Tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể khiến Mỹ-Hàn ôm hận
- Thứ hai - 29/08/2016 23:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỹ tăng cường năng lực răn đe Triều Tiên
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại đang nóng lên từng ngày khi Mỹ và Hàn Quốc tăng cường các cuộc tập trận quân sự cả về quy mô lẫn tần suất để đối phó với Triều Tiên, trong đó không loại trừ cả phương án chủ đề tấn công tấn công phủ đầu vào các mục tiêu trọng yếu của nước này.
Cuối tuần qua, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn “Người bảo vệ Tự do Ulji” (Ulji Freedom Guardian) có kịch bản tấn công vào các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên nếu nảy sinh "trường hợp khẩn cấp" trên Bán đảo Triều Tiên - theo hãng tin Rёnhap.
Hoạt động có sự tham gia của 25.000 lính Mỹ và 50.000 lính Hàn Quốc. Đồng thời có cả các đại diện của châu Âu lẫn châu Á và châu Mỹ, bao gồm: Australia, Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Italia, Philippines, Anh và New Zealand.
Cuộc tập trận Ulji Freedom Guardian diễn ra từ ngày 22/8 đến 2/9, đã gây phản ứng dữ dội từ phía Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên cho biết, quân đội nước này sẵn sàng ra đòn tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào các lực lượng vũ trang Hàn Quốc và Hoa Kỳ, nếu nhận thấy "bất cứ dấu hiệu nhỏ" về xâm lấn lãnh thổ trên bộ, cũng như vùng biển và vùng trời của họ.
Những phản ứng mạnh của Triều Tiên đã bắt đầu từ trước đó khi Mỹ điều động máy bay ném bom B-1B Lancer tới đồn trú ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hợp với các máy bay ném bom tàng hình B-2 để “kiềm chế” Triều Tiên và Trung Quốc.
Bộ chỉ huy khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) thông báo, Bộ Quốc phòng nước này đã lần đầu tiên trong 10 năm điều động đến Thái Bình Dương phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.
Những chiếc máy bay ném bom sẽ được điều động đến căn cứ Andersen trên đảo Guam, thuộc quần đảo Mariana (thuộc sở hữu của Hoa Kỳ), nhằm thay thế các máy bay ném bom thế hệ cũ là B-52. Đồng thời, Lầu Năm Góc còn điều thêm 300 nhân viên không lực để bảo trì máy bay.
CNN cho biết các máy bay từ căn cứ Guam hiện đang là lực lượng chủ chốt tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.
Trong trường hợp đầu tiên, Mỹ gửi tín hiệu cho Trung Quốc thấy họ có ý định đảm bảo tự do hàng không và hàng hải trong vùng hải phận quốc tế, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Trong trường hợp thứ hai, Hoa Kỳ tỏ ý định với Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rằng, họ sẽ bảo vệ các đồng minh trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc bố trí B-1 diễn ra trong bối cảnh của các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng đang bị Washington kịch liệt lên án.
Song song với đó, Mỹ còn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền THAAD tới huyện đảo Seongju của Hàn Quốc với mục đích đối phó với các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đang diễn ra ngày một dày đặc cả trên đất liền lẫn dưới biển.
Đáp trả lại những hành động này, Bình Nhưỡng đã đưa ra những tuyên bố vô cùng cứng rắn, đi liền với đó là những hành động cụ thể, khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay “căng như dây đàn”.
Triều Tiên đã đủ lực đáp trả Mỹ-Hàn Quốc?
Sau khi đòi Mỹ-Hàn phải hủy bỏ cuộc tập trận không được, Bình Nhưỡng đã đưa ra cảnh báo lạnh người là lực lượng quân sự của Triều Tiên có thừa năng lực và hoàn toàn không loại trừ khả năng phá hủy các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên bước vào "giai đoạn cực nguy hiểm”. Nếu Hoa Kỳ và đồng minh dám thực hiện những "bước đi thiếu suy nghĩ", thì Bình Nhưỡng sẽ phá hủy tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Đại diện cơ quan ngoại giao của Bình Nhưỡng nhấn mạnh, tình hình trên bán đảo Triều Tiên bước vào một giai đoạn mới rất nguy hiểm vì những kế sách liên tục của Mỹ nhằm tăng cường vũ khí hạt nhân chống lại nước này. Đây không phải là bước đi nhất thời mà là chính sách liên tục và lâu dài.
Bình Nhưỡng cảnh báo, nếu Mỹ dám đưa ra những hành động “thiếu suy nghĩ", thì tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam, sẽ không thoát khỏi sự hủy diệt bởi cuộc tấn công toàn diện của quân đội Triều Tiên.
Theo quan điểm của ông Alexandr Vorontsov lãnh đạo Phòng nghiên cứu Triều Tiên và Mông Cổ thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga), hiện nay Bình Nhưỡng đã có khả năng chống trả mọi cuộc xâm lược của các lực lượng thù địch.
Việc phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu ngầm thông thường đã tạo điều kiện để Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên đủ khả năng trang bị tên lửa cho hạm đội tàu ngầm trong tương lai và phát triển những loại tàu ngầm mới có lượng giãn nước lớn hơn và hiện đại hơn.
Theo quan điểm của chuyên gia Nga, bằng cuộc phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, Triều Tiên đang chứng tỏ rằng, tuyên bố nghiêm khắc của họ có sự củng cố bằng thực lực quân sự, thể hiện quốc gia này có khả năng thực tế để đẩy lùi mọi cuộc xâm lược.
Các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên chỉ mới ở giai đoạn sơ khai nhưng những tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất của nước này như tên lửa tầm xa Taepodong hay tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 đều thừa khả năng hủy diệt các căn cứ ở đảo Guam.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đã đưa ra tuyên bố lạnh người là nước này sẽ nối lại việc sản xuất plutonium cấp độ vũ khí. Hãng thông tấn Kyodo, Nhật cho biết, đây là sự xác nhận chính thức đầu tiên về việc sản xuất plutonium cho vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên.
Và quả nhiên sau đó, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã khôi phục hoạt động tái xử lý nhiên liệu hạt nhân để sản xuất vũ khí plutonium tại lò thử nghiệm hạt nhân Yongbyon, nằm cách Bình Nhưỡng 100 km về phía bắc. Lò phản ứng này đã được khởi động vào năm 2013.
Lò phản ứng Yongbyon đã bị ngừng hoạt động theo các thỏa thuận đạt được tại cuộc đàm phán sáu bên ở Bắc Kinh với sự tham gia của các nhà ngoại giao Nga, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đàm phán được bắt đầu năm 2003 đã lâm vào bế tắc năm 2009.
Viện Nghiên cứu hạt nhân Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên tuyên bố rằng, trong bối cảnh Mỹ đang liên tục đe dọa Triều Tiên, nước này sẽ không ngừng các thử nghiệm hạt nhân để sản xuất vũ khí hạt nhân và "có thể sẽ sử dụng cả uranium được làm giàu" ở cấp độ vũ khí.
Các chuyên gia nhận định rằng, hiện thực lực tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều đã hình thành, việc ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hàng loạt bằng các biện pháp cứng rắn là vô hiệu, do đó, cộng đồng quốc tế cần sử dụng những biện pháp hòa bình, thể hiện những động thái phi quân sự để Triều Tiên cảm thấy an ninh đất nước không bị đe dọa, dẫn tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Theo Huy Bình
Đất Việt