Những người tạo nên "phép lạ"
- Thứ bảy - 27/08/2016 19:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chắc hẳn chẳng có người dân Syria nào lại không biết tới Khaled Omar - nhân viên cứu hộ đã giải cứu một đứa trẻ 10 ngày tuổi bị chôn vùi 16 giờ dưới ngôi nhà sập. Nhiều người đã rơi nước mắt khi nghe tin anh hy sinh lúc đang cùng đồng đội giúp những người dân bị mắc kẹt trong đống đổ nát ở khu Ramossa của thành phố Aleppo.
Trong tâm trí của họ, người đàn ông 31 tuổi rắn rỏi vốn luôn đặt sinh mạng của những nạn nhân lên trên hết, là một trong số 2.900 thành viên của tổ chức White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng), đã giải cứu nhiều người dân Syria.
Hồi năm 2014, anh cùng nhiều đồng đội đã giúp một phụ nữ tìm cậu con trai 10 ngày tuổi bị chôn vùi dưới đống đổ nát của tòa chung cư bị bom đánh sập tại thành phố Aleppo. Những hình ảnh về cuộc giải cứu bất ngờ đó đã lan truyền khắp thế giới như một phép lạ giữa đời thường.
Người ta còn ấn tượng mãi cảnh Omar hối hả gạt các mảnh vụn sang một bên và qua một lỗ nhỏ, anh nhẹ nhàng kéo đứa trẻ ra trong tiếng reo hò của đám đông. Hình ảnh đẹp đó mang lại niềm hy vọng lớn lao cho những con người hằng ngày luôn phải đối mặt với cái chết.
Syria đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài 5 năm qua. Hơn 280.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa là những con số nói lên mức độ khủng khiếp của cuộc chiến dai dẳng tại đất nước Trung Đông này. Có những vùng đất mỗi ngày phải hứng chịu tới hơn 50 quả bom và đạn súng cối nã xuống.
Tại Syria, không hề có số điện thoại khẩn cấp, không có ai để người dân nơi đây có thể gọi xin cứu trợ. Chỉ có tình nguyện viên đội mũ bảo hiểm trắng như Omar là những người thường xuyên có mặt đầu tiên tại hiện trường. Không ngại hiểm nguy, chẳng màng vất vả, họ dũng cảm tìm đường vượt qua đống đổ nát để tìm những người bị chôn vùi bên dưới, sơ cứu, đưa người bị thương tới bệnh viện gần nhất.
Không chỉ cứu người, những tình nguyện viên còn giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng bao gồm cả việc nối lại đường điện, cung cấp các thông tin, khuyến cáo an toàn tới trẻ em và bảo đảm an ninh các tòa nhà. Họ là tổ chức xã hội lớn nhất được triển khai bên ngoài khu vực chính phủ kiểm soát, và hành động của họ mang lại hy vọng cho hàng triệu người.
White Helmets hoạt động theo nguyên tắc: "Nhân đạo, đoàn kết và vô tư". Chính bởi vậy, từ một mạng lưới các tình nguyện viên bắt đầu từ năm 2013, lực lượng White Helmets đã phát triển nhanh chóng, với 2.900 thành viên và 119 trung tâm trên toàn quốc. Cùng với nỗ lực của các thành viên, trong 3 năm qua White Helmets đã cứu sống được 60.000 người và con số này vẫn đang tăng lên, Raed Saleh, người đứng đầu White Helmets cho biết.
Cũng giống Khaled Omar - người đàn ông từng là họa sĩ, những thành viên của White Helmets chẳng phải ai xa lạ. Họ là bác thợ làm bánh, chị thợ may, chú công nhân, anh dược sĩ, hay thậm chí những bạn sinh viên. Khi tham gia White Helmets, họ sẽ được dự khóa huấn luyện, học cách phá bê tông và dập lửa… và quan trọng hơn họ được tiếp thêm sức mạnh từ những tấm gương về lòng vị tha, luôn quý trọng mạng sống con người.
Ala'a là một thành viên của nhóm White Helmets. Chàng trai đến từ thành phố Aleppo cho biết, cậu cảm thấy rất tự hào khi tham gia tổ chức này và được giúp đỡ mọi người. "Ở Syria ai cũng yêu quý chúng tôi", Ala'a chia sẻ với CBS News. Thế nhưng, theo chàng trai 26 tuổi, công việc của các tình nguyện viên White Helmets chẳng hề đơn giản. Nhiều tình nguyện viên đã phải hy sinh tính mạng để cứu sống những người khác. Tính đến nay đã có ít nhất 134 thành viên White Helmets hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Giải thích với tờ Aljazeera, Ammar Aosalmo, một thành viên kỳ cựu của White Helmets cho biết, biết bao người coi White Helmets là niềm hy vọng. “Mọi người tin tưởng ở chúng tôi. Khi chúng tôi nhìn vào đôi mắt họ chúng tôi thấy rằng họ cần được giúp đỡ… khi Aleppo bị đánh bom, mọi người đều cảm thấy an toàn hơn khi có chúng tôi bên cạnh họ”, Aosalmo cho rằng chính điều này đã thôi thúc anh cùng đồng đội sẵn sàng mạo hiểm tính mạng vì những người khác.
Với những nỗ lực cứu người, White Helmets đã được 130 tổ chức trên thế giới ủng hộ trở thành ứng viên cho giải Nobel Hòa bình năm 2016. Đó chính là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những gì mà những tình nguyện viên này đã và đang làm tại Syria.
“Nỗ lực của họ trong công việc cứu người tại nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất này thật phi thường và đáng nhận được sự kính trọng sâu sắc nhất”,Wendy Chamberlin, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông nhận định.
Theo Hùng Hà
Quân đội nhân dân