Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thị trường máy bay quân sự ở châu Á tăng mạnh

Thị trường máy bay quân sự ở châu Á tăng mạnh
Sự gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trong khu vực khiến các nước châu Á mạnh tay chi nhiều tiền hơn để mua sắm trang bị vũ khí mới, đặc biệt là máy bay chiến đấu.

Kể từ khi chiếc F-16 đầu tiên được xuất xưởng ở nhà máy Fort Worth vào những năm 1970, những chiếc F-16 đã trở thành biểu tượng sức  mạnh quân sự của Mỹ. Nếu nhà sản xuất Lockheed Martin giành được hợp đồng lớn ở nước ngoài, F-16 có thể trở thành sản phẩm mới nhất của Mỹ chiến thắng ở hải ngoại.

Châu Á chi tiêu mạnh cho quốc phòng

Các nước châu Á đang đẩy mạnh việc mua máy bay chiến đấu mới nhằm đáp ứng thách thức an ninh mới. Đặc biệt là để đối phó với động thái gần đây của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bồi lấp trái phép 7 thực thể trên quần đảo Trường Sa, tuyên bố chủ quyền chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.

Trung Quốc cũng tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Ấn Độ đang tranh chấp biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á, khu vực vốn là “sân sau” của New Delhi

Đặc biệt, các nước trong khu vực tỏ ra lo lắng với những động thái quân sự “không biết đâu mà lần” của Triều Tiên. Trong năm 2016, Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, ngày 24/8, lần đầu tiên trong lịch sử, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Ngày 31/8, Nhật Bản đã công bố ngân sách quốc phòng mới tăng 2,3%, mức tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nhật Bản là khách hàng lớn nhất của Mỹ trong giai đoạn 2013-2014. Theo số liệu của Bloomberg, giai đoạn này, Tokyo đã chi khoảng 36,5 tỷ USD để mua máy bay, tên lửa và các thiết bị quân sự khác.

Nhật Bản cũng đặt hàng 42 tiêm kích tàng hình F-35 và lắp ráp tại Nagoya. F-35, chương trình tiêm kích tàng hình đắt nhất lịch sử đang phụ thuộc vào các khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Australia và các đối tác khác chiếm ít nhất 20% tổng đơn hàng.

F-16, tiêm kích bán chạy của Mỹ ở thị trường châu Á. Ảnh: USAF

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là nhà nhập khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới. 60% nhu cầu quốc phòng của nước này được nhập khẩu. Những năm Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ là bạn hàng truyền thống của Liên Xô.

Những năm gần đây, New Delhi đã mở rộng mua các thiết bị quân sự từ Mỹ. Ấn Độ mua trực thăng S-92, máy bay vận tải C-130J từ Mỹ và nhiều vũ khí khác. Nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ đang có cơ hội lớn ở thị trường Ấn Độ khi Thủ tướng Modi đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.

Bernard Loo, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhấn mạnh: “Nhiều hệ thống vũ khí của Ấn Độ sắp hết hạn sử dụng và cần được thay thế”.

Trong ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hội đàm với người đồng cấp Manohar Parrikar về hợp tác sản xuất động cơ phản lực, tàu sân bay và nhiều dự án quân sự khác. “Sự hợp tác này chắc chắn sẽ đem lại sự hợp tác sâu rộng trong phát triển và sản xuất”, ông Carter nói trong cuộc họp báo.

Hàn Quốc cũng là quốc gia có ngân sách quốc phòng cao ở khu vực châu Á. Chi tiêu quốc phòng Hàn Quốc năm 2015 chiến 2,6% GDP. Trong tháng 10/2015, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tuyên bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng tới 4% GPD.

Gần đây, Seoul đã cho phép Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên dẫn đến căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng, hệ thống THAAD là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nước này.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với mức giá quá cao, các thiết bị quốc phòng sản xuất tại Mỹ khó tiếp cận thị trường Đông Nam Á.

Nhà phân tích Kyle Springer, thuộc Trung tâm Perth USAsia, Đại học Western Australia cho biết, các nhà thầu quốc phòng Mỹ phải hạ giá bán hoặc chuyển sản xuất đến châu Á để giành chiến thắng trong các cuộc đấu thầu.

Các nhà thầu Mỹ tìm cách mở rộng thị trường

Tập đoàn Lockheed đang cạnh tranh hợp đồng mua sắm máy bay trị giá 150 tỷ USD trong chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Để chiến thắng, Lockheed  phải chuyển giao công nghệ sản xuất F-16 cho Ấn Độ.

Randall Howard, giám đốc mảng phát triển kinh doanh hàng không của Lockheed nói: “Những gì chúng ta cần làm là đưa Ấn Độ trở thành trung tâm của các cơ sở sản xuất”. Ông cho biết thêm, các đối thủ Boeing và Saab cũng đang làm điều tương tự để chuyển sản xuất sang Ấn Độ.

Tiêm kích tàng hình F-35 sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ đến châu Á trong thời gian tới. Ảnh: USAF

Sự kiện trên cho thấy, các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang sẵn sàng để tranh giành khách hàng trên toàn thế giới. Việc Lầu Năm Góc giảm ngân sách quốc phòng từ năm 2013 buộc các nhà thầu phải tìm kiếm thị trường mới.

Theo số liệu của Bloomberg Intelligencex, doanh thu bán hàng nước ngoài của các nhà thầu quốc phòng Mỹ tăng từ 16% năm 2009 lên 24% trong năm 2015. Trong khi đó, doanh số bán hàng quân sự trong nước giảm 2,4%. Đối với tập đoàn Raytheon, doanh số quốc tế chiếm đến 35% doanh thu năm 2016, so với 31% năm 2015.

Toby O'Brien, giám đốc tài chính của Raytheon nói: “Chiến lược tăng trưởng toàn cầu của chúng tôi đang tiến triển. Việc đặt hàng nước ngoài thực sự mạnh mẽ”.

Trung - Nhật hối hả rót tiền chạy đua vũ trang

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cho thấy Tokyo đang chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng, trong khi ngân sách quân sự của Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ.

Nguồn tin: news.zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây