Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Mỹ, Ukraine dùng ""xa luân chiến"": Nga bình thản

Mỹ, Ukraine dùng ""xa luân chiến"": Nga bình thản
Bộ Tài chính Mỹ ngày 1/9 thông báo mở rộng lệnh trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine

Mở rộng lệnh trừng phạt

Theo AFP, ngày 1/9, Mỹ đã công bố một danh sách dài các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, với lý do Moskva tiếp tục ủng hộ lực lượng nổi dậy Ukraine cũng như việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Mỹ, Ukraine dùng ''xa luân chiến'' nhằm vào Nga

Danh sách trừng phạt mới nhằm vào một đơn vị chủ chốt thuộc Ngân hàng Rossiya - thường được gọi là ngân hàng cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin, cùng một số công ty xây dựng lớn nhất của Nga. Trong đó có 2 công ty xây dựng cầu là Mostotrest và SGM-Most gần đây đã xây một cây cầu tại Crimea.

Danh sách bao gồm 17 phần tử ly khai Ukraine, 11 trong số đó là quan chức của chính quyền Nga được thành lập tại Crimea sau vụ sáp nhập. Ngoài ra, nhiều công ty Nga hoạt động tại Crimea, kể cả một số doanh nghiệp hàng hải và quốc phòng lớn, cũng bị liệt vào danh sách đen.

Chính phủ Mỹ cấm mọi cá nhân và thực thể của nước này làm ăn với các đối tượng trong danh sách trừng phạt, nhằm cô lập những đối tượng này với hệ thống tài chính quốc tế, qua đó hạn chế khả năng giao dịch của họ.

Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh biện pháp mới sẽ ảnh hưởng không chỉ tới các ngân hàng Mỹ, mà còn tới những chi nhánh tại Mỹ của các ngân hàng nước ngoài, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc phục vụ những công ty bị trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố động thái trên nhằm chống lại nỗ lực của các thực thể Nga hòng né tránh các lệnh trừng phạt hiện hành đối với các cá nhân và công ty Nga.

Đáng chú ý, Động thái này của Washington diễn ra ngay sau khi Nội các Ukraine thông báo mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại 388 cá nhân và 105 thực thể pháp lý của Nga.

Cụ thể, phát biểu họp báo ngày 31/8 sau phiên họp nội các, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Stepan Kubiv nói: "Chúng tôi nhất trí mở rộng lệnh trừng phạt đối với 388 cá nhân và 105 thực thể pháp lý của Nga". Đồng thời, ông Stepan Kubiv cho biết thêm rằng, danh sách này đã được bổ sung 250 cá nhân và 46 thực thể pháp lý mới.

Tảng băng chìm

Việc Mỹ quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga dường như để cộng hưởng với động thái tương tự từ phía Ukraine nhằm gây khó dễ cho Nga. Thêm vào đó, nó cũng thể hiện cho Kiev thấy rằng, Mỹ sẽ cùng ''đồng cam cộng khổ'' với Ukraine để giải quyết vấn đề Crimea...

Trong khi đó, tại Trung Đông, Moskva và Washington đã đi đến một thoản thuận cụ thể về Chính phủ Syria cũng như về phe đối lập. Ngoài ra, Nga và Mỹ cũng đi đến thống nhất về việc chia sẻ thông tin tình báo để phối hợp trong các cuộc không kích chống IS ở Syria.

Trong bối cảnh quân đội Syria liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng trên chiến trường thì thỏa thuận trên với Nga sẽ giúp Mỹ tạo ra được nhiều cơ hội để kết thúc cuộc nội chiến tại Syria trong thế thắng, rút quân trong thế ngẩng cao đầu.

Rõ ràng, Mỹ đang rất mâu thuẫn trong các quyết định của mình. Một mặt Mỹ thể hiện trách nhiệm ''hời hợt'' của mình với Ukraine khi mở rộng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Mặt khác Mỹ vẫn phải dựa vào Nga để có thể giải quyết được những vấn đề mà nước này đang gặp phải tại Syria.

Về phía Nga, Moskva vẫn luôn giữ một thái độ kiên định trong những vấn đề cốt lõi. Ngày 1/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẵn sàng hợp tác với phương Tây trên cơ sở bình đẳng.

Phát biểu trước sinh viên Học viện quan hệ quốc tế quốc gia Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga không muốn quay lưng lại với bất kỳ ai. Nga sẵn sàng nối lại quan hệ chính thức và bình thường với Liên minh châu Âu (EU) và với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Lavrov cũng lưu ý rằng các nước phương Tây sẽ phải nỗ lực nhiều để khôi phục lòng tin của Nga. Moskva sẽ hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ giành được sự ủng hộ và tin cậy của người dân trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra trên cơ sở các nguyên tắc do hai bên nhất trí, bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong phát biểu ngày 30/8 đã bày tỏ mong muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga ngay khi có tiến triển trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk ở miền Đông Ukraine.

Để đáp trả các trừng phạt từ phương Tây, Tổng thống Nga Putin cũng đã ký một sắc lệnh kéo dài lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ Liên minh châu Âu và một số nước khác.

Theo sắc lệnh của Tổng thống, các biện pháp hạn chế kinh tế đặc biệt đối với phương Tây sẽ được kéo dài từ ngày 6/8/2016 đến hết năm 2017, nhằm đảm bảo ''an ninh quốc gia Nga''.

Theo Lê Vũ (Tổng hợp)

Đất Việt

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây