Sau THAAD, Hàn Quốc tiếp tục muốn nhận vũ khí "khủng" từ Mỹ
- Thứ ba - 16/08/2016 19:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tên lửa SM-3 được đánh giá là một phần trong chiến lược của Hàn Quốc nhằm đối phó trước những mối đe doạ tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Thời gian qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo đặt trên bệ phóng di động và một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Hiện các tàu khu trục của Hàn Quốc đang được trang bị SM-2, tên lửa đất đối không được đánh giá đủ khả năng đánh chặn "các tên lửa đạn đạo tầm ngắn".
Tuy nhiên, với những tiến triển trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Hàn Quốc buộc phải cân nhắc triển khai loại tên lửa mới. Đã có nhiều thông tin về việc Hải quân Hàn Quốc có thể sẽ nhận được tên lửa SM-3 thời gian qua. Hồi tháng 5 vừa qua, hãng tin Yonhap cho biết Seoul "đang tiến tới việc lắp đặt hệ thống phóng tên lửa phương thẳng đứng mới" trên các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis.
Vào thời điểm hiện tại, Mỹ được cho là sẵn sàng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-2 của Hàn Quốc lên hệ thống PAC-3. Nếu dự án này được triển khai, Hàn Quốc sẽ là nước thứ 3 trên thế giới sau Nhật Bản và Đài Loan được nhận hệ thống PAC-3 từ Mỹ. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Eric Fanning cho biết: "Vào lúc này, chúng tôi sẽ tập trung thảo luận về việc nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot đặt tại Hàn Quốc. Tôi nhận thấy đây là một dự án có tiềm năng".
Hiện cả thương vụ mua tên lửa SM-3 và nâng cấp hệ thống PAC-3 vẫn chưa được Mỹ chính thức công khai hoặc nhận được bất cứ sự đồng ý nào từ cơ quan phụ trách bán vũ khí của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình trên bán đảo Triều Tiên có nhiều diễn biến phức tạp, Hàn Quốc có thể sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ vì hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong liên minh Mỹ - Hàn những năm qua. Ngoài ra, Nhật Bản, một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, cũng đang phối hợp ba bên với Mỹ và Hàn Quốc về việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Hồi đầu mùa hè này, Hải quân Mỹ, Hải quân Hàn Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận ba bên có nội dung phòng thủ trước mối nguy từ tên lửa đạn đạo bên lề cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIM) 2016. Cuộc tập trận này cũng tập trung vào việc nâng cao khả năng phối hợp và tương tác giữa hải quân ba nước để hỗ trợ phát hiện và theo dõi các mục tiêu tên đạn đạo.
Ngọc Anh
Tổng hợp