Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Những điểm yếu của lực lượng Phòng vệ Nhật

Những điểm yếu của lực lượng Phòng vệ Nhật
Thiếu năng lực đổ bộ, khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng chưa tốt là những hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản .

Tạp chí National Interest cho biết, cuối tháng 8, lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật thường niên mang tên ‘Sức mạnh Phú Sĩ” tại khu huấn luyện Higashi-Fuji, gần Gotemba, tỉnh Shizuoka.

Cuộc tập trận với sự tham gia của hàng trăm xe tăng, thiết giáp, trực thăng và nhiều trang bị khí tài khác. Kịch bản của cuộc diễn tập là tái chiếm một hòn đảo bị đối phương chiếm đóng trước đó. Khoảng 26.000 khách tham quan cuộc tập trận cảm thấy “mãn nhãn” với “bữa tiệc súng đạn”.

Binh sĩ Nhật Bản đổ quân từ trực thăng. Ảnh: JGSDF

 

Tuy nhiên, Grant Newsham, nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản lại nhìn thấy trong đó nhiều thiếu sót, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).

Ông cho rằng, chính phủ và JSDF cần khắc phục các thiếu sót dưới đây nhằm đáp ứng khả năng bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, đặc biệt là sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.

Thiếu năng lực đổ bộ

Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể đe dọa các quần đảo ở tây nam Nhật Bản. Do đó, JGSDF đang xây dựng năng lực đổ bộ thông qua việc hình thành lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh (ARDB). Tuy nhiên, kế hoạch này đang thực hiện kiểu nửa vời.

Xe tăng lực lượng mặt đất Nhật Bản bắn pháo sáng trong cuộc tập trận ở núi Phú Sĩ. Ảnh: JGSDF

Một số sĩ quan chỉ huy của JGSDF phản đối kế hoạch thành lập đơn vị đổ bộ phản ứng nhanh mà muốn tăng cường hợp tác với không quân và hải quân để bảo vệ các quần đảo ở tây nam. Một số ý kiến lại hoài nghi khả năng phối hợp với các lực lượng khác.

Ông Newsham cho rằng, kế hoạch xây dựng đơn vị đổ bộ phản ứng nhanh là cần thiết và phù hợp. Nhưng sự thành công của đơn vị này lại phụ thuộc vào sự hợp tác với lực lượng Phòng vệ Biển (JMSDF) và lực lượng Phòng vệ trên không (JASDF).

Khả năng phối hợp kém

Kịch bản cuộc tập trận năm nay là JGSDF được lệnh tái chiếm hòn đảo với sự phối hợp và hỗ trợ từ JMSDF và JASDF. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa 3 lực lượng này không thực sự tốt. 3 lực lượng quân sự chủ chốt của Nhật Bản có xu hướng chống lại sự hợp tác cùng nhau.

Khả năng phối hợp giữa các đơn vị kém là một trong những điểm yếu lớn nhất của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Một điều khó hiểu là các sĩ quan của JSDF được đào tạo ở các học viện quân sự giống nhau, nhưng khi biên chế về đơn vị, họ lại có xu hướng phục tùng cho phương châm hoạt động riêng của đơn vị đó và tránh hợp tác chung.

Trực thăng tấn công AH-64 phối hợp với xe thiết giáp trong một kịch bản tập trận. Ảnh: JGSDF

Những năm gần đây, lực lượng mặt đất và hải quân đã thực hiện nhiều hơn các cuộc tập trận phối hợp, nhưng sự hợp tác giữa các đơn vị vẫn cần được cải thiện nhiều hơn nữa. Trong cuộc tập trận năm nay, một tiêm kích F-2 của JASDF đã xung trận và bắn tên lửa chống tàu mô phỏng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của chiếc F-2 không phải với vai trò máy bay yểm trợ hỏa lực tầm gần thường thấy trong các hoạt động đổ bộ. Bên cạnh đó, sự chia sẻ thông tin liên lạc giữa các lực lượng cũng không thực sự tốt.

Giữa các lực lượng quân sự chủ chốt của Nhật dường như quá khó để liên lạc với nhau. Điều này không còn là một bí mật. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã chỉ đạo cho 3 lực lượng khắc phục vấn đề kết nối thông tin, nhằm nâng cao hơn nữa sự phối hợp.

Thiếu ngân sách dự phòng

Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới. Nhưng nhiều thập kỷ, ngân sách quốc phòng Nhật Bản luôn ở mức thấp, dẫn đến thiếu trang bị và đào tạo kém. Trong cuộc tập trận vừa qua, lực lượng mặt đất bắn rất nhiều đạn, nhưng chủ yếu là để phô trương.

Thực tế, họ thiếu kinh phí cho các hoạt động đào tạo thực tế. Các phi công thiếu giờ bay, khả năng bắn vũ khí trong thực tế và thiếu nhân sự được đào tạo tốt. Kinh phí eo hẹp được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến các lực lượng hạn chế hợp tác với nhau.

Các vũ khí được sử dụng trong cuộc tập trận đều là những khí tài hiện đại nhất của JGSDF, nhưng chúng chỉ chiếm số lượng rất ít. Chính sách mua sắm của Tokyo thực hiện theo kiểu “mua cái này một ít, cái kia một ít” và các vũ khí đều do công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất.

Tuy nhiên, chính sách cấm xuất khẩu quốc phòng khiến các vũ khí do Nhật Bản sản xuất với số lượng ít dẫn đến đơn giá cao ngất ngưỡng. Do đó, Nhật Bản chi rất nhiều tiền để mua vũ khí, nhưng số lượng lại rất ít, chi phí vận hành, bảo trì, linh kiện thay thế vì thế cũng cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Ông Newsham nhận định, 3 lực lượng quân sự chủ chốt của Nhật Bản đều có năng lực tác chiến rất mạnh. Vấn đề cơ bản của  lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là cải thiện sự hợp tác giữa các lực lượng, cần có kế hoạch cụ thể để buộc các lực lượng tập trung vào hoạt động chung.

Nhật lắp radar, xây dựng lá chắn tên lửa đối phó Trung Quốc

Tokyo đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại biển Hoa Đông như lắp radar giám sát, củng cố lá chắn tên lửa nhằm đối phó với những diễn biến an ninh mới trong khu vực.


Nguồn tin: news.zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây