Mỹ nâng cấp bom hạt nhân B-61: Mặc cả trong bất lực?
- Thứ sáu - 30/09/2016 00:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiệu quả sử dụng bom hạt nhân B-61 không cao
Tháng 8 vừa qua, Cơ quan quản lý an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã cho phép chuẩn bị sản xuất bom nhiệt hạch hiện đại hóa B61-12. Sau khi kết thúc thiết kế sẽ đến giai đoạn trực tiếp sản xuất. Mẫu đầu tiên của loại vũ khí này sẽ được xuất xưởng vào năm 2020.
Các hiệp ước hiện hành về hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện vận chuyển đã được ký kết giữa hai nước Nga và Mỹ (vũ khí hạt nhân chiến lược). Bom B61 không nằm trong hạn chế của Hiệp ước START, vì đó là vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Bom nhiệt hạch B61-12 là phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân chiến thuật B61. Phiên bản nâng cấp đầu tiên của loại bom này được phát triển trong những năm 1960.
Các thế hệ B61 đầu tiên là bom trọng lực được trang bị dù rơi tự do. Các phiên bản hiện đại hóa đã quyết định thay dù bằng thiết bị ổn định và hệ thống định vị, khiến bom có thể điều khiển được, nâng hiệu quả sử dụng của nó tăng lên gấp bốn lần.
Các chuyên gia cho rằng, 2 tính năng quan trọng của loại bom này là khả năng thay đổi công suất (từ 0,3 kiloton lên tới 170 kiloton), tùy thuộc vào nhiệm vụ đặt ra và nâng cao độ chính xác trong điều khiển bom. Điều này sẽ hạ thấp đáng kể ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, bom hiện đại sẽ có độ chính xác cao hơn và sức công phá nhỏ, dẫn đến khả năng đạt hiệu quả tiêu diệt cao hơn, giảm thiểu hậu quả ngoài ý muốn. Đặc tính này sẽ làm tăng sự cám dỗ để sử dụng chúng, hạ thấp rõ rệt ngưỡng hạn chế dùng vũ khí hạt nhân.
Hầu hết máy bay chiến đấu hạng nặng của NATO đều có thể trang bị B61, còn máy bay ném bom có thể mang nhiều hơn gấp bội. Thời gian bay (tới các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga) từ sân bay châu Âu ngắn hơn nhiều so với bay từ Mỹ.
Vấn đề là ở chỗ loại bom này chỉ có thể được sử dụng với mục đích "kết liễu" mục tiêu sau cuộc tấn công vùi dập đối phương bằng tên lửa. Tuy nhiên, trong điều kiện chiến tranh hủy diệt lẫn nhau, đòn kết thúc này khó có thể khả thi, bởi bom không thể cạnh tranh được với tên lửa.
Bên cạnh đó, máy bay NATO sẽ cần phải thâm nhập vào khu vực mà hệ thống phòng không của Nga hoạt động mạnh mẽ. Cơ hội cho các chiến đấu cơ Mỹ-NATO vượt qua mạng lưới như vậy là rất mong manh. Do đó, hiệu quả sử dụng thực tế của B-61 là rất thấp.
Mỹ nâng cấp B-61 cũng không “mặc cả” được với Nga?
Người Mỹ hiện đại hóa bom nhiệt hạch B61 để làm gì, trong bối cảnh Nga đang nâng cấp và làm mới kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình? Chuyên gia quân sự Nga, Viện trưởng Viện các nước SNG Vladimir Evseyev nhận xét rằng, Mỹ sẽ coi nó là đối trọng để đàm phán với Nga.
Ông Vladimir Evseev nhận định rằng, Moscow sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhiều hơn Washington. Người Mỹ thường xuyên đề xuất sáng kiến cắt giảm kho vũ khí chiến thuật của Nga, trong khi đó vẫn tiếp tục nâng cấp bom hạt nhân của mình.
Nếu nâng cấp B-61 lên một tầm cao mới, Washington hy vọng sẽ có một vũ khí lợi hại trong đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Moscow. Mỹ có thể nói với Nga rằng: “Chúng ta sẽ không tăng số lượng bom, nhưng các vị hãy cắt giảm số lượng bom của mình”.
Nhưng đối với ban lãnh đạo Nga, đây là vấn đề mang tính nguyên tắc và thậm chí là “vấn đề không thể thảo luận”, bởi Mỹ còn có sự hỗ trợ của các đồng minh trong cái gọi là "câu lạc bộ hạt nhân", do đó, Nga phải duy trì vũ khí hạt nhân chiến thuật để làm đối trọng.
Hai thành viên của NATO là Vương quốc Anh và Pháp đều có các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang vũ khí hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân của Anh (4 tàu ngầm hạt nhân, mỗi tàu trang bị 16 tên lửa "Trident-2" D-5 do Mỹ sản xuất) được đưa vào hệ thống quy hoạch của Lầu Năm Góc.
Trong thực tế, đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm của Mỹ, nhưng do người Anh sử dụng. Các tên lửa này không thuộc giới hạn Hiệp ước Start II.
Ngoài ra, người Mỹ tránh hiệp định hạn chế hạt nhân bằng cách xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ và trên biển (hệ thống Aegis), mà bệ phóng Mk-41 của nó hoàn toàn có thể trang bị đầu đạn hạt nhân để biến thành các bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến thuật.
Do các nguyên nhân trên đây, duy trì đủ số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật là cách duy nhất để Nga cân bằng lực lượng hạt nhân để để đảm bảo an ninh quốc gia. Đồng thời, Nga có thể gắn đầu đạn hạt nhân cho các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, nhằm đối phó với bom hạt nhân Mỹ.
Ngoài ra, các đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa hành trình siêu xa như Kh-102 hay Kh-555 của máy bay ném bom chiến lược Nga như Tu-95MS Bear-H hay Tu-160 Blackjack sẽ đối trọng mạnh mẽ hơn nhiều đối với loại bom hạt nhân của Mỹ.
Theo Toàn Thắng
Đất Việt