Máy bay KC-46A tiếp dầu ở độ cao gần 9km
- Thứ sáu - 23/09/2016 22:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ quan báo chí của Không quân Mỹ cho biết, sau khi cất cánh từ sân bay Boeing Field tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, máy bay tiếp dầu KC-46A đã thông qua hệ thống máy tính ở buồng điều khiển tiến hành kiểm soát và thực hiện việc tiếp dầu thành công cho chiến đấu cơ A-10 (cất cánh từ căn cứ không quân Edwards, bang California) tại độ cao 6.096m (20.000ft).
Được biết, trước khi thực hiện thành công lần tiếp dầu đầu tiên, máy bay KC-46A đã bay thử thành công lần đầu vào tháng 9/2015 và tiếp dầu thành công cho tiêm kích F-16C (tháng 1/2016) sau nhiều lần bị trì hoãn.
Theo kế hoạch, hãng Boeing sẽ sản xuất 179 máy bay tiếp dầu trên không KC-46A cho Không quân Mỹ để thay thế loại máy bay KC-135 thế hệ cũ. Gói hợp đồng này sẽ hoàn thành sản xuất muộn nhất vào năm 2027, đây là chương trình trọng điểm của bộ phận quốc phòng của Công ty Boeing.
Phát biểu sau khi chuyến bay thử nghiệm thành công, phi công bay thử Johnston của Boeing cho biết, trong quá trình bay thử, máy bay biểu hiện "rất hoàn hảo". Ông còn cho biết, trong quá trình kiểm tra các hệ thống của máy bay, độ cao cao nhất đạt 28.000 thước Anh (khoảng 8.500 m), tiếp cận tốc độ tối đa.
Máy bay tiếp dầu KC-46A dài hơn 50 m, có khả năng chuyên chở 96.000 kg nhiên liệu và 29.500 kg hàng hóa. Theo giới chức Mỹ, KC-46A có thể thực hiện cùng lúc nhiệm vụ tiếp dầu cho nhiều máy bay của lực lượng Không quân và Hải quân.
Điểm khiến KC-46A trở thành máy bay độc đáo hàng đầu thế giới là nó vừa trang bị ống tiếp nhiên liệu cứng và mềm. Và điều này khiến nó có thể tiếp nhiên liệu cho hầu hết các máy bay trên thế giới.
Rõ ràng, thông tin tốt lành về chương trình máy bay KC-46A của Mỹ có thể khiến Trung Quốc "không vui" bởi trước đó Mỹ đã hé lộ về kế hoạch biên chế của loại máy bay tiếp dầu thế hệ mới này.
Cụ thể, hãng tin Reuters hồi cuối năm 2015 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, những chiếc KC-46A đầu tiên sẽ được Mỹ triển khai đến châu Á – Thái Bình Dương (nơi mà Trung Quốc đang có phi đội máy bay tiếp dầu khá lạc hậu) để tăng cường tầm hoạt động cho Không quân nước này.
Theo hãng thông tấn Anh, kế hoạch của Trung Quốc hiện nay là mua 20 chiếc IL-76 và IL-76MD. Hiện Trung Quốc đang tích cực hợp tác với Ukraine, nhằm mục đích chuyển đổi các máy bay vận tải IL-76 thành máy bay tiếp dầu IL-78.
Sau khi biến Il-76 thành IL-78, nó có thể chở tối đa được 60 tấn dầu, thông thường cũng mang được 50 tấn, khả năng tiếp nhiên liệu trên không đạt 900 đến 2.200 lít mỗi phút, rõ ràng về mặt chiến thuật có hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên Reuters cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc hoán cải thành công số máy bay trên thành máy bay tiếp dầu thì Bắc Kinh vẫn còn kém xa Mỹ - quốc gia đang ngày càng tăng cường hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương.
Clip KC-46A tiếp dầu cho tiêm kích F-16C:
Theo Mỹ Đức
Đất Việt