Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Lợi thế lớn, rủi ro nhiều

Lợi thế lớn, rủi ro nhiều
Nước Mỹ chính thức bước vào sự kiện chính trị được coi là quan trọng nhất trong năm 2016: Bầu cử tổng thống. Thời điểm quyết định trong trận quyết đấu giữa hai ứng cử viên là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ và nhà tài phiệt Donald Trump của đảng Cộng hòa đã đến.

Cả hai ứng cử viên đều nỗ lực vận động tới những phút cuối cùng. (Nguồn: Getty Images)

Không như cuộc bầu cử 2008, khi Tổng thống Obama, cùng với khẩu hiệu “Chúng ta có thể thay đổi”, vượt qua đối thủ J. McCain với một chiến thắng cách biệt để bước vào Nhà Trắng, tương quan lực lượng trong cuộc bầu cử này khá cân bằng, thể hiện bằng khoảng cách “mỏng như lưỡi dao” trồi sụt thất thường giữa hai ứng cử viên.

Được đánh giá là hai mảng màu đối lập về những quan điểm và chính sách đối nội, đối ngoại, cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đã trải qua cuộc đua “song mã” được đánh giá là kịch tính nhất trong lịch sử nền chính trị Mỹ với nhiều vụ bê bối cá nhân.

Vào thời điểm chỉ còn ít giờ là các phòng phiếu mở cửa, bà Hillary dẫn trước đối thủ với tỷ lệ không lấy gì làm cách biệt: 44%-40% (thăm dò của NBC News/The Wall Street Journal); 45-42% (thăm dò của Politico/Morning Consul)...

Nhưng, điều quan trọng chính là, cựu Ngoại trưởng Mỹ lại đang dẫn trước nhà tỷ phú tại những bang có lá phiếu quyết định như: Florida, Pennsylvania. Đó chính là những bang nắm giữ số lượng lớn phiếu đại cử tri, 29 phiếu và 20 phiếu, yếu tố quan trọng hàng đầu để trở thành Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, ông hoàng của đế chế Trump chiếm lợi thế ở Ohio (18 phiếu).

Theo phân tích mới nhất của trang mạng fivethirtyeight.com hôm 7-11, ứng cử viên Clinton đang có trong tay ít nhất 252 phiếu đại cử tri từ các bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ và chỉ cần giành thêm tối thiểu 18 phiếu đại cử tri nữa là bà có đủ 270/538 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng.

Trong khi đó, ứng cử viên Trump mới chỉ thu được có 163 phiếu đại cử tri từ các bang vốn ủng hộ đảng Cộng hòa. Chính vì vậy, nếu chiến thắng ở bang Florida với 29 phiếu, khả năng bà Clinton trở thành “chủ nhân Nhà Trắng” sẽ khá cao.

Các kết quả thăm dò mới nhất của hãng Real Politics công bố cho thấy, ứng cử viên Clinton đang dẫn trước với tỷ lệ 47,4% so với 46,2% của ông Trump tại bang miền Đông Nam này. Để đảo ngược tình thế, tỷ phú Trump buộc phải chiến thắng ở 10 bang chiến địa còn lại. Điều này quả không dễ dàng.

Như thế, nếu không có điều gì quá bất ngờ vào phút chót, cựu đệ nhất phu nhân có thể bật champagne ăn mừng cho nhiệm kỳ 4 năm ở Nhà Trắng.

Vì sao ứng cử viên của đảng Cộng hòa lại rơi vào thế “yếu” hơn như vậy?

Có thể khẳng định rằng, mỗi cuộc bầu cử là dịp để các cử tri phán xét những gì mà đảng cầm quyền đã làm được. Nhìn lại 8 năm trong Nhà Trắng của Tổng thống Obama, ý kiến nhận xét khá đa dạng nhưng hầu như tất cả đều có chung một điểm: Tổng thống Obama của đảng Dân chủ đã nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi những khủng hoảng lớn là "di sản" mà người tiền nhiệm của đảng Cộng hòa, ông G. Bush để lại.

Những bước đi của đương kim Tổng thống Obama qua hai nhiệm kỳ được coi là những cú đẩy để nước Mỹ nhích từng bước một trên con đường hồi phục. Nước Mỹ đã thoát khỏi cuộc chiến tại Iraq và vũng lầy Afghanistan với tổn thương tối thiểu. Nền kinh tế Mỹ đang dần lấy lại sức sống khi số việc làm tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm đi.

Trên phương diện đối ngoại, Tổng thống Obama đã theo đuổi khá thành công chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nền tảng là “quyền lực mềm”, chú trọng hơn giải pháp đa phương để tiếp tục duy trì vị thế siêu cường của Mỹ. Điều này thể hiện qua việc hàn gắn quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm đối đầu cũng như khép lại hồ sơ “khó nhằn” Iran.

Dù còn vấp phải nhiều chỉ trích, có thể khẳng định, những gì Tổng thống Obama làm được là nền tảng vững chắc và đòn bẩy nặng ký cho bà Clinton trên đường đua vào Nhà Trắng. Với lợi thế sẵn có từ “người nhà”, trong suốt quá trình tranh cử, bà Clinton thể hiện khá nhất quán chủ trương tiếp tục theo đuổi các chương trình nghị sự “nóng” của chính quyền Tổng thống Obama như: tăng cường kiểm soát súng đạn, mở rộng chương trình chăm sóc y tế toàn dân (Obamacare), bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo nhập cư…

Nhưng ngần đó chưa đủ. Là một nhà ngoại giao và chính trị kỳ cựu, bà Clinton thừa năng lực để biết người Mỹ cần gì. Người Mỹ cần một nước Mỹ hùng mạnh và an toàn. Không phải ngẫu nhiên mà ứng viên đảng Dân chủ chủ trương tăng cường quan hệ với các nước đồng minh lâu đời và xây dựng những mối quan hệ mới.

Giới phân tích tại Mỹ đánh giá rằng, trong chính sách đối ngoại, những chủ trương của bà Clinton thể hiện sự khôn ngoan và mạnh mẽ hơn chính sách của Tổng thống đương nhiệm Obama trong việc giải quyết các thách thức an ninh và giúp Mỹ bảo đảm có kết thúc tốt hơn trong chuỗi các xung đột toàn cầu.

Nhìn sang phía ứng cử viên Donald Trump. Không thể phủ nhận tài năng cũng như những thành quả mà nhà tỷ phú này đạt được trên thương trường. Chẳng người Mỹ nào lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy thương hiệu Trumpcó trên những tòa nhà cao tầng sang trọng ở New York, Las Vegas, Hawaii….

Thế nhưng, sự giàu có cũng như thành công trong kinh doanh không đủ để giúp cho tỉ phú Trump đắc cử. Ngược lại, những tuyên bố gây “sốc”, cực đoan của ông lại khiến không ít cử tri băn khoăn về năng lực cảm thông và thấu hiểu của vị tỉ phú đối với tầng lớp trung lưu và những người da màu, nhóm cử tri có ảnh hưởng quyết định đến kết quả bầu cử.

Dù giải thích thế nào thì vị tỷ phú cũng không tránh được tiếng là không có chút nào kinh nghiệm về chính trị, đặc biệt là đối ngoại-an ninh. Điểm yếu này của ông Trump đã bị đối thủ khai thác triệt để.

Thật khó cho vị tỉ phú để có thể chống đỡ những câu mỉa mai khéo léo như “Làm thế nào mà ông bảo vệ được người dân Mỹ trước những mối nguy an ninh đang nổi lên?”. Tất cả đều nhằm gián tiếp gợi ý rằng “chỉ với tài kiếm tiền thì ông Trumpkhó mà chèo lái con thuyền Mỹ”. Và cho dù ông Trump có những sự bứt phá ngoạn mục trong các cuộc thăm dò ý kiến, lời hứa “đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại” mà ông đưa ra chưa đủ để thuyết phục cử tri.

Đúng là người dân Mỹ cần một nước Mỹ siêu cường. Nhưng nước Mỹ không thể hùng mạnh khi chỉ co cụm lại tại sân nhà. Toàn cầu hóa đã giúp cho Mỹ trở nên giàu có, “hệ thống” đồng minh hùng mạnh đã củng cố vị thế của Mỹ trên đấu trường thế giới.

Những tuyên bố tranh cử đại loại như “trở lại với các chính sách như bảo hộ thương mại”, “yêu cầu các nước đồng minh phải trả tiền để Mỹ bảo đảm an ninh” của tỷ phú Trump đã vẽ ra viễn cảnh về một nước Mỹ cô độc trong thế giới của riêng mình.

Với ông Trump, lợi ích của nước Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn từ việc giảm cam kết với bên ngoài và đặt lợi ích của nước Mỹ hay người Mỹ trên hết. Với bà Clinton, mục tiêu cũng không khác mấy so với ông Trump. Điều này ai cũng hiểu. Tuy nhiên, nước Mỹ và thế giới hiện nay đã khác trước, vì vậy việc mở rộng và làm sâu sắc các cam kết quốc tế là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích lâu dài cũng như nâng cao vị thế của Mỹ trên thế giới.

Tất cả những điểm này đã đặt ông Trump vào thế yếu hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ưu thế đang ở phía bà Clinton, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng, chiến thắng với bà là dễ dàng. Người ta vẫn chưa quên những “phát bắn tỉa” mà đảng Cộng hòa nhằm vào quá trình bà Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ cũng như những lùm xùm liên quan đến quỹ từ thiện Clinton.

Cũng không thể bỏ qua những yếu tố bất ngờ. Phải biết rằng, từ chỗ chỉ được coi là “kép phụ” vì không có chút kinh nghiệm chính trị với tỷ lệ ủng hộ ít ỏi 3%, giờ đây tỉ phú Trump đã bước vào cuộc đấu quyền lực tay đôi với bà Clinton - ứng cử viên vốn luôn được đánh giá cao ngay từ đầu cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ.

Mặt khác, dù nhà tài phiệt thiếu kinh nghiệm chính trường, nhưng nhìn lại lịch sử Mỹ trong nửa thế kỷ qua, từ thời John F. Kennedy làm tổng thống, tâm lý cử tri Mỹ cũng không muốn thấy một tổng thống từ một đảng nắm quyền quá lâu.

Đó là chưa kể hiện tượng Trump được coi như biểu hiện của sự đột phá trong tương lai. Tâm lý cử tri Mỹ qua việc bầu chọn ông Trump ở vòng sơ bộ cho thấy nhiều người đã chán ngán với sinh hoạt chính trị nhiều bế tắc ở Washington và muốn có những thay đổi sâu xa từ gốc rễ. Cần phải nhớ rằng, không phải ngẫu nhiên mà Ohio đang từ bang chiến địa bỗng nghiêng hẳn sang phe Cộng hòa.

Nước Mỹ có sẵn sàng cho một nữ tổng thống hay tâm lý cử tri đang thực sự bồn chồn muốn thay đổi, không muốn đảng Dân chủ kéo dài lãnh đạo thêm 4 năm nữa? Câu hỏi này chỉ có lời giải đáp chính xác sau ngày 8-11.

Dù kết cục thế nào thì “cuộc đấu” giành chiếc ghế quyền lực cao nhất ở Nhà Trắng năm nay cũng sẽ đi vào lịch sử. Và sự lựa chọn người đứng đầu Nhà Trắng không chỉ là sự lựa chọn hay câu chuyện của người Mỹ, mà còn buộc các nước khác có thái độ và những điều chỉnh phù hợp. Cho dù bất cứ ai trong hai ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, lịch sử chính trị Mỹ sẽ lật sang trang mới.

Theo Ngọc Hà

Quân đội nhân dân

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây