Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ nghi Mỹ đạo diễn đảo chính quân sự

Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ nghi Mỹ đạo diễn đảo chính quân sự
Giữa biển cờ Thổ Nhĩ Kỳ cùng tiếng huyên náo từ dàn loa phóng thanh, Nazmi Kaya cười rạng rỡ, nét mặt không giấu được tự hào.

Người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 5/8. Ảnh: AP.

Tài xế xe tải 51 tuổi đã đưa cả gia đình "trở lại đất mẹ" từ nhà của họ ở Frankfurt, Đức, để trải nghiệm những cảm xúc và sự hỗn độn sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo Washington Post

Họ đứng ở Quảng trường Taksim ở trung tâm thành phố Ankara, nơi diễn ra các cuộc cầu nguyện hàng đêm ăn mừng việc ngăn chặn thành công vụ đảo chính. Kaya ca ngợi những người biểu tình dũng cảm đương đầu với xe tăng của phe đảo chính là "chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới".

Kaya cũng cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ biết ai là "đạo diễn" của vụ đảo chính. "Chúng tôi tin người Mỹ đã có đầy đủ ý tưởng về những gì đã xảy ra. CIA sẽ được hưởng lợi từ vụ đảo chính". 

Sự chắc chắn của Kaya về việc Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính dường như cũng là xu hướng chung đang lan rộng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phe cánh hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan truyền thông ủng hộ chính quyền liên tục cáo buộc Mỹ có liên quan đến cuộc đảo chính hôm 15/7, với binh sĩ đảo chính đã giết hại dân thường, đánh bom cơ quan lập pháp trong nỗ lực bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.

Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Pennsylvania, Mỹ đã chỉ đạo những người tin theo ông này xâm nhập cơ quan công quyền, chờ đợi thời cơ để lật đổ chính phủ do dân bầu ra.

Tổng thống Erdogan giận dữ khi Gulen vẫn sống an toàn, đòi Mỹ dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết họ đang chờ đợi các bằng chứng cho thấy ông Gulen có liên quan đến cuộc đảo chính. Sự bế tắc giữa hai nước quanh vấn đề dẫn độ đang làm sâu sắc thêm khủng hoảng trong mối quan hệ giữa Washington và đồng minh quan trọng trong khối NATO.

"Tôi kêu gọi nước Mỹ: Chúng ta là đối tác chiến lược theo kiểu gì mà phía Mỹ vẫn cho phép một người tôi yêu cầu dẫn độ cư trú trên nước họ", Tổng thống Erdogan cho biết trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia hôm 3/8.

"Cuộc đảo chính này có các diễn viên ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng kịch bản của nó được viết từ bên ngoài. Thật đáng tiếc, phương Tây hỗ trợ cho khủng bố và đứng về những kẻ âm mưu đảo chính", ông Erdogan nói. 

Ngày 7/8, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức biểu tình quy mô lớn ở Istanbul, điểm nhấn trong phong trào biểu tình diễn ra hàng ngày ở nước này suốt 3 tuần qua, bất chấp các cuộc thanh trừng chưa từng có trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo hai đảng đối lập cũng tham gia biểu tình ủng hộ ông Erdogan. 

"Nếu phương Tây muốn loại bỏ Erdogan và bắt tay với các cemaat (những người theo phong trào Gulen), họ sẽ nhận được một Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại lợi ích của họ", nhà bình luận Levent Gultekin nói. 

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Washington tuần trước, Serdar Kilic, đặc phái viên của Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Mỹ chấp nhận việc Ankara có quyền nghi ngờ, bắt giữ và sa thải hàng nghìn người theo phong trào Gulen. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích mạnh mẽ các động thái của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính. Tổ chức quan sát nhân quyền thế giới lên án các cuộc đàn áp là "sự sỉ nhục với nền dân chủ". 

Dù vậy, đa phần người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin rằng Mỹ nợ họ một lời giải thích. Tướng Hulusi Akar, sĩ quan quân đội cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong đêm đảo chính, ông đã được các sĩ quan phe nổi dậy đưa điện thoại để nói chuyện với giáo sĩ Gulen.

Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng thắc mắc về việc các binh sĩ đảo chính xuất hiện ở căn cứ không quân Incirlik, nơi người Mỹ cũng hiện diện. Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ việc vì sao Mỹ và phương Tây mất nhiều giờ sau mới lên án cuộc đảo chính.

"Người Mỹ muốn có ai đó khác Erdogan để phù hợp với chính sách của họ", Ayse Eren Yusuf, 33 tuổi, người tham dự các cuộc cầu nguyện mỗi tối cùng chồng ở Quảng trường Taksim, nói.

Washington Post nhận định ông Erdogan dường như trở nên mạnh mẽ hơn sau cuộc đảo chính. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong ba tháng khiến Erdogan nắm được nhiều quyền hành hơn, đặt quân đội dưới sự chỉ huy của ông và giành được sự ủng hộ từ các đảng đối lập. 

Các nhà quan sát cho biết tài năng hùng biện của ông Erdogan đã được sử dụng như một công cụ chính trị. "Erdogan giống như một ảo thuật gia với những môn đệ của mình. Nếu ông bảo "bỏ nó xuống", họ sẽ làm theo lời ông", Burak Kadercan, học giả người Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, bình luận.

Sự phẫn nộ của người Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ánh tâm lý bất bình với các quan chức nước ngoài và báo giới, những người bị cho là không nhận thức đầy đủ những tổn thương do các sự kiện liên quan đến đảo chính gây ra.

"Tâm lý hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là hình ảnh phản chiếu cho suy nghĩ chống lại người Thổ của truyền thông phương Tây", Akin Unver, giáo sư tại Đại học Kadir Has ở Istanbul cho biết.  

Thanh trừng

Binh sĩ tham gia đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ bị giam giữ. Ảnh: Mirror.

Các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ đang cố gắng hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tháng này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph F. Dunford Jr. đã có cuộc gặp thân mật với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và các lãnh đạo dân sự tại Ankara.

Trong khoảng thời gian này, Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan nói chính quyền Ankara không tin rằng Washington đứng sau vụ đảo chính. 

Bên cạnh những cuộc gặp gỡ giữa Ankara và Washington, các vụ đàn áp vẫn diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 5/8, một biên bản ghi nhớ bị rò rỉ cho thấy đang có một cuộc thanh trừng những người theo giáo sĩ Gulen ở nội bộ đảng cầm quyền của ông Erdogan.

Selim Sazak, một chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ ở New York, Mỹ cho biết chính quyền ông Erdogan sẽ tìm mọi cách để xem ai là Gulenist (người theo giáo sĩ Gulen). "Có sự truy bắt điên cuồng ở đất nước này", Sazak nói. 

Trên Quảng trường Taksim, người ta có thể nhận thấy mức độ tương tự về các cuộc thanh trừng. 

"Đây là tất cả những gì chúng tôi có, lá cờ này là máu của chúng tôi", Murat Dost, 36 tuổi, người bán cờ phục vụ biểu tình, cho biết.

Một người bạn của ông đã bị lính đảo chính bắn chết trên cầu và ông muốn nhìn thấy "công lý được thực thi".

"Mỹ cần phải dẫn độ Gullen càng sớm càng tốt. Khi ông ta trở về đây, chúng tôi có thể treo cổ ông ta", Dost nói.

Xem thêm:  Hàng nghìn lính Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị hãm hiếp, bỏ đói sau đảo chính  

Văn Việt

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây