chỉ trong hành động mà cả trong phát ngôn.
Theo Thông tấn ItarTASS từ một nguồn tin chính phủ thì “Bây giờ, hành động chống khủng bố là quan trọng hơn bao giờ hết trong khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ”, rằng, “Hợp tác với Damascus là một yếu tố quan trọng để có hiệu quả cao nhất của họ, Damascus-Ankara”.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó tuyên bố rằng, “lo ngại sâu sắc về các sự kiện đang diễn ra ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ” và cảnh báo “những mâu thuẫn giữa các sắc tộc tăng cao giữa người Kurd và người Ả Rập”, nhưng đã không đòi hỏi sự rút lui của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều lạ lùng là cho đến 11h30, sau 7 tiếng rưỡi đồng hồ, khi thị trấn Jarablus bị đánh chiếm, Moscow, Tehran, thậm chí cả Damascus cũng không ban hành bất cứ tuyên bố nào phản kháng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ nếu như giả thiết đó là hành động “xâm lược”.
Rốt cuộc, thương thay cho mơ ước ngàn đời của dân tộc Kurd lại bị các thế lực khác vùi dập. Tưởng rằng được sự hậu thuẫn của Mỹ thì sẽ có chút hy vọng, nhưng Mỹ cũng lo thân Mỹ khi phải buộc họ lùi về phần phía Đông sông Euphrates trong “làn ranh đỏ” mà Thổ Nhĩ Kỳ để ra.
Mỹ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ lừa (khi cho A10 đi phối hợp) và chiếu bí, nhưng không còn cách nào khác đành phải hy sinh lợi ích của người Kurd Syria để bình thường hóa quan hệ với Erdogan. Có lẽ, thành phố Hasakeh là món quà cuối cùng mà Mỹ ban tặng cho người Kurd Syria.
Đến đây một câu hỏi lớn đặt ra là, Nga, Iran và Syria được gì hay có âm mưu gì trong vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập lãnh thổ?
Hãy nghe đánh giá của tờ Le Monde của Pháp: “Chưa bao giờ Nga có vị thế là một ông chủ với đầy đủ sức mạnh khủng khiếp tại chiến trường Syria như bây giờ. Không có sự đồng ý ngầm của Kremlin thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám xâm nhập Syria”.
Và do đó, với tính cách của Putin thì Nga sẽ không để yên khi Thổ Nhĩ Kỳ dám coi thường thách thức Nga.
Vậy kiểu chơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất là gì mà khiến Nga, Iran và Syria chấp nhận cùng chơi?
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yildirim đã tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “cùng chơi tích cực hơn trong 6 tháng tới để ngăn chặn việc Syria bị chia cắt” và “nó sẽ được trải nghiệm trong ngày tháng tới”.
Phải chăng, sự phát triển của YPG được Mỹ hậu thuẫn đã khiến Damascus, Iran lo ngại nên cả hai bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn YPG đúng với tinh thần “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Syria”?
Phải chăng, ngày 24/8 là ngày mở màn cho cuộc chơi tay 3 Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tại chiến trường Syria?
Quy tắc mới của cuộc chơi bắt đầu.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt