Một ngày huấn luyện tiêu diệt khủng bố của cảnh sát New York
- Thứ năm - 11/08/2016 17:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Viên cảnh sát đóng vai tay súng tấn công trong bài huấn luyện của Bộ Chỉ huy Phản ứng Khẩn cấp. Ảnh: NYTimes |
Giữa các hành lang uốn lượn, bên trong những căn phòng ngột ngạt thuộc một nhà máy bỏ hoang ở khu Brooklyn, New York, Mỹ, dưới ánh đèn mờ, khi thoảng lại chớp nháy, một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ vẫn hàng ngày miệt mài tập luyện nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra tấn công khủng bố.
Các sĩ quan cảnh sát hôm nào cũng phải leo lên tầng cao nhất của tòa công trình trong khuôn viên nhà máy, tìm kiếm những con tin tại đây, hộ tống họ tới lối thoát hiểm an toàn giữa hàng loạt tiếng súng liên tục vang lên xung quanh. Tuy nhiên, tất cả đều là giả định. Họ đang tham gia một bài luyện tập giúp củng cố kỹ năng truy tìm và tiêu diệt những "kẻ tấn công có vũ trang", theo New York Times.
Năm ngoái, đội ngũ tác chiến đặc biệt mang tên Bộ Chỉ huy Phản ứng Khẩn cấp (CRM) ra đời. Những thành viên của lực lượng này đóng ở nhiều địa điểm khác nhau thuộc New York. Họ được huấn luyện để có mặt tại bất kỳ nơi nào trong thành phố chỉ sau ba đến 5 phút từ lúc nhận tin báo.
Đây chính là cách mà chính quyền New York đối phó với mối đe dọa mới từ những kẻ tấn công không bắt giữ con tin mà chỉ tìm cách gây thương vong tối đa.
Hôm 28/7, cảnh sát trưởng James R. Waters, lãnh đạo Cơ quan Phòng chống Khủng bố thuộc Sở cảnh sát New York, cho phép các phóng viên từ NYTimes tận mắt theo dõi một ngày huấn luyện của các sĩ quan đơn vị CRM.
"Quá trình này kéo dài 7 tháng", ông Waters nói, đứng trước một đội gồm các sĩ quan mặc áo chống đạn và mang súng trường bán tự động Colt M4. "Đây sẽ là một hành trình đầy kinh ngạc".
Cuộc huấn luyện diễn ra tại một nhà máy dược phẩm cũ thuộc khu Fort Greene. Các nhà báo được phép theo dõi những bài tập nhưng phải chịu sự giám sát tương đối chặt chẽ. Việc quay phim, chụp ảnh bị cấm suốt thời gian đơn vị tiến hành các bài tập. Lãnh đạo CRM cũng yêu cầu phóng viên chỉ miêu tả khái quát những chiến thuật mà họ thảo luận vì lo sợ các phần tử khủng bố nghiên cứu cách thức họ hoạt động để lên kế hoạch tấn công.
"Những kẻ xả súng ở Pháp cho thấy chúng rất quen thuộc với cách phản ứng của cơ quan an ninh nước này", phó cảnh sát trưởng Scott Shanley, nhận xét, nhắc tới vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái khiến hơn 130 người thiệt mạng.
Các sĩ quan cảnh sát còn đóng vai cả đối tượng xả súng và những người dân có mặt quanh hiện trường. Họ thực hiện hai bài tập.
Bài tập đầu tiên bắt đầu bằng một lời nhắn trên hệ thống từ điều phối viên: "Có tiếng súng phát ra bên trong tòa nhà".
Các cảnh sát đang lái xe tuần tra là những người đầu tiên phản ứng trước tình huống. Hai sĩ quan, mang theo súng ngắn, cúi thấp người, cảnh giác tiến vào hành lang. Viên cảnh sát đi sau đặt một tay lên lưng người phía trước.
Đột nhiên, một người đàn ông chạy về phía họ, miệng la hét cầu cứu. Hai sĩ quan yêu cầu anh ta quỳ xuống rồi nhanh chóng hỏi vị trí kẻ tấn công. Người đàn ông chỉ xuống phía cuối hành lang.
Tiếng súng vang lên. Một sĩ quan nói qua bộ đàm: "có súng nổ". Hai người ngay tức thì lao về hướng âm thanh phát ra.
Một tay súng mang mặt nạ xuất hiện bên trong một căn phòng nhỏ với nhiều tủ điện, liên tục xả súng. Cảnh sát bắn trả. Kẻ tấn công trúng đạn, ngã ra sàn. Những viên đạn dùng để huấn luyện không gây sát thương. Chúng chứa bột màu để giúp xác định những người bị bắn trúng.
Sĩ quan đi trước hét lên "Nạp đạn! Nạp đạn! Nạp đạn" rồi lập tức tháo ổ đạn ra khỏi khẩu súng lục, lắp đạn mới vào. Viên cảnh sát còn lại lần đến bên cạnh tay súng để tìm mạch. Kẻ tấn công được xác định đã chết. Họ gọi tiếp viện và chờ đợi.
Những viên đạn chứa bột màu dùng trong huấn luyện. Ảnh: NYTimes |
Không lâu sau, đội ngũ hỗ trợ gồm 6 sĩ quan cũng tiếp cận hiện trường. Họ xếp thành một hàng, tay người này đặt lên lưng người kia. Họ đi khẩn trương, giống như một con rắn, băng qua hành lang, tìm đến cánh cửa gần nhất.
Khi đến nơi, không chút do dự, không thăm dò trước, họ xông thẳng vào căn buồng mà cánh cửa dẫn tới. Mỗi người tỏa đi một hướng. Các sĩ quan không nói chuyện, họ giữ im lặng tuyệt đối suốt quá trình di chuyển. Họ trao đổi thông tin bằng cách vỗ vào vai nhau và dùng ngôn ngữ ký hiệu.
Thông thường, khi các cảnh sát vây ráp một căn phòng, người đi đầu tiên được gọi là "thỏ". Sĩ quan này đóng vai trò như mồi nhử thu hút sự chú ý của kẻ xả súng. Viên cảnh sát thứ hai đảm nhận vai trò ngắm bắn hạ gục mục tiêu. Với đội hình và cách thức di chuyển như trên, các sĩ quan không cắt cử "thỏ". Họ sẽ ập vào phòng cùng lúc.
Khi đội tiếp viện hợp quân với hai sĩ quan đầu tiên, họ lại nghe thấy tiếng súng. Tất cả gấp rút tái lập đội hình thành một hàng rồi tiến về phía có tiếng đạn nổ. Sĩ quan đầu tiên bắn vào tay súng. Người thứ hai đứng ngay sau nhảy ra khỏi hàng, lặp lại hành động tương tự. Kẻ tấn công ngã xuống. Bài tập kết thúc.
Các sĩ quan cởi bỏ mũ bảo hiểm, mồ hôi thấm đẫm gương mặt họ chỉ sau vài phút căng thẳng. Đội trưởng Eugene McCarthy, người quan sát toàn bộ quá trình phối hợp tác chiến của cả nhóm, bước lên và đưa ra một vài nhận xét nhanh. Sĩ quan đóng vai kẻ xả súng thứ hai ca ngợi tốc độ và khả năng bắn chính xác của đội.
"Tôi không bị dính phát đạn nào. Làm tốt lắm", viên cảnh sát đóng vai nạn nhân nói.
Các sĩ quan sau đó đổi vai cho nhau và tiếp tục thực hiện bài huấn luyện với nội dung thay đổi nhưng chiến thuật vẫn giữ nguyên.
"Tiếp cận tay súng", ông Waters dõng dạc nói. "Các anh sẽ nghe thấy câu này khoảng 50 lần. Tiếp cận tay súng. Nó phải ăn sâu vào tâm trí". Họ cần thuần thục những kỹ năng này hơn cả bản năng của mình, Waters nhấn mạnh.
Theo Waters, các bài huấn luyện dành cho những sĩ quan CRM sẽ liên tục thay đổi, phát triển theo thời gian nhưng ông từ chối tiết lộ chúng được xây dựng như thế nào.
Một sĩ quan cảnh sát đóng vai nạn nhân nằm bên vũng máu giả. Ảnh: NYTimes |
Xem thêm: Chương trình huấn luyện đoạt mạng đặc nhiệm SEAL Mỹ
Vũ Hoàng