Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Nhật -Trung đối đầu: Điều đáng lo ngại nhất của châu Á

Nhật -Trung đối đầu: Điều đáng lo ngại nhất của châu Á
Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ, hay Trung Quốc tiếp tục hung hăng trên Biển Đông, tất cả đều là những điều đáng lo ngại với châu Á. Tuy nhiên, nếu căng thẳng đối đầu dai dẳng nhất có lẽ là quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Đây cũng có thể coi là vấn đề đáng lo ngại nhất của châu Á trong tương lai.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP)

Những vấn đề của lịch sử

Mặc dù đây rõ ràng là một vấn đề vô cùng phức tạp, nhưng có thể tóm gọn lại trong một câu hỏi đơn giản hơn rằng: Nếu họ (Nhật Bản và Trung Quốc) không thể chung sống hòa bình trong suốt nghìn năm qua, thì liệu một Trung Quốc mạnh, một Nhật Bản mạnh có thể cùng tồn tại mà không xảy ra xung đột trong thế kỷ 21 này không? Nếu làm được điều này, họ sẽ phải đi ngược lại những gì đã diễn ra trong quá khứ.

Học giả Mỹ June Teufel Dreyer trong cuốn “Middle Kingdom and Empire of the Rising Sun” đã mô tả lại cuộc chiến tranh giành ngôi thống trị ở khu vực giữa Trung Quốc và Nhật Bản 1.500 năm trước. Tuy nhiên, các cuộc xung đột thực sự xảy ra khi Nhật Bản trải qua giai đoạn hiện đại hóa, trỗi dậy ấn tượng vào cuối thế kỷ 19. Chiến thắng của Nhật Bản trước quân Thanh của Trung Quốc năm 1895 và với Nga vào năm 1905 đã mở đầu cho chủ nghĩa dân tộc vốn bao trọn toàn bộ khu vực châu Á trong Thế chiến II.

Tầm nhìn dài hạn của lịch sử cho thấy xu thế rõ ràng: có những xung đột nhỏ sau một giai đoạn quan hệ nồng ấm trước khi xảy ra những vấn đề căng thẳng. Đã có những lúc quan hệ hai nước khá tốt đẹp như giai đoạn những năm 1970 rồi 1980, cũng như một giai đoạn ngắn trong những năm 1990 và giữa những năm 2000. Tuy nhiên, những thăng trầm trong quan hệ thời gian qua được coi là một giai đoạn kéo dài, gần như tiếp diễn trong suốt thập niên qua. Những thăng trầm này được liên kết bởi một chuỗi logic nội bộ, đó là bằng chứng cho thấy sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Lần đầu tiên sự đối đầu giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là những quốc gia hiện đại, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ xuất hiện từ việc hai nước không thể xây dựng mối quan hệ cân bằng, ổn định và dài hạn với nhau nên căng thẳng từ đó cũng leo thang.

Chúng ta đều biết rằng một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc vẫn cảm thấy “khó chịu” chính là vấn đề lịch sử. Bắc Kinh không cảm thấy hài lòng trước thái độ của Tokyo về những vấn đề liên quan tới Thế Chiến II. Còn với Nhật Bản, nơi hầu hết người dân hiện nay sinh ra sau những sự kiện thảm khốc cách đây gần 80 năm, tham vọng mở rộng hiện diện của Trung Quốc rõ ràng đang mang tới cảm giác không hài lòng.

Cạnh tranh ở thời bình

Tư tưởng đối đầu với Trung Quốc thể hiện rõ hơn gần đây, và bắt nguồn từ cách mà các cựu thủ tướng Nhật Bản khoảng những năm 1970 về trước và đến những năm 1980 đưa ra quyết định chiến lược để hợp tác với Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa nhưng không được đối đáp như kỳ vọng. Trong tác phẩm của mình, học giả Dreyer đã nhấn mạnh rằng 70% hoạt động viện trợ của Nhật Bản có điểm đến là Trung Quốc trong những năm 1980. Tuy nhiên, quan hệ song phương không chỉ dừng lại ở viện trợ vốn mà Nhật Bản còn là đối tác chính về kiến thức và công nghệ của Trung Quốc. Cuộc cải cách và mở cửa của Bắc Kinh được đánh giá là sẽ khó có thể nhanh và đa dạng như vậy nếu không có sự hỗ trợ của Tokyo.

Tại Nhật Bản, nhiều ý kiến cho rằng “canh bạc” hợp tác Trung Quốc trong quá khứ giống như một sai lầm. Quốc gia láng giềng của Nhật Bản không thay đổi hệ thống chính trị, cũng như có các động thái hướng tới hoặc thân thiện hơn với Tokyo. Ngược lại, có những quan điểm ở Trung Quốc coi Nhật Bản là đối thủ lớn nhất tại châu Á. Và điều đáng lo ngại hơn cả là giờ Trung Quốc đang phát triển những tài sản quân sự hải quân vốn có thể nhắm trực tiếp tới những lợi ích của Nhật Bản.

Nhà sử học cổ đại Hy Lạp Thucydides từ lâu đã chỉ ra rằng cái giá của hòa bình là sự chuẩn bị liên tục cho chiến tranh. Viễn cảnh Trung Quốc và Nhật Bản có thể duy trì quan hệ trong dài hạn và không bao giờ xung đột với nhau đi ngược lạ với hàng nghìn năm lịch sử, thời điểm liên tục diễn ra các cuộc đụng độ và giao chiến giữa hai nước, vốn ảnh hưởng tới cả khu vực.

Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực không mang tới những bảo đảm rằng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không có va chạm. Như trong tác phẩm của học giả Dreyer, lịch sử mối quan hệ Nhật - Trung đã cho thấy đây là mối quan hệ trắc trở và không suôn sẻ. Tạo ra một cơ chế hợp tác ổn định là cách tốt để để hai nước có thể xử lý những vấn đề mà không phải động tới “súng đạn”. Tuy nhiên, quá trình thương lượng để thiết lập một cơ chế như vậy được coi là thách thức lớn nhất và cũng là ngọn nguồn có thể gây ra tình trạng mất ổn định nhất trong khu vực.

Minh Phương - Ngọc Anh

Theo Diplomat

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây