Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nỗi khát khao thuở bé - "gót chân Asin" của Trump

Nỗi khát khao thuở bé - "gót chân Asin" của Trump
Mong muốn được thừa nhận thành công từ nhỏ luôn thôi thúc Trump chứng minh mình là người chiến thắng hoàn toàn, ngay cả khi ông đã trở thành Tổng thống Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng nói Trump tin có gian lận bầu cử

Tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông thua số phiếu bầu phổ thông trước đối thủ Hillary Clinton do hàng triệu cử tri gian lận đã nhanh chóng phủ bóng lên sự khởi đầu chóng vánh của ông trong nỗ lực tôn trọng các cam kết tranh cử và thay đổi nước Mỹ, theo CNN.

Theo các bình luận viên, việc ông Trump khơi lại tranh cãi tưởng như đã bị lãng quên sau cuộc bầu cử là một dấu hiệu nữa cho thấy nét tính cách đặc trưng nhất của tân Tổng thống Mỹ - không bao giờ chấp nhận ý kiến nào cho rằng ông không thể đạt được một thắng lợi hoàn toàn trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống.

Những tranh cãi mà ông tự khơi ra trong 5 ngày đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, như ồn ào xung quanh quy mô đám đông tới dự lễ nhậm chức, cũng cho thấy một khao khát tiềm ẩn của Trump nhằm khẳng định tính chính danh của mình.

Khao khát đó đã thôi thúc doanh nhân trở thành tổng thống này trong nhiều thập kỷ và nhiều khi trở thành "gót chân Asin" của ông. Những bước đi quyết liệt mà Trump thực hiện để thỏa mãn mong ước được tôn trọng cũng như được coi như một người chiến thắng toàn diện thường khiến khao khát đó khó đạt tới hơn.

Trong trường hợp này, việc ông không chịu thừa nhận thực tế rằng mình đã thua bà Clinton về số phiếu phổ thông nhưng vẫn đắc cử nhờ phiếu đại cử tri có nguy cơ khiến dư luận nước Mỹ bị xao nhãng khỏi vấn đề lớn hơn, đó là cách ông sử dụng quyền hành pháp của mình để thực thi các cam kết tranh cử và bắt đầu thay đổi nước Mỹ.

Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên, Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp, rút Mỹ khỏi TPP, khởi động quá trình loại bỏ Obamacare và cho phép tiếp tục dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access gây tranh cãi. Tuần tới, ông sẽ đề cử ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao, việc mà hầu hết các tổng thống Mỹ không làm trong tuần đầu tiên nhậm chức.

Trump ký sắc lệnh đầu tiên sau khi nhậm chức. Ảnh: CNN

Thế nhưng cáo buộc về gian lận phiếu bầu là dấu hiệu cho thấy những tranh cãi mà Trump từng sử dụng để giành lợi thế trước đối thủ trong chiến dịch tranh cử đến nay có thể hủy hoại hình ảnh Tổng thống của ông, bởi chúng làm xói mòn niềm tin trong dư luận, vốn là yếu tố mang tính sống còn với một tổng tư lệnh.

Nhiều nghiên cứu chính phủ và chuyên gia cho thấy không có bất cứ bằng chứng nào về tình trạng gian lận phiếu bầu trong kỳ bầu cử vừa qua. Bản thân ông Trump cũng không đưa ra dẫn chứng nào để củng cố cho lời cáo buộc của mình về các cử tri gian lận.

Thư ký Nhà Trắng Sean Spicer sau đó nói rằng một nghiên cứu năm 2014 của Jesse Richman và David Earnest cho thấy hơn 14% những người không phải công dân Mỹ "đã được đăng ký để đi bỏ phiếu", tương ứng với 3-5 triệu phiếu bầu không hợp pháp.

Tuy nhiên, Brian Schaffner, nhà khoa học chính trị tại Đại học Massachusetts, người phụ trách nghiên cứu trên, khẳng định rằng dữ liệu này không hề chứng minh cho lời cáo buộc của ông Trump. Những người tham gia khảo sát của họ về thực chất vẫn là công dân Mỹ, chỉ có điều họ đã điền sai vào ô "không phải công dân" trong quá trình được khảo sát.

Nỗi khát khao từ thuở nhỏ

Ông Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ảnh: CNN

Các quan sát viên cho rằng nét tính cách khao khát sự chính danh này của Trump không phải mới xuất hiện sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng. Ngay trong chiến dịch tranh cử, ông đã thể hiện sự ám ảnh với các cuộc khảo sát, khoe khoang về khối tài sản, tung ra những lời khen có cánh dành cho các khách sạn mang tên Trump, cho thấy một ứng viên rất sẵn lòng nói về thành tựu và vị thế của mình trên thế giới.

Michael D’Antonio, tác giả cuốn sách "Sự thật về Trump", cho rằng nỗi khát khao được thừa nhận của tân Tổng thống đã được thể hiện rất rõ nét trong hành trình trở thành một ông trùm bất động sản New York.

"Ông ấy đã làm điều này suốt cả đời, từ thời thơ ấu khi ông ấy khoe với mọi người rằng mình là cầu thủ bóng rổ giỏi nhất bang New York, dù khi đó các hồ sơ lưu trữ không chứng minh được điều đó. Ông ấy được nuôi dạy bởi một người cha có yêu cầu cao, và cha ông không chấp nhận điều gì khác ngoài thắng lợi và thành công hoàn toàn trong mọi thứ mà Donald làm", D’Antonio viết.

Giờ đây, Trump đã vươn lên tới vị thế mà mà bất cứ hành động, lời nói nào của ông cũng đều bị soi xét tỉ mỉ. Những tuyên bố, lời khoe khoang của ông nay không còn được coi là lời nói phách của một ông trùm bất động sản trong giới kinh doanh nữa.

Các nghị sĩ đến từ hai đảng trong Quốc hội Mỹ đã tỏ ra giận dữ khi Tổng thống khơi lại thuyết âm mưu cũ về tình trạng gian lận phiếu bầu khiến ông thua về số phiếu phổ thông, theo nhiều nguồn tin khác nhau.

"Nếu Tổng thống Mỹ tuyên bố 4,5 triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp, điều đó sẽ làm lay chuyển niềm tin vào nền dân chủ của chúng ta. Ông ấy phải chứng minh được vì sao mình tin vào điều đó", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham tuyên bố.

Nghị sĩ Cộng hòa Will Hurd cũng tuyên bố rằng ông không nhận thấy bất cứ bằng chứng nào về tình trạng gian lận bầu cử. "Tôi cho rằng Nhà Trắng nên nhìn về kính lái, đừng soi lại gương chiếu hậu. Họ đã làm được điều mà không ai từng nghĩ là họ làm được. Họ nên tự hào về điều đó, đừng biến nó thành yếu tố gây xao nhãng", Hurd nhấn mạnh.

Các bình luận viên cho rằng ông Trump cần phải nhanh chóng thích nghi với sức ép lớn về chính trị và truyền thông mà ông có thể đối mặt trong tương lai, bởi bất cứ tổng thống thành công nào cũng đều hành động dưới sự soi xét kỹ càng từ nhiều phía.

"Đây là lần đầu tiên trong đời ông ấy phải chơi theo luật được người khác đề ra, nhưng có vẻ như ông ấy không nhìn ra sự khác biệt giữa một doanh nhân và một tổng thống", D’Antonio nhận định.

Trí Dũng

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây