Những đại gia đứng sau quỹ tranh cử tỷ USD của Clinton
- Thứ ba - 25/10/2016 09:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton tại một buổi vận động tranh cử. Ảnh: LATimes
Vài tuần trước khi Hillary Clinton tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng, nỗi lo về quỹ tranh cử khiến bà không khỏi đau đầu, theo Washington Post.
"Chúng ta có thể thảo luận về kế hoạch gây quỹ cho quý đầu tiên được không?", cố vấn thân cận của cựu ngoại trưởng Mỹ, cô Huma Abedin, hồi tháng 3/2015 viết trong bức thư gửi các nhân viên cấp cao phục vụ trong chiến dịch tranh cử, nhấn mạnh bà Clinton đang lo lắng.
Quản lý chiến dịch Robby Mook hỏi lại vấn đề bà Clinton băn khoăn là gì. Abedin trả lời ngắn gọn: "Jeb Bush".
Lúc bấy giờ, những nhà tài trợ của cựu thống đốc Florida Jeb Bush đang dồn dập đổ hàng triệu USD vào một siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ ông này. Những chồng séc 7 chữ số cứ cao dần lên, thậm chí trước cả khi ông Bush tuyên bố tranh cử tổng thống, khiến không khí căng thẳng bao trùm các cuộc đối thoại giữa bà Clinton và đội ngũ nhân sự, theo nội dung những email của chiến dịch tranh cử cho bà Clinton bị Wikileaks công bố.
Nhưng cựu ngoại trưởng Mỹ cũng nắm trong tay một vũ khí tài chính lợi hại của riêng mình: mạng lưới những người hỗ trợ chính trị mà bà cùng chồng, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, đã nuôi dưỡng suốt 40 năm.
Nhà tài trợ giàu có
Quyết không để thua trong cuộc đua vận động tài chính, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton tập trung hướng tới các nhà tài trợ giàu có, đồng thời thực hiện các nỗ lực nhằm xóa bỏ những giới hạn mà Tổng thống Mỹ Barack Obama từng áp dụng với nhóm gây quỹ của ông.
Các trợ lý, dù lo ngại trước việc bà Clinton đang quá nồng nhiệt với các nhóm lợi ích giàu có, vẫn đồng ý để những nhà vận động hành lang cấp tiền cho chiến dịch, bao gồm cả một số đại diện từ chính phủ nước ngoài. Đội ngũ cố vấn cấp cao bắt đầu kêu gọi các nhà tài trợ lớn đổ tiền vào những siêu hội đồng hành động chính trị của bà Clinton.
Những nỗ lực kể trên cuối cùng cũng được trả công xứng đáng. Nguồn tiền từ đảng cùng các siêu hội đồng hành động chính trị ủng hộ Clinton đạt đến con số 1,14 tỷ USD, tính tới cuối tháng 9/2016.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump, người mãi tới cuối tháng 5/2015 mới tiến hành vận động gây quỹ, chỉ nắm trong tay 712 triệu USD, trong đó 56 triệu USD là tiền túi do ông bỏ ra.
Từ trái qua theo chiều kim đồng hồ, những nhà tài trợ hàng đầu của bà Clinton, bao gồm: S. Donald Sussman, J.B. Pritzker, Cheryl Saban, S. Daniel Abraham, Fred Eychaner, George Soros, Haim Saban and James Simons. Ảnh: Washington Post
Theo một bản phân tích từ Washington Post, hơn 1/5 số tiền quyên góp cho bà Clinton đến từ 100 cá nhân giàu có cùng các công đoàn lao động. Nhiều thành phần trong số này có thời gian dài ủng hộ nhà Clinton.
5 nhà tài trợ lớn nhất gồm: nhà quản lý quỹ đầu tư S. Donald Sussman (20,6 triệu USD), nhà đầu tư mạo hiểm Chicago J.B. Pritzker và vợ (16,7 triệu USD), chủ tịch công ty Univision Haim Saban và vợ, bà Cheryl (11,9 triệu USD), tỷ phú đầu tư George Soros (9,9 triệu USD) và người sáng lập hãng thực phẩm chức năng Slim Fast S. Daniel Abraham (9,7 triệu USD).
Tuy nhiên, việc dựa dẫm vào các nhà ủng hộ giàu có cũng đẩy Clinton vào một tình thế khó xử. Nếu đắc cử, Clinton sẽ bước chân vào Nhà Trắng với một món nợ lớn trên vai trước những mạnh thường quân đã hỗ trợ bà và chồng suốt hàng thập kỷ qua.
Trong một cuộc thảo luận hồi tháng 5 năm ngoái về các đề xuất huy động tài chính khả thi cho chiến dịch, Dan Schwerin, người đứng đầu nhóm viết diễn văn, đã bày tỏ lo lắng trước những cáo buộc "đạo đức giả" mà bà Clinton vướng phải.
Siêu ủy ban hành động chính trị
Cùng lúc, chiến dịch tranh cử cho cựu ngoại trưởng Mỹ còn phải đối mặt với một thực tế mới là thế giới chính trị đã thay đổi đáng kể từ lần cuối bà Clinton vận động tranh cử. Những siêu ủy ban hành động chính trị nay trở thành yếu tố tối quan trọng đối với một chiến dịch tranh cử và các đối thủ đảng Cộng hòa đang làm rất tốt trong việc tận dụng những ủy ban kiểu này.
Ủy ban hành động chính trị là một tổ chức chuyên vận động đóng góp từ các thành viên, sau đó dùng số tiền này đổ vào những chiến dịch ủng hộ hoặc chống lại các ứng viên tổng thống, sáng kiến bỏ phiếu hay luật lệ, quy định.
Sự sốt sắng từ các ứng viên đảng Cộng hòa khiến bà Clinton phải đề cao cảnh giác. Đầu tháng 5/2015, cựu ngoại trưởng Mỹ gửi tới các cố vấn một bài báo về tình trạng thiếu kiểm soát của Ủy ban Bầu cử Liên bang, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát quy định bầu cử.
"Các anh chị có gợi ý chúng ta nên làm gì không", bà Clinton hỏi.
Quản lý chiến dịch John Podesta trả lời rằng bộ máy vận động tranh cử cho cựu ngoại trưởng Mỹ cần mở rộng mạng lưới những người gây quỹ và "khiến Priorities hoạt động hiệu quả". Ông Podesta nhắc tới Priorities USA Action, một siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ bà Clinton.
Chiến dịch tranh cử cho bà Clinton từ chối xác nhận tính xác thực đối với những email do WikiLeaks đăng tải, được cho là kết quả từ một cuộc tấn công mạng nhằm vào tài khoản của ông Podesta.
Các email này cho thấy bà Clinton đã lập tức quyết định đẩy nhanh lịch trình gây quỹ dù có thời điểm cố vấn Huma Abedin phải nhận xét rằng chúng "hơi điên rồ".
Bà xóa bỏ những hạn chế đối với hoạt động gây quỹ được đặt ra từ thời Tổng thống Obama. Chiến dịch tranh cử khi ấy không những để các nhà vận động hành lang viết séc quyên góp mà còn cho phép cả những đại diện chính phủ nước ngoài ủng hộ.
Bà Clinton và đội ngũ cố vấn còn gửi đi các tín hiệu thể hiện rõ ràng rằng họ muốn mọi người ủng hộ Priorities USA Action.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ bên cạnh đó còn nhận được khích lệ từ một siêu ủy ban hành động chính trị khác là Correct the Record, do David Brock, đồng minh thân cận của bà Clinton, quản lý. Correct the Record trực tiếp hợp tác cùng chiến dịch tranh cử, tiến hành nghiên cứu chiến lược đối phó với các đối thủ.
Các nhóm người ủng hộ trong khi đó thường được giới thiệu như một phần của một doanh nghiệp hay tập đoàn.
4 ngày trước khi bà Clinton chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, cựu giám đốc điều hành Tập đoàn Tài chính Golden West Herb Sandler nhận được email từ một người gây quỹ ở Washington, làm việc tại Priorities USA Action, tự giới thiệu là "giám đốc tài chính cho siêu ủy ban hành động chính trị của Hillary Clinton". Hai tháng sau, Sandler chuyển tới Priorities một triệu USD.
Theo các email bị rò rỉ, Podesta có nhiệm vụ đi khắp đất nước để thuyết phục các nhà tài trợ lớn ủng hộ cả chiến dịch lẫn ủy ban Priorities. Sau một chuyến công tác tới San Francisco hồi tháng 12/2015, Podesta báo cáo rằng Sandler sẵn sàng đóng góp tối đa cho ủy ban gây quỹ chung giữa chiến dịch tranh cử của Clinton và đảng Dân chủ.
