Mỹ sốc: "Con đẻ" phản chiến, "con nuôi" chống đối ở Syria
- Thứ hai - 03/10/2016 18:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Binh lính Mỹ dấy lên phong trào phản chiến ở Syria
Vừa qua, nhiều binh sĩ Mỹ đã tán phát các bức ảnh và video trên mạng Internet, với yêu cầu Tổng thống Barack Obama phải ngừng ngay việc dùng họ làm “bia” để bảo vệ các tổ chức khủng bố trong cuộc chiến tranh không có mục đích rõ ràng ở Syria.
Trên mạng Internet vừa qua đã lan truyền một video clip với tiêu đề “Lính Mỹ nói ‘không’ với cuộc chiến ở Syria”, kèm theo lời kêu gọi các cư dân mạng hãy hỗ trợ và phát tán video này để những thông điệp của binh lính Mỹ có thể đến được với nhiều người nhất.
“Hãy đừng đổ máu thêm ở Iraq! Hãy đừng đổ máu thêm nữa ở Syria! Đừng hy sinh tính mạng của quân nhân Mỹ ở Syria! Obama hãy dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria..."
Binh sĩ Mỹ cũng muốn chính phủ của họ không tiến hành những cuộc can dự vào các nước khác và kêu gọi đồng đội phản chiến: “Chúng ta nên tránh xa Syria, và sống như những người Mỹ chân chính!” – đó là lời yêu cầu của những người tổ chức cuộc “biểu tình trên Internet”.
Trên mạng cũng đã tập hợp được rất nhiều thông điệp của những người lính bình thường gửi cho các chỉ huy của họ.
"Tôi gia nhập Hải quân Hoa Kỳ không phải để chiến đấu cho Al Qaeda trong cuộc nội chiến ở Syria" hay "Tôi làm một người lính để bảo vệ gia đình mình khỏi những kẻ khủng bố, chứ không phải để trở thành một tên khủng bố"; hoặc "Obama, tôi sẽ không chiến đấu cho những kẻ khủng bố... ở Syria. Hãy thức tỉnh, hỡi mọi người!".
Theo các chuyên gia, binh lính Mỹ bắt đầu nhận ra rằng thay vì chiến đấu với các tổ chức khủng bố IS, al-Qaeda ở Syria thì giới chức lãnh đạo Mỹ lại nuôi dưỡng các nhóm khủng bố và hỗ trợ các nhóm “đối lập ôn hòa” (Moderate Rebels) để lật đổ chính quyền Syria.
Làn sóng phản chiến bắt đầu dấy lên vào năm 2013. Lúc đó, người Mỹ đã bày tỏ sự phản đối chính sách của chính phủ, hậu thuẫn cho bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay al-Qaeda (al-Nusra) và các tổ chức đối lập như Quân đội Syria Tự do (FSA) trong cuộc chiến ở Syria.
Từ đó, binh lính Mỹ bắt đầu tung lên mạng những bức ảnh và video có nội dung phản chiến, chứa đựng những thông điệp đầy giận dữ, để cho thế giới thấy chính sách... mà chính phủ của họ đang theo đuổi, đồng thời vận động những binh lính khác tham gia phong trào phản chiến.
Giới truyền thông Mỹ nhận định rằng, sĩ quan và binh lính Mỹ bắt đầu nhận ra những tiêu chuẩn kép của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông nói chung và Syria, Iraq nói riêng và không muốn trở thành "đồng lõa của khủng bố".
Dù vậy, các quan chức quân sự và chuyên gia Mỹ cho rằng, đây chỉ là đòn “chiến tranh tâm lý”, với những hình ảnh và bằng chứng “giả mạo” của một “kẻ thù nào đó” của Hoa Kỳ, nhằm làm lung lạc tinh thần của binh lính nước này, nhằm đạt được mục đích ở Syria.
Tuy nhiên, không chỉ có những người lính Mỹ chán cuộc chiến mà họ có thể phải “đâm đầu vào” ở Syria mà ngay cả những phần tử đối lập cực đoan vốn do CIA và Lầu Năm Góc hậu thuẫn cũng bày tỏ thái độ chán ghét cái “tiêu chuẩn kép” kiểu Mỹ.
Đây là điều khiến giới chức lãnh đạo Mỹ không thể chối cãi được rằng, cái tiêu chuẩn kép của Mỹ đang khiến rất nhiều bên chán ghét.
FSA đuổi lính đặc nhiệm Mỹ khỏi al-Rai/Aleppo
Hồi giữa tháng 9 vừa qua, lính đặc nhiệm Mỹ đã bị các tay súng cực đoan của nhóm đối lập ôn hòa Quân đội Syria Tự do (FSA) đuổi khỏi một thị trấn ở phía bắc tỉnh Aleppo và dọa sẽ giết hết lính Mỹ. Đoạn clip về sự việc này được tung lên mạng đã gây sốc cho nhiều người Mỹ.
Những trang truyền thông trên mạng xã hội ủng hộ lực lượng nổi dậy ngày 17/9 vừa qua cho biết, các tay súng của FSA, hoạt động ở miền Bắc Syria trong chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd và IS, đã đuổi và đe dọa sẽ giết hết lính Mỹ.
Đoạn clip cho biết, có khoảng gần 30 thành viên lực lượng đặc biệt Mỹ, trong đó có 4 cố vấn cao cấp tiến vào thị trấn al-Rai, ở phía Bắc Aleppo, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và định đóng quân tại đó. Tuy nhiên, họ đã vấp phải phản ứng dữ dội của binh lính FSA.
Đám đông các tay súng FSA đã đổ ra đường ngăn chặn xe của binh lính Mỹ. Một chiến binh đeo mặt nạ đen đã hiệu triệu đám đông, thề sẽ giết những người Mỹ và bất cứ ai chiến đấu cùng với lính Mỹ...
Những ngôn từ phát ra từ đoạn video nghe rõ những cụm từ mắng nhiếc, sỉ vả quân Mỹ như “biến đi", “chúng đến Syria để chiếm lấy đất nước này”... Còn có một người đàn ông hét lên: “Chúng ta là đạo Hồi chứ không phải những kẻ vô đạo. Biến đi”.
Trước tình hình đó, lực lượng binh sĩ đặc nhiệm Mỹ buộc phải rút lui khỏi thị trấn al-Rai.
Video công bố trên mạng xã hội ghi lại thời điểm các xe bán tải gắn súng máy hạng nặng chở binh lính Mỹ và xe tăng Abram cơ động ra khỏi thị trấn, trong khi các chiến binh FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hô vang những khẩu hiệu chống Mỹ bằng tiếng Ả Rập.
Sau đó, nhóm phiên quân Ahrar al-Sharqiya, thuộc liên minh FSA đã giải thích rằng, họ rất tức giận “tiêu chuẩn kép” của Mỹ khi Lầu Năm Góc vừa hậu thuẫn các nhóm đối lập lại còn hỗ trợ cả lực lượng người Kurd - một địch thủ của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là của FSA.
Lực lượng FSA đang liên minh cùng với chính quyền Erdogan để đánh đuổi khủng bố IS cũng như người Kurd khỏi khu vực tiếp giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Ankara coi tộc người này là khủng bố thì Washington lại coi người Kurd là đồng minh chống khủng bố tại Syria và Iraq.
Đoạn video này đã khiến nhiều người Mỹ thấy sốc và không tin là sự thực. Do đó, hãng tin Anh Reuters đã liên hệ với một chỉ huy cấp cao của lực lượng đối lập và được xác nhận rằng, vụ việc này hoàn toàn là sự thật và lính Mỹ đã phải quay về phía biên giới Thổ nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, những lý do đằng sau sự hiện diện quân sự bất ngờ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Có thể lực lượng này thực hiện nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu cho những cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, tấn công các vị trí của IS và thiết lập căn cứ quân sự.
Trước đó, vào ngày 15/9, một lực lượng nhỏ gồm 50 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ, trong đó có 10 cố vấn quân sự đã thâm nhập lãnh thổ Syria qua đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và thiết lập một trại đóng quân trên đồi Al-Monbath thuộc vùng nông thôn thị trấn Tell Abyad.
Dù giới chức lãnh đạo Mỹ sau đó giải thích đây chỉ là sự hiểu nhầm và trong nội bộ lực lượng đối lập vẫn còn tình trạng “mất đoàn kết” nhưng điều này cho thấy rõ là Mỹ đang đánh mất dần sự tin tưởng của tất cả các bên trong giải quyết vấn đề khủng hoảng Syria.
Theo Thiên Nam
Đất Việt