Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thế trận của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS ngày càng tan nát

Thế trận của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS ngày càng tan nát
Quân đội Syria, Libya, Mỹ, các lực lượng chống IS khác đã triệt hạ dần từng cứ điểm của IS, làm cho thế trận của chúng ngày càng co ngót.

Việc nhóm khủng bố IS để mất thị trấn Manbij ở phía bắc Syria vào tay các chiến binh được Mỹ hậu thuẫn đã đánh dấu một mốc mới trong chuỗi thất bại của các phần tử Hồi giáo cực đoan này trong “vương quốc” caliphate tự phongcủa chúng ở Syria và Iraq.

Phiến quân IS bắn về phía Lực lượng Dân chủ Syria. Ảnh: IS.

Thị trấn chiến lược này nằm trên tuyến đường hậu cần nối giữa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và “thủ đô” của IS ở Raqqa. Thị trấn đã được Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo giải phóng sau hơn 2 tháng giao tranh dữ dội kèm với các cuộc không kích do Mỹ chỉ huy.

Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết chiến sự đã khiến hơn 1.700 người thiệt mạng, trong đó có hơn 400 thường dân.

IS vẫn kiểm soát những vùng rộng lớn ở Syria cũng như ở thành phố lớn thứ 2 Iraq – Mosul. Tổ chức này cũng nhận đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố lớn trong các tháng gần đây, bao gồm vụ xả súng ở Orlando (Mỹ), vụ tấn công bằng xe tải ở Nice (Pháp), và vụ đánh bom ở Baghdad khiến khoảng 300 người thiệt mạng.

Thế nhưng tướng Sean MacFarland, chỉ huy chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS vừa cho hay khoảng 45.000 phiến quân IS đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, khiến tổng số lính của IS chỉ còn ở mức 15.000 tên.

Dưới đây là chuỗi các bước thụt lùi về mặt lãnh thổ của IS trong thời gian gần đây:

Fallujah (Iraq)

Lực lượng Iraq đã chiếm được Fallujah vào cuối tháng 6/2016 sau một cuộc tấn công kéo dài 5 tuần. Fallujah chỉ cách Baghdad về phía tây 5 tiếng đi ô tô. Đầu năm 2014 đây là thành phố đầu tiên thất thủ trước IS. Thành phố đông người Sunni sinh sống này là một thành trì phiến quân sau khi Mỹ tiến hành xâm lược Iraq vào năm 2003. Hơn 100 lính Mỹ đã thiệt mạng trong chiến sự diễn ra giữa từng ngôi nhà ở đây vào năm 2004.

Palmyra (Syria)

Chính phủ Syria được sự hỗ trợ của không quân Nga đã đánh bật IS ra khỏi Palmyra, một thành cổ nổi tiếng với các phế tích thời La Mã. Trong thời kỳ thống trị kéo dài 10 tháng, các phần tử cực đoan IS đã phá hủy các ngôi đền cổ xưa và các đài tưởng niệm 2.000 năm tuổi khác tại di sản UNESCO này, nơi từng là một trong các điểm thu hút khách du lịch. Lực lượng IS xem các phế tích ở đây là biểu tượng của việc thờ thần tượng.

Ramadi (Iraq)

Iraq tuyên bố thủ phủ của tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq đã “hoàn toàn được giải phóng” vào tháng 2/2016 sau nhiều tháng giao tranh. Giống như ở Fallujah, quân đội Iraq đã bao vây thành phố này và sau đó từ từ tiến vào thành phố với sự trợ giúp từ các cuộc không kích do Mỹ tiến hành. Trận đánh tái chiếm Ramadi đã làm phần lớn thành phố bị tàn phá. Hầu hết cư dân thành phố vẫn chưa quay về nhà.

Shaddadeh (Syria)

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã chiếm được khoảng 2.400km2 lãnh thổ từ tay IS ở miền bắc Syria trong riêng tháng 2/2016. Địa bàn được giải phóng bao gồm thị trấn chiến lược Shaddadeh nằm trên con đường huyết mạch nối Raqqa và Mosul. Dải đất dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ này đã được sử dụng để cung cấp hàng hóa và chiến binh ngoại cho IS.

Sinjar (Iraq)

Các lực lượng Iraq và người Kurd Syria đã đẩy IS ra khỏi Sinjar, phía tây Mosul vào tháng 11/2015 với sự trợ giúp của chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu. Khi IS chiếm thị trấn này vào năm 2014, các phần tử Hồi giáo cực đoanđã sát hại hoặc nô dịch ngàn người thiểu số Yazidi. Việc giành lại thị trấn này đã cắt đứt tuyến hậu cần chính nối giữa các lãnh thổ bị IS chiếm đóng ở Iraq và Syria.

Tal Abyad (Syria)

Lực lượng người Kurd Syria đã chiếm được thị trấn Tal Abyad ở miền bắc Syria vào tháng 7/2015 – tổn thất lớn nhất của IS ở Syria kể từ khi vương quốc calilphate tự phong được thiết lập vào năm 2014. Việc bị mất Tal Abyad đã cắt đứt tuyến hậu cần trực tiếp từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đi Raqqa, buộc IS phải phụ thuộc vào vành đai lãnh thổ nhỏ hẹp nằm xa hơn về phía Tây, bao gồm Manbij.

Sirte (Libya)

Thành phố Sirte ở Libya - do chi nhánh IS ở đây chiếm được vào năm 2015 - được xem là căn cứ rút lui dự phòng trong trường hợp IS thất thủ ở Iraq và Syria.

Tuy nhiên quân đội Libya đã mở một chiến dịch tái chiếm Sirte vào tháng 6/2016. Đầu tuần này họ đã chiếm được một số vị trí chiến lược với sự trợ giúp từ không quân Mỹ. Các quan chức cho biết thành phố này đã được giải phóng tới 70%./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/AP

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây