Mỹ nhờ đồng minh tiếp sức để cân với Nga
- Thứ sáu - 16/09/2016 01:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tập đoàn Boeing của Mỹ và hãng SAAB của Thụy Điển vừa giới thiệu nguyên mẫu máy bay huấn luyện kiêm cường kích hạng nhẹ T-X với nhiều tính năng hiện đại. Mục đích của sự hợp tác này nhằm tạo ra loại máy bay mới sẽ để có thể trở thành đối thủ trực tiếp với máy bay huấn luyện Yak-130 hiện nay của Không quân Nga.
Theo giới thiệu của Không quân Mỹ, máy bay T-X (trong đó T nghĩa là huấn luyện, X là dự án). T-X là máy bay 1 động cơ phản lực với cánh đuôi chữ V hai chỗ ngồi.
Chủ tịch Boeing Phantom Works Darryl Davis tuyên bố thẳng thắn trong buổi ra mắt: "Loại máy bay T-X của chúng tôi có thiết kế hiện đại, với cánh đuôi đôi cho phép cơ động tốt hơn cánh đuôi đơn (Yak 130 của Nga), buồng lái hai người cung cấp tầm nhìn tốt cho phi công hướng dẫn, thân máy bay dễ dàng bảo trì".
Vị chủ tịch này cho biết thêm, Boeing và SAAB quyết định chọn loại động cơ GE-404 vốn là loại động cơ dùng cho máy bay chiến đấu F/A-18 của hải quân Mỹ cho T-X. Loại động cơ này có lực đẩy mạnh, tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả. Hiện nay, loại máy bay huấn luyện T-50 của Hàn Quốc cũng được trang bị loại động cơ tương tự.
Dù úp mở về tính năng của dòng máy bay mới nhưng ông Darryl Davis không nói cụ thể về nhiều tính năng của máy bay T-X, tuy nhiên ông cho biết công nghệ bắt nguồn từ 2 loại tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet của Boeing và Gripen của SAAB.
Sự phối kết hợp này có nghĩa là máy bay T-X có thể tích hợp một loại công nghệ tiên tiến như khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, khả năng trang bị các hệ thống điện tử hiện đại của cả SAAB và Boeing. Đặc biệt với cánh đuôi hình chữ V nếu máy bay được sơn một số loại sơn đặc biệt nó sẽ có tính năng tàng hình nhẹ, tăng khả năng sống sót trên chiến trường.
Ngay sau khi Mỹ công khai chương trình máy T-X hợp tác cùng Thụy Điển, hãng Sputnik nhận định rằng, chương trình này là nỗ lực của Mỹ Mỹ nhằm tạo ra thế hệ máy bay huấn luyện có sức mạnh và độ tin cậy ngang với chiếc Yak-130 của Nga bởi hiện nay, phi công lái tiêm kích F-35 hay bất kỳ chiến đấu cơ hiện đại nào khác của Mỹ đều đang phải đào tạo trên máy bay T-38 sản xuất từ năm 1950.
Máy bay T-38 do Northrop Grumman chế tạo được Không quân Mỹ tán dương trong suốt quá trình hoạt động gần 60 năm qua, đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ dài hạn, tính năng tiên tiến và đáng tin cậy.
T-38 Talon trở thành máy bay huấn luyện chủ chốt với nhiều thế hệ phi công của Không quân Mỹ. Tính từ năm 1961, đã có hơn 70.000 phi công bắt đầu sự nghiệp của mình với T-38. Thời gian bay trung bình của T-38 là 15.000 giờ, còn lúc cao điểm lên tới 19.000 giờ.
Clip khả năng cơ động của máy bay T-X:
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt