Người dân Alaska thờ ơ trước tên lửa xuyên lục địa Triều Tiên
- Thứ bảy - 08/07/2017 12:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Triều Tiên ngày 4/7 phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 có khả năng vươn tới bang Alaska của Mỹ. Trong khi tin tức này làm dấy lên lo ngại giữa các lãnh đạo thế giới, nhiều người dân ở Alaska lại đón nhận nó bằng cái nhún vai thờ ơ hơn là lo lắng, theo NPR.
Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự hoảng loạn tại bang thứ 49 của Mỹ. Sở chỉ huy Alaska tại căn cứ Elmendorf-Richardson không nhận được bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này từ công chúng, phát ngôn viên không quân Anastasia Schimdt nói. Renee Oistadt, người phụ trách truyền thông thuộc Sở Cảnh sát Anchorage, cũng nói như vậy.
"Lý do người Alaska phản ứng như vậy là vì không có sự thay đổi đáng kể về mức độ đe doạ", Ethan Berkowitz, thị trưởng thành phố Anchorage ở Alaska, cho biết. Anchorage có thể là mục tiêu chính của một cuộc tấn công tên lửa thù địch nhắm vào Alaska.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng quân đội sẽ bảo vệ được mình và đảm bảo rằng cho dù điều gì xảy ra ở Alaska, chúng tôi cũng có thể tự lo được", Berkowitz nói. Ông cho biết vụ phóng thử ICBM thành công của Triều Tiên không thực sự thay đổi kế hoạch ứng phó khẩn cấp của thành phố.
Thống đốc bang Alaska Bill Walker cũng có quan điểm tương tự, nói thêm rằng vụ thử "nhấn mạnh lý do cần gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Alaska".
Trong khi một số quan chức khá bình tĩnh, nghị sĩ Don Young đang thúc đẩy đạo luật cho phép đặt thêm 28 tổ hợp tên lửa đánh chặn ở đông nam Fairbanks của bang Alaska. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói rằng việc Triều Tiên thử tên lửa là "vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng" và cảnh báo người Mỹ không nên coi thường.
Tên lửa Hwasong-14 có thể vươn tới bang Alaska của Mỹ. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. |
Cư dân tại Fairbanks, Henry Cole, nói rằng động thái mới này của Triều Tiên rất đáng chú ý. "Tôi tức giận vì giờ tôi nằm trong tầm bắn tên lửa của họ", Cole nói.
Cole cho rằng trong trường hợp đối đầu vũ trang, khu vực Fairbanks có thể là mục tiêu dễ bị tấn công. Đây là một trung tâm đông dân với đường ống dẫn dầu xuyên Đại Tây Dương chạy qua và hai căn cứ quân sự có tầm quan trọng chiến lược. Cách Fairbanks 160 km là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo tại Fort Greely gần Delta Junction.
Nhưng Cole không lo lắng. Ông không nghĩ rằng chính quyền Triều Tiên sẽ tấn công. Tuy nhiên, ông bực bội vì cho rằng Washington đã bỏ lỡ nhiều cơ hội can thiệp ngoại giao để kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
"Điều đó làm tôi bực mình", Cole nói. "Chúng ta đã có những cơ hội để làm việc trực tiếp hoặc phối hợp với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng chúng ta không làm được. Bây giờ Triều Tiên đang ngồi đó với cây gậy đủ lớn để thọc vào chúng ta".
"Tôi ngạc nhiên khi họ có thể chế tạo được tên lửa thực sự bắn được", bác sĩ Robert Church nói. "Tôi lo ngại về mối đe dọa này, nhưng tôi không có nhiều niềm tin rằng các nhà khoa học Triều Tiên thực sự chế tạo được tên lửa có thể vươn tới Alaska".