Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tên lửa đạn đạo chiến thuật từng khiến Mỹ hoảng sợ

Tên lửa đạn đạo chiến thuật từng khiến Mỹ hoảng sợ
Tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K714 Oka bay với tốc độ 10.880 km/h và gần như không thể đánh chặn từng khiến Mỹ lo sợ trong những năm Chiến tranh Lạnh.

Video

Uy lực tên lửa đạn đạo chiến thuật Oka

Tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K714 Oka được đánh giá là vũ khí chiến thuật mạnh nhất những năm Chiến tranh Lạnh.

Theo Global Security, những năm Chiến tranh Lạnh chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt giữa hai siêu cường Mỹ - Liên Xô. Hai quốc gia đều tìm cách phát triển các loại vũ khí mới nhằm chiếm ưu thế trước đối phương. Trong đó, vũ khiến chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là một thành phần rất quan trọng.

Đầu những năm 1970, các kỹ sư Viện thiết kế KBM, Liên Xô đã bắt tay phát triển một tên lửa đạn đạo chiến thuật di động mới hiện đại hơn nhằm thay thế cho tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud đã lạc hậu. Tên lửa được chỉ định là 9K714 Oka (NATO định danh SS-23 Spider).

Tên lửa không thể đánh chặn

Oka được đặt trên khung gầm xe chuyên dụng BAZ-6944, 8x8 bánh. Xe được trang bị động cơ diesel UTD-25, công suất 400 mã lực, tốc độ tối đa 70 km/h, dự trữ hành trình 700 km.

Hệ thống sử dụng tên lửa động cơ nhiên liệu rắn 9M714 giúp thời gian triển khai đội hình chiến đấu giảm xuống chỉ còn khoảng 30 phút. Mỗi xe phóng mang theo một tên lửa.

Tên lửa 9M714 có chiều dài 7,53 m, đường kính 0,89 m, trọng lượng phóng 4,3 tấn, tên lửa có tầm bắn khoảng 400 km. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho rằng, tầm bắn của tên lửa khoảng 500 km. 9K714 Oka được trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ từ 50 đến 100 kt, hoặc đầu đạn thông thường nặng 450 kg hay đầu đạn hóa học.

9K714 Oka, tên lửa đạn đạo chiến thuật đáng sợ nhất Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Military Today

9K714 Oka được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính và radar chủ động giai đoạn cuối. Bán kính lệch mục tiêu của tên lửa khoảng 30-150 m. Điều đáng sợ nhất của 9K714 Oka  không nằm ở tầm bắn hay đầu đạn mà chính là ở cơ chế hoạt động độc đáo của nó.

Tên lửa có đạn đạo rất phức tạp kết hợp với các hệ thống mồi bẫy, gây nhiễu khiến việc xác định quỹ đạo bay rất khó khăn. Bên cạnh đó, tốc độ tấn công mục tiêu của tên lửa gấp đến 9 lần vận tốc âm thanh (10.880 km/h) khiến việc đánh chặn trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” đối với Mỹ.

Với tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K714 Oka những mục tiêu quan trọng của Mỹ và NATO ở khu vực châu Âu luôn bị đặt trong tình trạng báo động cao. 9K714 Oka đã mang lại cho Liên Xô khả năng răn đe hạt nhân hoặc phi hạt nhân tầm ngắn đáng sợ. Năm 1979, tên lửa đạn đạo chiến thuật Oka được đưa vào biên chế đã làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực châu Âu.

Công cụ chính trị

Sự có mặt của tên lửa đạn đạo chiến thuật Oka dọc biên giới châu Âu khiến NATO luôn ở trong tình trạng “bất an”. Khi một vũ khí trở nên quá mạnh, mục đích chính trị sẽ lấn át vai trò quân sự của nó. Năm 1985,  Mikhail Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô, ông ta sử dụng tên lửa  9K714 Oka thành một “công cụ chính trị” để mặc cả nhằm kiềm kế sức mạnh của Mỹ đang triển khai ở châu Âu.

Những quả đạn tên lửa 9M714 bị tháo dỡ theo Hiệp ước INF giữa Mỹ - Xô. Ảnh: Russian Defence

Năm 1987, Mikhail Gorbachev đã đề nghị với Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là George Pratt Shultz rằng, Liên Xô sẽ phá hủy toàn bộ tên lửa 9K714 Oka nếu Mỹ ngưng việc xây dựng lực lượng hạt nhân tầm ngắn ở châu Âu. Điều này dẫn đến Hiệp ước giảm Vũ khí hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) giữa hai nước. Với Mỹ, lời đề nghị của Gorbachev là cơ hội “không thể tốt hơn” để vô hiệu hóa vũ khí khiến họ bất an thời gian qua.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt của giới chỉ huy cấp cao quân đội Liên Xô, 9K714 Oka nhanh chóng được liệt vào danh sách các loại tên lửa cần hủy bỏ theo Hiệp ước INF đang đàm phán giữa 2 nước.

Các chỉ huy quân đội cho rằng, nếu loại bỏ 9K714 Oka, Liên Xô sẽ mất đi lợi thế không chỉ với Mỹ và NATO mà còn đối với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, tất cả những cảnh báo đã không thể cứu vãn số phận của 9K714 Oka, khi nó đã trở thành công cụ cho mưu đồ chính trị hơn là một vũ khí quan trọng với an ninh quốc gia.

Hiệp ước INF được ký kết vào ngày 08/12/1987 đã “khai tử” tên lửa đạn đạo chiến thuật đáng sợ nhất thế giới. Với Mỹ việc loại bỏ được 9K714 Oka đã giúp họ an tâm khi mà mối đe dọa lớn nhất không còn.

Tháng 7/1988, đại tá Edward H. Cabaniss dẫn đầu phái đoàn INF của Mỹ đến Petropavlovsk, Kazakhstan, đây là khu vực có nhà máy sản xuất chính của tên lửa Oka. Chỉ trong vòng 2 năm sau khi INF có hiệu lực, toàn bộ 239 tên lửa cùng 106 xe phóng đã bị phá hủy.

Mặc dù, quân đội Liên Xô đã bí mật chuyển giao một số tên lửa 9K714 Oka ra các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw nhằm cứu vãn số phận cho nó. Tuy nhiên, những tên lửa này đã bị Mỹ săn lùng ráo riết với quyết tâm loại bỏ nó bằng mọi giá.

Tính đến năm 2002, toàn bộ những gì liên quan đến 9K714 Oka ở trong và ngoài nước Nga đều bị xóa sổ hoàn toàn. Nhưng gần đây, Nga đã hồi sinh tên lửa đạn đạo chiến thuật đáng sợ nhất Chiến tranh Lạnh. Một số nhà phân tích quân sự cho rằng, tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander chính là bản sao từ tên lửa 9K714 Oka.

Người Mỹ có thể bức tử những tổ hợp SS-23 nhưng không thể hủy diệt được những con người tạo ra chúng. Viện thiết kế KBM vẫn còn và các nhà thiết kế tài ba, nơi đây đã không mất nhiều thời gian để “tái sinh” lại Oka, thậm chí còn nâng thiết kế này lên một đẳng cấp cao hơn nữa.

Những tên lửa đạn đạo chiến thuật đáng sợ nhất

Tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander với tầm bắn 500 km, tốc độ bay gấp 7 lần vận tốc âm thanh được xem là loại tên lửa nguy hiểm nhất thế giới.

Nguồn tin: news.zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây