Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể nắm chặt tay nhau sau vụ ám sát đại sứ
- Thứ ba - 20/12/2016 12:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov . Ảnh: Sputnik
Vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov xảy ra hôm qua ở Ankara được nhiều người dự đoán sẽ là mồi lửa mới thổi bùng lên căng thẳng khu vực. Tuy nhiên, trái với nhận định của số đông, ngay sau vụ việc, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức lên tiếng trấn an dư luận, khẳng định mối quan hệ giữa Moscow và Ankara chắc chắn không bị ảnh hưởng. Giới phân tích đánh giá Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin có lẽ sẽ tìm được động cơ cũng như tiếng nói chung để xích lại gần nhau, cùng hợp sức đối phó với các mối nguy tiềm ẩn, theo Business Insider.
"Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ nhìn nhận vụ ám sát như lý do giải thích cho câu hỏi vì sao họ nên hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố", chuyên gia Ian Bremmer, chủ tịch công ty phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận xét.
"Ông Erdogan chắc chắn sẽ thể hiện sự tiếc nuối sâu sắc trước người Nga, đồng thời thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện môi trường an ninh nội địa", Bremmer nói. "Điều đó hàm ý rằng Ankara sẽ tăng cường tiến hành các chiến dịch trấn áp trong nước chứ không chủ đích tung một đòn giáng bất ngờ vào Moscow".
Sau cái chết của đại sứ Karlov, giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đồng loạt đưa ra những thông báo nhấn mạnh Moscow và Ankara quyết tâm không để sự cố này làm phương hại đến mối quan hệ song phương đang ấm dần lên.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố Ankara không cho phép mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi chỉ vì vụ ám sát đại sứ. Tổng thống Erdogan trong khi đó gọi cuộc tấn công là một "hành vi khiêu khích" nhằm cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Ông cam kết sẽ phối hợp cùng các đối tác Nga điều tra vụ ám sát, đồng thời nhắc lại rằng "sự hợp tác chặt chẽ" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Aleppo, Syria, đang "giúp cứu sống vô số mạng người".
"Tôi muốn gửi thông điệp tới những kẻ muốn phá vỡ mối quan hệ này", ông Erdogan nói. "Tham vọng của các người không thể thành hiện thực".
Về phía Nga, Tổng thống Putin cũn gọi vụ ám sát là một nỗ lực nhằm "phá hoại" mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, gây ảnh hưởng tới những cố gắng của Nga trong việc hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để cùng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Điện Kremlin thông báo phiên thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về vấn đề Syria vẫn sẽ diễn ra tại Moscow theo kế hoạch vào ngày 20/12.
"Ankara và Moscow dường như sẽ tìm mọi cách để tránh tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ vụ ám sát đại sứ Karlov", ông Boris Zilberman, chuyên gia về Nga tại Washington, nhận định. "Tuy nhiên, Nga nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh các động thái quân sự ở Syria nhằm trả đũa những thế lực có mối liên hệ tới vụ ám sát".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp mặt tại St. Petersburg, Nga, hồi tháng 8. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, giới quan sát dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chuẩn bị các bước để đổ lỗi cho phong trào đối lập Gulen gây ra vụ ám sát. Phong trào Gulen do giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Fetullah Gulen, hiện sống lưu vong ở Mỹ, lãnh đạo. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính ông Gulen là người "đặt hàng" cuộc đảo chính tại nước này hồi giữa tháng 7.
Thị trưởng Ankara trong một bài viết đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngay sau vụ ám sát đã ngụ ý kẻ tấn công là một thành viên thuộc phong trào Gulen và hắn nhắc tới Aleppo chỉ nhằm mục tiêu đánh lạc hướng. Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói với Reuters rằng Ankara sẽ điều tra mối liên hệ giữa kẻ nã súng và mạng lưới Gulen.
Mối quan hệ Moscow - Ankara rơi vào băng giá kể từ sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái bắn rơi chiến đấu cơ Nga gần biên giới Syria, nhưng đang dần nồng ấm lên. Dù ủng hộ hai phe khác nhau trong cuộc nội chiến Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước vẫn thống nhất được thỏa thuận giúp dẫn tới một lệnh ngừng bắn cũng như mở ra các tuyến đường di tản dân thường khỏi khu vực bị phiến quân chiếm đóng ở đông Aleppo.
"Nga sẽ không phản ứng thái quá", Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, viết trên Twitter. "Ở Syria, Moscow gần như đã có mọi thứ từ Ankara".
Michael Koplow, nhà phân tích về Trung Đông tại Diễn đàn Chính sách Israel, cho rằng vụ ám sát đại sứ Karlov "sẽ mang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau".
"Không bên nào có động cơ để phải làm căng thẳng sự việc", Koplow nói. "Tôi dự đoán vụ việc lần này sẽ dẫn tới một bước tiến trong nỗ lực chống khủng bố và hợp tác ở Syria" giữa Moscow và Ankara.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi đây như cơ hội thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Nga", Koplow cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm, Dmitry Gorenburg, chuyên gia phân tích quân sự Nga tại Trung tâm Davis về Nghiên cứu Nga và Á - Âu thuộc Đại học Harvard, đánh giá mọi chuyện trong tương lai phụ thuộc rất lớn vào việc "Nga chọn phản ứng như thế nào" trước vụ ám sát đại sứ. "Suy đoán ban đầu của tôi là hai quốc gia sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực chống khủng bố", ông Gorenburg nói. "Chúng ta sẽ được nhìn thấy sớm thôi".
Khoảnh khắc đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát