Ly kỳ vụ vượt ngục khỏi nhà tù khét tiếng nhất của Mỹ
- Thứ hai - 29/01/2018 19:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bức ảnh chụp nhà tù Alcatraz sau vụ vượt ngục nổi tiếng năm 1962 (Ảnh: Getty)
Nằm trên một hòn đảo tại vịnh San Francisco, nhà tù liên bang Alcatraz của Mỹ cách đất liền khoảng 2 km với bốn bề bao quanh là nước. Alcatraz được xem là nhà tù “nội bất xuất, ngoại bất nhập” - nơi gần như không một tù nhân nào có thể vượt ngục, hoặc nếu may mắn trốn được ra ngoài đi chăng nữa, người đó cũng sẽ phải bỏ mạng sau khi đối mặt với những con sóng dữ quanh nhà tù.
Tổng cộng 36 tù nhân đã tìm cách trốn ra khỏi nhà tù Alcatraz và không người nào được tin là còn sống. Tuy vậy, câu chuyện bí ẩn xung quanh vụ bỏ trốn của 3 tù nhân, trong đó có hai anh em John Anglin, Clarence Anglin và đồng phạm Frank Moris, vào năm 1962 cho đến nay vẫn là một ẩn số và nhiều giả thuyết vẫn được đặt ra sau vụ vượt ngục nổi tiếng từng được dựng thành phim này.
Nhiều người từ lâu cho rằng John, Clarence và Frank đã bị chết đuối khi 3 phạm nhân này tìm cách vượt khỏi hòn đảo giam giữ họ trên một chiếc bè tự chế làm từ áo mưa. Trong khi đó, một số người thân của anh em nhà Anglin cho rằng các phạm nhân vẫn còn sống và họ thỉnh thoảng còn liên lạc với gia đình trong nhiều năm.
Nhà tù Alcatraz
Alcatraz được đưa vào sử dụng như một pháo đài quân sự đồng thời là trại giam từ những năm 1850. Bộ Tư pháp Mỹ quản lý Alcatraz từ năm 1933 và biến nơi đây thành nhà tù từ năm 1934. Sau đó, Alcatraz trở thành nơi giam giữ những tội phạm nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ.
Tuy vậy, Alcatraz được biết đến nhiều hơn với chức năng là nơi giam giữ những phạm nhân “khó xử lý” nhất trong hệ thống nhà tù Mỹ, bao gồm những trường hợp thường xuyên gây rối trong tù, cũng như những đối tượng từng nhiều lần tìm cách vượt ngục.
Mặc dù ban quản lý nhà tù Alcatraz rất sát sao, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi nhà tù mới mở, song đây vẫn được xem là nơi nhiều phạm nhân muốn đến vì Alcatraz có những buồng giam riêng dành cho từng người.
Vụ vượt ngục của bộ 3 phạm nhân John, Clarence và Frank vào năm 1962 đã góp phần dẫn đến việc đóng cửa Alcatraz vào năm 1963 khi nhà tù này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Hiện nay, Alcatraz trở thành một bảo tàng và là nơi thu hút khách du lịch tới tham quan.
Vụ tẩu thoát
Trong số 36 phạm nhân từng tìm cách thoát khỏi nhà tù Alcatraz, có 23 trường hợp bị bắt trở lại, 6 trường hợp bị bắn chết và 2 trường hợp bị chết đuối. 5 trường hợp còn lại, trong đó có anh em nhà Anglin và Frank Moris, được cho là đã mất tích và không còn sống sót.
John và Clarence Anglin sinh ra trong một gia đình nghèo gồm 14 người con ở Georgia và bị tống giam sau một loạt vụ cướp ngân hàng. John tới nhà tù Alcatraz vào năm 1960 sau nhiều vụ vượt ngục cùng anh trai. Sau đó một năm, Frank cũng bị đưa vào nhà tù này với lý do tương tự. Từng là một tên cướp và buôn bán ma túy, Frank đã trốn khỏi nhà tù ở bang Louisiana trước khi bị bắt trở lại với tội danh ăn trộm và thi hành án ở nhà tù Alcatraz.
Tại Alcatraz, cả 3 tên này đã kết bạn với nhau và lên kế hoạch trốn khỏi nhà tù được cho là “cơn ác mộng” với những kẻ đào tẩu. Trong vòng 6 tháng, John, Clarence và Frank đã phối hợp cùng nhau để từng bước mở rộng lỗ thông gió phía sau tường buồng giam của Frank bằng những dụng cụ có sẵn hoặc ăn trộm được. Chúng sử dụng những chiếc thìa được mài sắc, tháo rời lưỡi cưa và sau đó che giấu lỗ hổng mà chúng đục được bằng những tấm bìa sơn màu.
Các phạm nhân còn nghĩ ra cách tự chế một lưỡi khoan cải tiến từ động cơ của máy hút bụi bị hỏng, đồng thời che giấu tiếng ồn trong lúc khoan đục bằng tiếng đàn accordion của Frank. Thậm chí, John, Clarence và Frank còn tự tạo ra một xưởng bí mật trên mái của buồng giam để chế tạo dụng cụ vượt ngục và giấu những vật liệu cần thiết. Sau một thời gian đục khoét, cả 3 cũng thành công trong việc phá vỡ một phần tường với độ rộng đủ để chúng chui qua.
FBI bỏ cuộc
Vào đêm 11/6/1962, 3 phạm nhân bò qua lỗ hổng do chúng đào được trong tường trại giam và tìm cách thoát ra khỏi nhà tù này. Mái nhà tù ở độ cao hơn 9m, do vậy John, Clarence và Frank đã men theo hệ thống đường ống nước để trèo lên. Cả 3 thậm chí còn nghĩ ra cách dùng xà phòng để chế những chiếc đinh vít giả thay thế đinh sắt, từ đó che giấu hiện trường giả.
Tiếp đó, John, Clarence và Frank đã leo từ trên ống khói của nhà tù xuống và tìm cách rời khỏi hòn đảo bằng một chiếc bè tự chế. Trước đó, các phạm nhân này đã nối 50 chiếc áo mưa do chúng ăn trộm hoặc thu lượm về để tạo thành những chiếc áo phao và bè cao su. Chúng sử dụng hơi nóng từ đường ống dẫn hơi nước trong nhà tù để nối đầu mối của những chiếc áo mưa. Cả ba cũng nghĩ ra cách làm các mái chèo bằng gỗ và biến một chiếc kèn thành công cụ bơm căng bè cao su.
Khi những người lính gác tới kiểm tra các buồng giam vào sáng hôm sau, họ phát hiện ra những chiếc đầu nhồi giấy, tóc người và những tấm vải được sắp xếp thành hiện trường giả giống cách các phạm nhân nằm quay mặt vào tường.
Ngày 11/6 cũng là ngày cuối cùng John, Clarence và Frank được nhìn thấy còn sống. Nhiều nguồn tin cho rằng cả 3 đều đã chết sau khi một nắm xương nghi là của các phạm nhân này được phát hiện trôi dạt vào bờ biển vịnh San Francisco.
Sau một thời gian “cân não”, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã khép lại cuộc điều tra về vụ bỏ trốn của 3 phạm nhân ở nhà tù Alcatraz vào năm 1979 và tuyên bố chuyển trách nhiệm cho Cơ quan Cảnh sát Tư pháp Mỹ để tiếp tục điều tra về khả năng cả 3 vẫn còn sống sót.
Cho đến nay, hàng loạt câu hỏi nghi vấn vẫn được đặt ra xung quanh vụ bỏ trốn của John, Clarence và Frank. Một trong số những lý do chính khiến nhiều người tin rằng cả 3 không thể sống sót là vùng nước động xung quanh hòn đảo nơi có nhà tù Alcatraz. Nếu cả 3 không bị chết đuối do kiệt sức sau khi chống chọi với làn nước lạnh giá, những phạm nhân này khả năng cao cũng bị những con sóng cuốn ra biển.
Niềm tin của gia đình
Những người thân của anh em John Anglin và Clarence Anglin vẫn tin rằng hai phạm nhân này chưa chết, thậm chí còn tìm cách liên lạc với gia đình trong nhiều thập niên.
Năm 2015, Ken và David Widner, hai cháu trai của John và Clarence, nói rằng những người bác của họ hiện đã ngoài 80 tuổi, có thể vẫn còn sống và đang lưu trú ở Brazil. Ken và David cho biết trong vòng 3 năm, mẹ của John và Clarence vẫn nhận được thiệp Giáng sinh, trên đó có chữ ký của hai người con trai của bà. Các chữ ký này sau đó được đem đi phân tích và được cho là bút tích của John và Clarence.
Gia đình cũng cho phép khai quật tử thi của Alfred, anh trai của John và Clarence, để so sánh DNA với các mẫu xương được tìm thấy trên bờ biển. Tuy nhiên, kết quả cho thấy không có sự trùng khớp.
Tuần này, kênh tin tức KPIX 5 của Mỹ thông báo từng nhận được một bức thư gửi tới Sở cảnh sát San Francisco vào năm 2013 và chủ nhân của bức thư này được cho là John Anglin. Nội dung thư cho biết cả 3 phạm nhân đã trốn thoát thành công khỏi nhà tù, nhưng chỉ người viết thư là John Anglin còn sống, trong khi Frank và Clarence lần lượt qua đời vào các năm 2008 và 2011. Người viết thư thậm chí còn đưa ra đề nghị rằng ông sẽ ra trình diện để chịu hình phạt ở mức thấp nhất, đổi lại ông được trợ giúp chữa trị căn bệnh ung thư.
“Tôi tên là John Anglin. Tôi đã trốn khỏi nhà tù Alcatraz vào tháng 6/1962 cùng em trai tôi là Clarence và Frank Morris. Tôi giờ đã 83 tuổi và sức khỏe yếu. Tôi bị bệnh ung thư. Đúng là chúng tôi đã bỏ trốn trong đêm đó. Nếu các bạn thông báo trên truyền hình rằng, tôi sẽ được đảm bảo về việc chỉ bị đi tù không quá một năm và có thể được hưởng chăm sóc y tế, tôi sẽ viết thư lại và nói cho các bạn biết chính xác tôi đang ở đâu. Đây không phải lời nói đùa!”, bức thư cho biết.
Cơ quan Cảnh sát Tư pháp Mỹ, cơ quan đang chịu trách nhiệm điều tra vụ việc, cho biết FBI đã đem bức thư đi kiểm tra dấu vân tay, DNA và chữ viết. Tuy nhiên, kết quả được công bố cho đến này vẫn chưa thuyết phục.
Thành Đạt
Theo Telegraph, Washington Post