Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nước Mỹ ở đâu trong một thế giới "đa hợp"?

Nước Mỹ ở đâu trong một thế giới "đa hợp"?
Trong một bài viết mới đây trên Tạp chí National Interest với nhan đề “American Primacy in a Multiplex World” (tạm dịch: Ưu thế của Mỹ trong một thế giới đa hợp), GS Amitav Acharya, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học American (Mỹ) cho rằng, vai trò lãnh đạo của Mỹ đang bị thách thức...

... Và thách thức ấy không phải do sự trỗi dậy của các cường quốc mới mà là sự trỗi dậy của các mối đe dọa mới trong một thế giới “đa hợp”. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu nội dung chính bài viết này.

Sự trỗi dậy của các mối đe dọa mới

Câu hỏi thực sự về vai trò của Mỹ trong thế giới ngày nay không phải là "Liệu rằng có phải nước Mỹ đang suy yếu?" mà là "Trật tự quốc tế do Mỹ tạo dựng và thống trị có kéo dài hay không?"

Nếu như vấn đề nước Mỹ suy yếu vẫn còn gây tranh cãi thì số phận trật tự thế giới do Mỹ dựng lên lại ít tranh cãi hơn. Như Joschka Fischer, cựu Ngoại trưởng Đức, gần đây đã viết: “Nhìn lại 26 năm qua, chúng ta phải thừa nhận rằng, Liên Xô tan rã và cùng với đó là Chiến tranh Lạnh kết thúc, không phải là đích đến của lịch sử mà thay vào đó là hồi kết của trật tự thế giới tự do phương Tây đang bắt đầu”.

Joseph Nye, một trong những “người biện hộ” chính cho “ưu thế” của Mỹ trong trật tự thế giới ngày nay, đã cẩn thận phân biệt khái niệm “ưu thế” với “bá quyền”. Ông định nghĩa “ưu thế” là “việc một quốc gia nắm giữ trong tay một cách bất cân xứng (song có thể đo đếm được) 3 nguồn lực sức mạnh gồm: Sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và sức mạnh mềm”. Trên cơ sở đó, ông kết luận rằng, nước Mỹ vẫn giữ được “ưu thế” của mình ít nhất cho đến hết nửa đầu thế kỷ này.

Liệu rằng nước Mỹ có dẫn đầu trong cả 3 lĩnh vực: Quân sự, kinh tế, sức mạnh mềm hay không thì đây là điều vẫn còn phải bàn.

Theo một số phép đo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Số liệu gần đây của Bloomberg cho thấy vào năm 2001, GDP của Mỹ (10,6 nghìn tỷ USD) gấp 8 lần Trung Quốc. Đến năm 2015, GDP của Mỹ (18 nghìn tỷ USD) chỉ gấp 1,6 lần Trung Quốc (11,4 nghìn tỷ USD).

Tổng thống B.Obama phát biểu tại Học viện Quân sự West Point vào năm 2014. Ảnh: Daily Signal

Nước Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc quân sự số 1 thế giới. Tuy vậy, khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ngày càng tăng của Trung Quốc đã làm giảm “ưu thế” của Mỹ, ít nhất là tại khu vực Đông Á. Vị trí dẫn đầu của Mỹ về “sức mạnh mềm” (vốn khó đong đếm) cũng đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.

Trớ trêu thay, thách thức đó lại không phải từ bên ngoài mà là từ chính trong lòng nước Mỹ. Làm sao nước Mỹ có thể “hấp dẫn” phần còn lại của thế giới trong một kỷ nguyên trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và biết đâu được, có lẽ là của Donald Trump cũng không chừng?”

Người ta nhìn nhận “ưu thế” chủ yếu dưới góc độ trật tự thay vì sức mạnh. “Ưu thế” của Mỹ không chỉ dựa vào nguồn lực sức mạnh quốc gia mà còn nhờ vào khả năng quản lý trật tự quốc tế, đặc biệt là thông qua các thể chế do nước này tạo ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm “hợp thức hóa” vai trò lãnh đạo của mình.

Hệ thống đa phương đó, gồm Liên hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... lại đang bị “lung lay” để thay vào đó là một sự chắp vá phức tạp các cấu trúc song phương, khu vực, đa phương. Nhiều trong số này không phải là kết quả các sáng kiến của Mỹ cũng như không đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ. Thậm chí, một số cấu trúc còn thách thức quyền lực của các thể chế đa phương lớn do Mỹ lập ra thời hậu chiến.

Thách thức chính với “ưu thế” của Mỹ không phải xuất phát từ trật tự thế giới đa cực hay sự trỗi dậy của các cường quốc mới mà chính là sự trỗi dậy của các mối đe dọa mới. Những mối đe dọa với lợi ích của Mỹ ngày nay còn phức tạp hơn bao giờ hết.

Như L.Gen (Leslie Gelb), Chủ tịch danh dự Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã chỉ ra: “Những kẻ khủng bố và các cuộc nội chiến là những mục tiêu quân sự khó nắm bắt hơn các binh lính chiến đấu trong đội hình các tiểu đoàn”. Đó có thể là lý do thực sự tại sao “ưu thế” của Mỹ đang bị thách thức trong thế giới ngày nay.

Trật tự “đa hợp”

Trong một hệ thống quốc tế đa cực, một số cường quốc lớn có được ưu thế trong cả việc thách thức lẫn quản lý trật tự quốc tế. Thế nhưng, các chủ thể chính trong hệ thống quốc tế ngày nay-cả bên kiến tạo và bên phá vỡ trật tự-không chỉ còn là các cường quốc lớn hay các nhà nước mà có cả các thể chế quốc tế, các tập đoàn, các phong trào xã hội, các nhóm khủng bố.

So với thời kỳ trước Chiến tranh thế giới, đặc điểm mối quan hệ giữa các chủ thể chính trong hệ thống quốc tế ngày nay là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu và rộng hơn, không chỉ trong thương mại mà còn trong tài chính, mạng lưới sản xuất và tất cả đều “dễ bị tổn thương” trước các thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính.

Trật tự thế giới đang xuất hiện-đúng hơn nên được gọi-là một thế giới “đa hợp”, gồm nhiều chủ thể, đa dạng về văn hóa và chính trị nhưng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cùng đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu phức tạp trong khi quyền lực và vai trò của các thể chế đa phương lớn bị thách thức bởi một loạt thể chế và mạng lưới phức hợp, cả lớn và nhỏ, cả công và tư. Không có một cường quốc nào thống trị tất cả 3 lĩnh vực là kinh tế, quân sự và sức mạnh mềm.

Làm thế nào để Mỹ ứng phó với một thế giới “đa hợp” như vậy?

Trước hết, Mỹ phải từ bỏ quan niệm lỗi thời về “ưu thế” và chấp nhận chia sẻ vai trò lãnh đạo. Trong bài phát biểu tại Học viện Quân sự West Point vào năm 2014, Tổng thống B.Obama từng tuyên bố: “Nước Mỹ phải luôn đi đầu trên trường quốc tế. Nếu không phải là nước Mỹ thì cũng sẽ không có ai khác làm được”.

Câu nói cường điệu đó là phi thực tế và không ích gì với trật tự thế giới. Nó chỉ làm khơi dậy tư tưởng “ỷ lại”, thậm chí trong các đồng minh có đủ năng lực của Mỹ. Không chỉ thiếu lợi ích và nguồn lực, Mỹ cũng thiếu cả sự ủng hộ trong nước để đi đầu trên nhiều mặt trận vốn cần có hành động tập thể.

Như cây bút David Rieff, trong bài viết “Will the Next President Restore U.S. Primacy?” (tạm dịch: Liệu rằng vị tổng thống kế tiếp có khôi phục được vị thế của Mỹ?) trên National Interest, đã khẳng định, trong một số lĩnh vực, nước Mỹ sẽ dẫn đầu trong khi ở những lĩnh vực khác, nước Mỹ sẽ chỉ đứng bên lề và sẵn sàng được dẫn dắt. Đã đến lúc các đồng minh của Mỹ phải tự mình chủ động trong các vấn đề có tính lợi ích toàn cầu và khu vực.

Một thế giới “đa hợp” đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn tới trật tự khu vực. Nước Mỹ cần khuyến khích các cường quốc bậc trung, cường quốc khu vực và các tổ chức khu vực phát huy vai trò của mình. Điều này cũng đồng nghĩa là “tầm nhìn” của Mỹ không nên chỉ giới hạn ở các liên minh truyền thống như G-7. Ủng hộ và hợp tác thông qua các thể chế khu vực như ASEAN hay Liên minh châu Phi sẽ là cần thiết để quản lý các vấn đề khu vực.

Thế giới “đa hợp” sẽ không hoàn toàn hòa bình. Hòa bình tuyệt đối chỉ là ảo tưởng. Thay vào đó, mục tiêu đặt ra sẽ là sự ổn định tương đối, ngăn ngừa chiến tranh giữa các nước lớn, nạn diệt chủng và quản lý các xung đột khu vực có nguy cơ gây ra thảm họa nhân đạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải có sự chia sẻ vai trò lãnh đạo, sự đồng thuận cải cách cơ chế quản lý toàn cầu và chặng đường phía trước vẫn còn dài.

Theo Lâm Toàn (lược dịch)

Quân đội nhân dân

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây