Nhật hoàng và đề xuất sửa đổi hiến pháp của thủ tướng
- Thứ ba - 16/08/2016 18:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhật hoàng Akihito và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một sự kiện ở Tokyo năm 2015. Ảnh: AP |
Tháng 8 luôn là khoảng thời gian có ý nghĩa lớn với Nhật Bản. Đây là tháng kỷ niệm vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, và thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II. Tháng 8 năm nay, người dân Nhật Bản chấn động khi Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, có bài phát biểu trên truyền hình tỏ ý muốn thoái vị vì sức khỏe yếu. Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, luật pháp nước này hiện không có quy định về việc thoái vị.
Theo NYTimes, động thái bất ngờ này đặt ra câu hỏi: "Tại sao Nhật hoàng lại bày tỏ mong muốn thoái vị vào lúc này?". Rõ ràng Nhật hoàng Akihito đang ngày càng lo ngại về tương lai của hệ thống hoàng tộc. Ông lên ngôi vua vào năm 1989, sau khi truyền thông dành sự quan tâm mạnh mẽ đến sức khỏe của cha ông trong vài tháng, và ông cho rằng trong suốt thời gian đó, "xã hội đi vào bế tắc". Ông kế vị ngai vàng khi đang để tang cha mình và theo ông, đó là "sự căng thẳng rất nặng nề". Bằng việc thoái vị, Nhật hoàng hy vọng rằng các hoàng đế trong tương lai sẽ không phải chịu áp lực đó.
Có thể Nhật hoàng Akihito cũng nhận ra rằng đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ cần phải cho phép phụ nữ nối ngôi vua, giống như thời thế kỷ thứ 6. Ông có thể muốn thúc đẩy mọi người nghiêm túc xem xét lại hệ thống hiện tại như một cách mở đường cho sự thay đổi này.
Trước khi Nhật hoàng Akihito phát biểu trên truyền hình vào tháng 8, đài quốc gia Nhật Bản NHK ngày 13/7 đã đưa tin rằng Nhật hoàng Akihito muốn thoái vị. Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) đánh bại phe đối lập trong cuộc bầu cử thượng viện. Với đảng liên minh là Komeito, LDP giành được hai phần ba số ghế trong quốc hội - mức cần thiết để đưa đề xuất sửa đổi hiến pháp ra trưng cầu dân ý.
Hiến pháp Nhật Bản hiện hành là văn bản có hiệu lực từ năm 1947, soạn khi Nhật còn được điều hành bởi lực lượng Mỹ sau Thế chiến II. Được biết đến với tên "bản hiến pháp hòa bình", văn bản này đã từ bỏ quyền phát động chiến tranh của Nhật và xác định Thiên hoàng là "biểu tượng của quốc gia, và cho sự hoà hợp của dân tộc", chỉ có vai trò trong các nghi thức chứ không giữ bất kì quyền lực chính trị nào. Bản hiến pháp này chưa trải qua bất kỳ lần chỉnh sửa nào kể từ khi được thông qua.
Theo Norihiro Kato, nhà phê bình văn học và giáo sư danh dự tại Đại học Waseda, Nhật Bản, công chúng không thể không suy đoán rằng mong muốn thoái vị của Nhật hoàng có liên quan đến quyết tâm viết lại hiến pháp của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe, đặc biệt là khi một trong những thay đổi được đề xuất sẽ xác định lại vai trò của Nhật hoàng, thay đổi từ một hình ảnh hoàn toàn mang tính biểu tượng trở lại làm nguyên thủ quốc gia, giống như Hiến pháp Meiji năm 1890. Hiện chưa thể suy đoán tác động thực tế của những thay đổi đó.
Một số chuyên gia cho rằng chính quyền Abe có thể đã bí mật gây áp lực cho NHK để đài đưa tin về mong muốn thoái vị của Nhật hoàng. Pháp luật hiện hành không cho phép vua thoái vị, vì vậy hiến pháp cũng không có quy định về vai trò của Nhật hoàng đã rời ngôi. Lời yêu cầu hàm ẩn của Nhật hoàng Akihito có lẽ chỉ có thể được giải quyết bằng cách sửa đổi hiến pháp, và điều đó có thể cung cấp cho chính quyền Abe cơ hội để thúc đẩy những sửa đổi khác.
Ông Kato thì cho rằng cách giải thích thuyết phục hơn là Nhật hoàng Akihito đã phật lòng bởi những nỗ lực thay đổi hiến pháp của chính quyền Abe, không chỉ chính trị hóa vai trò của Nhật hoàng mà còn bãi bỏ điều khoản hoà bình cấm Nhật Bản tham gia vào các cuộc chiến tranh. Điều đó khiến Nhật hoàng Akihito cố gắng làm chậm tiến độ của họ, có lẽ cho đến sau khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Abe năm 2018. Nói cách khác, Nhật hoàng Akihito có thể muốn làm dấy lên một vấn đề hiến pháp cấp bách hơn: Do tuổi tác và địa vị của ông, vấn đề thoái vị của ông phải được ưu tiên hàng đầu.
Không thể xác định cách giải thích nào là chính xác, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là kể từ khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi, ông đã nỗ lực thể hiện sự tôn trọng đối với hiến pháp và thể hiện rõ cam kết của mình đối với hòa bình và hợp tác quốc tế.
"Nếu ông thành công trong nỗ lực cho phép các hoàng đế Nhật Bản thoái vị - đảo lộn quan niệm lâu đời rằng hoàng đế là thiêng liêng và bất khả xâm phạm - ông sẽ chứng minh được rằng các hoàng đế ngày nay giống như mọi công dân khác, họ tuân thủ theo luật pháp và những lý tưởng dân chủ của trật tự thời hậu chiến", Kato viết.
Xem thêm: Liệu Nhật có để Thiên hoàng thoái vị
Cuộc sống không cổ tích của Thái tử phi Nhật Bản
Phương Vũ