"Ông ấy cũng chuẩn bị tăng gấp đôi số tiền ủng hộ Priorities", Podesta cho biết thêm.
Công đoàn lao động
Email còn cho thấy những cố vấn của bà Clinton cũng tập trung cao độ vào mục tiêu khai thác ủng hộ từ những công đoàn lao động và thường gặp khó khăn trong việc giải quyết câu hỏi làm thế nào để giữ các tổ chức này.
Tháng 4/2015, sau khi tham dự một cuộc gặp mặt giữa các nhà tài trợ tự do, cố vấn chính sách cấp cao Ann O’Leary đã lưu ý "vài người bạn của chúng ta", bao gồm cả Liên đoàn Quốc tế Hỗ trợ Người lao động (SEIU), muốn bà Clinton ủng hộ một chiến dịch vận động tăng lương tối thiểu do tổ chức này khởi xướng.
"Liệu chúng ta có thể làm gì khác sáng tạo hơn để thu hút ủng hộ ngoài việc chỉ đưa ra những con số hay không?", bà Clinton hỏi.
Hai tháng sau, cựu ngoại trưởng Mỹ tới tham dự một hội nghị của công nhân ngành thức ăn nhanh và nhận được một tràng ủng hộ lớn khi cảm ơn những người này vì đã "xuống đường diễu hành đấu tranh cho một mức lương đủ sống".
Chủ tịch SEIU Mary Kay Henry lập tức gửi một tin nhắn tới Podesta với tiêu đề "Nó đã có hiệu quả!".
"Tôi nhìn quanh sân khấu và thấy hầu hết các lãnh đạo ngành thức ăn nhanh đều rơi lệ", bà Mary Kay Henry viết.
"Tuyệt vời", Abedin trả lời sau khi một nhân viên chuyển cho cô tin nhắn.
Mùa thu năm 2015, SEIU lên tiếng ủng hộ bà Clinton, quyên góp một triệu USD cho Priorities và đang chi hàng chục triệu USD vào nỗ lực thuyết phục cử tri tại các bang chiến trường bỏ phiếu cho Clinton.
Mặt khác, những người ủng hộ giàu có của bà Clinton cũng đưa ra các yêu cầu hay lời khuyên.
Theo email rò rỉ, một trong những người tương tác thường xuyên hơn cả là Saban, công dân Mỹ gốc Israel. Ông này nhiều lần đề xuất những ý tưởng để thu hút cử tri Latin và Do Thái.
Sau khi ông Trump hồi năm ngoái gọi người nhập cư Mexico là "những kẻ hiếp dâm", Saban đã thúc giục chiến dịch tranh cử của bà Clinton đáp trả mạnh mẽ hơn.
Ông gợi ý các phụ tá cho cựu ngoại trưởng Mỹ nên kêu gọi thượng nghị sĩ Bernie Sanders lên tiếng và mong muốn bà Clinton "làm rõ khác biệt trong định hướng về vấn đề Israel".
Saban cũng thêm rằng bà Clinton nên phát đi tiếng nói mạnh mẽ "chống chủ nghĩa bài Do Thái" hay "tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh Israel".
Khi bà Clinton nới rộng cách biệt về phiếu bầu của đại biểu cử tri so với ông Sanders trong vòng bầu cử sơ bộ ngày 15/3/2016 , Saban đã gửi cho Podesta, Mook và Abedin một tin nhắn đầy phấn khích.
"Cheryl và tôi đều thấy rất vui... nhẹ nhõm... Và mong chờ những thành công tiếp theo", ông viết. "Tiến về phía trước".
"Cảm ơn ngài vì đã biến nó thành hiện thực", Mook trả lời.
"Clinton là người khiến tất cả mọi thứ diễn ra cùng các bạn cũng như đội ngũ hỗ trợ luôn sát cánh", Saban viết. "Cảm ơn vì những lời tốt đẹp các bạn dành cho chúng tôi nhưng chúng tôi chỉ là những người bên ngoài mà thôi".
Xem thêm: Cỗ máy kích động thịnh nộ của Hillary Clinton
Vũ Hoàng