Nghi ngờ về việc Triều Tiên tuyên truyền vụ phóng ICBM
- Thứ ba - 18/07/2017 11:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mô tả vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 bằng những mỹ từ "thắng lợi rực rỡ", "thành công vĩ đại" và đe dọa gửi thêm "những món quà" tương tự đến Mỹ. Cây bút Foster Klug của AP đã mổ xẻ hàm ý đằng sau những từ ngữ tuyên truyền của Triều Tiên.
'Gói quà'
Trong bản tin loan báo về vụ phóng tên lửa Hwasong-14, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết: "Lãnh đạo tối cao đáng kính Kim Jong-un với nụ cười rạng rỡ kêu gọi các nhà khoa học thường xuyên gửi những gói quá lớn và nhỏ đến người Mỹ để họ không cảm thấy sốt ruột".
Với những lời lẽ đe dọa này, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng chắc chắn muốn chứng tỏ thái độ thách thức vì các vụ thử như vậy bị cấm theo các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, nhưng lời đe dọa trên cũng tiết lộ điểm yếu của Bình Nhưỡng: họ còn phải mất rất nhiều thời gian, gửi rất nhiều "món quà" thì mới đạt được đến mục đích.
Nước này cần thực hiện thêm nhiều vụ thử để chế tạo được một ICBM có thể vươn đến Bắc Mỹ, chứ chưa nói đến một kho vũ khí ICBM. Tương tự, Triều Tiên cũng phải tiến hành thêm nhiều vụ thử hạt nhân trước khi sở hữu những đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa ICBM.
Một số nhà phân tích tin rằng Triều Tiên có thể đã lắp được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cho các tên lửa tầm ngắn. Nhưng có nhiều nghi ngờ về việc liệu Bình Nhưỡng có thể chế tạo được đầu đạn hạt nhân có thể lắp cho tên lửa tầm xa hay không. Mỗi vụ thử mới giúp Triều Tiên tiến gần hơn đến mục tiêu này nhưng nó cũng cho thấy rằng nước này vẫn chưa đi đến đích.
'Thắng lợi rực rỡ'
KCNA dẫn lời Kim Jong-un nói rằng vụ phóng tên lửa Hwasong-14 có thể mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn đánh dấu một "thắng lợi rực rỡ" và "thành công vĩ đại".
Kim khen ngợi các nhà khoa học vì đã đạt được "thành công chấn động trong chỉ một lần phóng thử tên lửa Hwasong-14 có khả năng vươn đến lục địa Mỹ". "Các hệ thống dẫn đường, ổn định, cấu trúc và các giai đoạn bay chủ động của Hwasong-14 đều được xác nhận tính hiệu quả".
Triều Tiên thực sự đã thành công ở khía cạnh bắn tên lửa ICBM bay võng lên cao theo hình vòng cung rồi lao xuống biển Nhật Bản. Washington, Seoul và Tokyo đều xác nhận đây là thành quả xuất sắc của Triều Tiên.
Nếu không bị ngăn chặn, Triều Tiên có thể sẽ chế tạo thành công một ICBM hiệu quả trong vòng vài năm tới. Song có nhiều lý do lớn để nghi ngờ tuyên bố của Triều Tiên nói rằng vụ phóng thử tên lửa thành công trọn vẹn chỉ trong một lần phóng thử.
Các nghi ngờ này bao gồm: Liệu Triều Tiên đã làm chủ công nghệ đối với phương tiện đưa đầu đạn hạn nhân trở lại tầng khí quyển hay chưa? Liệu Triều Tiên có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào một tên lửa tầm xa hay chưa?
Sau khi ICBM lên quỹ đạo, tên lửa phải trải qua giai đoạn "tái xâm nhập khí quyển", trong đó đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn.
"Triều Tiên không có bất cứ phương tiện nào để kiểm tra việc tên lửa có thể tái xâm nhập khí quyển. Tình báo Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên vẫn chưa sở hữu công nghệ này", nghị sĩ Hàn Quốc Yi Wan-young, thành viên Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc, nói.
'Giai đoạn cuối cùng'
Theo KCNA, Kim Jong-un "nhấn mạnh rằng cuộc đối đầu kéo dài với Mỹ đã tiến đến giai đoạn cuối cùng và đã đến lúc Triều Tiên thể hiện khí phách trước Mỹ".
Câu nói này giống như một lời đe dọa và Triều Tiên đã chứng tỏ thái độ thách thức trong nhiều năm khi liên tục phớt lờ các cảnh báo của Mỹ yêu cầu Triều Tiên không được tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng cũng như liên tục đe dọa biến Mỹ thành tro bụi.
Lời tuyên truyền trên giúp củng cố hình ảnh của Kim Jong-un ở trong nước như là một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới. Nó cũng gieo rắc nỗi sợ ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Foster Klug nhận xét rằng cụm từ "giai đoạn cuối cùng" phần nào phản ánh sự thật. Nếu mục tiêu tột cùng của Triều Tiên là chế tạo thành công một ICBM có gắn đầu đạn hạt nhân thì vụ phóng thử suôn sẻ tên lửa Hwasong-14 đúng là có thể đánh dấu "giai đoạn cuối cùng" của mục tiêu này.
Điều không chắc chắn là liệu giai đoạn cuối này sẽ kết thúc trong bạo lực, hay một dạng đóng băng chương trình hạt nhân nào đó đạt được thông qua đàm phán, hay đơn giản là tình trạng bế tắc này kéo dài thêm nhiều năm nữa và Triều Tiên sẽ đạt được tiến bộ trong phát triển vũ khí, Klug bình luận.
Hồng Vân