Nhà Trắng sẽ dát vàng đón tân Tổng thống Donald Trump
- Thứ sáu - 11/11/2016 14:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với chiến thắng ngoạn mục (306 phiếu đại cử tri) trong bầu cử sơ bộ ngày 9/11, ông Donald Trump chính thức là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Tòa Bạch ốc sẽ thay đổi thế nào dưới thời vị tỷ phú bất động sản, vốn đang sống trong căn hộ dát vàng tại Tháp Trump ở trung tâm New York.
Tân Tổng thống Donald Trump có khả năng dát vàng Nhà Trắng. Ảnh minh họa
Nhà Trắng sẽ được dát vàng?
Lệ thường, người đắc cử Tổng thống sẽ chuyển về Nhà Trắng tại số 1600 Đại lộ Pennsylvania, Thủ đô Washington D.C. để sống và làm việc trong suốt bốn năm nhiệm kỳ. Nhưng từ khi bắt đầu cuộc tranh cử (tháng 2/2016) có nhiều thông tin đồn đoán ông Donald Trump vốn là một tỷ phú bất động sản, sẽ không chuyển về Nhà Trắng.
Tờ Adobo Chronicles và New York Times dẫn lời vị tỷ phú tuyên bố: “Nếu được bầu làm Tổng thống, tôi sẽ không sống trong Nhà Trắng”. Thay vào đó, gia đình tỷ phú sẽ xây riêng Nhà Trắng của mình tại Washington, D.C, qua đó đưa khái niệm Nhà Trắng - Tổng thống xích gần với người dân hơn, ông Trump cho biết. Tuy nhiên, hồi tháng 6, ông khẳng định lại trên tờ The Hill: “Tôi sẽ sống trong Nhà Trắng vì đó là việc phù hợp nên làm”.
Gia đình Đệ nhất sẽ dọn về Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017, trong thời gian diễn ra lễ nhậm chức. Từ năm 2015, khi cuộc bầu cử Tổng thống 2016 còn cách cả năm, Nhà Trắng đã lên kế hoạch đón gia đình Tổng thống mới. Toàn bộ đồ đạc, thiết kế phòng cho Tổng thống mới phải được hoàn tất từ trước.
Văn phòng Tổng quản Nhà Trắng đề xuất kế hoạch cơ bản cho các thành viên gia đình Đệ nhất và tham vấn loại đồ đạc muốn giữ hoặc thay đổi. Gia đình Tổng thống Trump cũng làm việc với Phòng quản lý Nhà Trắng để lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật họ muốn trưng bày. Tân Tổng thống Donald Trump có thể tùy chọn thay thế hoặc bổ sung nội thất mới từ bộ sưu tập nội thất của Nhà Trắng. Thông thường, mỗi Tổng thống sẽ được Quốc hội phân bổ ngân sách khoảng 100 nghìn USD (hơn 2,2 tỷ VNĐ) để tân trang Nhà Trắng còn nếu muốn ông Trump có thể thoải mái bỏ tiền túi để sửa đổi.
Một lần trả lời phỏng vấn People, ông Trump cho biết: “Nếu là Tổng thống, tôi sẽ tân trang nơi đây lên một chút; nhưng Nhà Trắng là nơi đặc biệt nên chắc chắn mọi người không thích bị động chạm quá nhiều”. Dựa trên sở thích yêu vàng của Tổng thống, một số nhà thiết kế cho rằng, có lẽ ông Trump không ngại ngần dát vàng Nhà Trắng, lát đá cẩm thạch hay đưa bể phun nước vào bên trong như căn nhà trị giá 100 triệu USD đang ở hiện nay.
Song, Tổng thống chỉ có thể thay đổi nội thất bên trong cho phù hợp với sở thích, còn cấu trúc tổng thể, màu sơn trắng vốn làm nên biểu tượng của dinh Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ không thay đổi. “Là một di tích Di sản Quốc gia, dấu mốc lịch sử Quốc gia nên chắc chắn Nhà Trắng sẽ không bị thay đổi quá nhiều”, Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng (White House Historical Association - WHHA) khẳng định.
Lột xác Nhà Trắng trong 5 giờ
Bà Kate Andersen Brower, tác giả cuốn Bên trong thế giới riêng tư của Nhà Trắng cho biết: “Trong ngày diễn ra lễ nhậm chức, các nhân viên chỉ có 5 giờ để dọn đồ của gia đình ông Obama và sắp đồ của gia đình Trump. Một chiếc xe tải đầy ắp đồ đạc được chuyển tới khu vực South Lawn của Nhà Trắng.
Sau đó, các nhân viên Nhà Trắng được huy động toàn lực để chuyển và sắp xếp đồ, bởi vì lý do an ninh, các nhân viên tại đây phải tự làm tất cả”, bà Browner kể. Theo bà, có khoảng 100 nhân viên được huy động để vận chuyển đồ đạc với tốc độ tối đa và phân chia rõ công việc: Nhân viên bếp vận chuyển nội thất; người giúp việc sắp xếp tủ quần áo... Phó trợ lý Tổng thống Bush Brad Blakeman so sánh công việc chuyển giao Nhà Trắng tương tự như hoạt động quân sự vì toàn bộ lực lượng phải chạy đua với thời gian. Chỉ trong vài giờ, Nhà Trắng phải lột xác hoàn toàn, sẵn sàng đón Tổng thống mới cùng gia đình.
Chặng đường mới với nhân viên Nhà Trắng
Nhà Trắng sẽ không chỉ thay đổi về nội thất mà còn trải qua cuộc biến đổi lớn về nhân sự. Khi vận động tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ sa thải toàn bộ nhân viên của ông Obama và không ít nhân viên Nhà Trắng từng lo sợ việc ông Trump đắc cử sẽ trở thành “ác mộng”.
Ngôi nhà Tổng thống Barack Obama cùng gia đình
Với quy mô 132 phòng, chia thành 6 tầng, 8 cầu thang và 3 thang máy cần tới 96 nhân viên chính thức, làm toàn thời gian, sống tại tòa Bạch ốc và 250 nhân viên bán thời gian. Các nhân viên này thuộc sự quản lý của Quốc hội. Tổng thống có thể thay đổi bốn năm/lần nhưng khoảng 100 nhân viên chính thức làm việc tại đây hàng chục năm.
Sau khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng gia đình thuê một ngôi nhà trị giá 6,3 triệu USD tại khu vực Kalorama, Thủ đô Washington D.C. Ngôi nhà rộng 760m2, từng thuộc sở hữu của ông Joe Lockhart, cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời ông Bill Clinton thời kỳ 1998 - 2000. Căn nhà có 9 phòng ngủ, 8 phòng tắm được xây từ những năm 1928. |
Mỗi lần chuyển tiếp chính trị là một lần khó khăn với họ. Sau bốn năm phục vụ, giữa các nhân viên và gia đình Đệ nhất đều trở nên gắn bó, tình cảm. Sự ra đi của họ sẽ khiến không ít nhân viên phải rơi nước mắt. Minh chứng gần nhất là không khí đượm buồn và đẫm lệ ngày 9/11 khi Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu đầu tiên tại Vườn Hồng trước các nhân viên Nhà Trắng sau khi ông Trump đắc cử. Không ít nhân viên tiếc nuối, không nỡ rời xa vị Tổng thống ân cần, ấm áp.
Ông Obama động viên: “Không có gì phải bí mật, giữa tôi và tân Tổng thống có rất nhiều khác biệt đáng kể. Nhưng hãy nhớ rằng, 8 năm trước, giữa Tổng thống Bush và tôi cũng tồn tại rất nhiều điểm khác nhau... nhưng chúng ta đã thực hiện cuộc chuyển đổi êm thấm. Một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình chính là một trong những điểm nhấn trong nền dân chủ. Và vài tháng tới, chúng ta sẽ cho thế giới thấy điều đó”.
Khi gia đình Tổng thống Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, các nhân viên tại đây không chỉ phải làm quen với những con người mới, tính cách và sở thích mới mà còn là những người chưa từng trải chính trị. Một nhân viên Nhà Trắng thừa nhận với nhà văn Brower trong cuốn Bên trong Thế giới riêng tư của Nhà Trắng rằng: Có những người rất vui lòng được phục vụ gia đình Đệ nhất nhưng có những người buộc phải tỏ ra bề ngoài như vậy và “chúng tôi giả bộ rất khéo”.