Liệu kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể bị can thiệp?
- Thứ tư - 19/10/2016 00:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Nhà tài phiệt New York nhiều tháng qua liên tục đưa ra những cáo buộc về việc "cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có gian lận". Trump đổ lỗi chính "truyền thông thiếu trung thực và méo mó" cùng "cỗ máy Clinton" đã khiến tỷ lệ phiếu bầu dành cho ông ở những bang chiến trường sụt giảm, theo BBC. Bang chiến trường là nơi các ứng viên không chắc chắn nhận được đa số phiếu ủng hộ và nếu không giành chiến thắng ở phần lớn các bang này, họ gần như chắc suất thất cử tổng thống.
Nỗ lực làm mất uy tín quy trình bầu cử của Trump gần đây đạt đến tầm cao mới khi ông tạo nên một cơn bão bình luận trên Twitter nhằm củng cố cho các lời cáo buộc mà ông từng đưa ra.
Trump không phải người duy nhất cảm thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gặp vấn đề. Chỉ một phần ba số người Cộng hòa cho biết họ tin tưởng rằng số phiếu bầu sẽ được kiểm đếm công bằng, chính xác, theo khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Công vụ Associated Press-NORC.
Nhưng kết quả từ các cuộc nghiên cứu cho thấy cử tri gian lận không phải vấn đề phổ biến ở Mỹ.
Năm 2014, Justin Levitt, giáo sư tại Trường Luật Loyola, chỉ tìm ra 31 trường hợp gian lận mạo danh trong số một tỷ phiếu bầu tại các kỳ bầu cử tổng thống từ năm 2000 đến 2014.
Theo giáo sư Richard Hasen, chuyên gia luật bầu cử, suy nghĩ cho rằng bầu cử tổng thống Mỹ có gian lận là "lố bịch" và "chắc chắn không xảy ra như cách mà Trump cáo buộc". "Hàng nghìn người không thể đi bầu 5, 10 hay 15 lần như ông ấy nói mà không bị phát hiện", giáo sư Hasen nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng chỉ ra rằng hệ thống quản lý bầu cử Mỹ phân quyền ở cấp độ cao, đồng nghĩa với việc mỗi bang đều thiết lập những quy định của riêng mình và các quan chức địa phương sẽ giám sát thực hiện chúng. Ở hầu hết các bang, những người giám sát còn được giao nhiệm vụ theo dõi các nhân viên bầu cử. Mặt khác, mỗi cử tri đều có mã số riêng. Vì thế, việc gian lận ở quy mô lớn rất khó thực hiện.
Jon Husted, quan chức ngoại giao bang Ohio, một người ủng hộ Donald Trump, khẳng định ông là người phụ trách bầu cử tại Ohio và chuyện gian lận sẽ không bao giờ xảy ra.
"Nó rất minh bạch. Không có lý do gì phải lo lắng về gian lận bầu cử", ông Husted quả quyết.
'Người chết bầu cho đảng Dân chủ'
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters |
Rudy Giuliani, một cố vấn phò tá ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump, hôm 16/10 cho biết ông "có điên" mới tin cuộc bầu cử ở Philadelphia và Chicago sẽ diễn ra công bằng. Theo Giuliani, các thành phố kể trên, bị kiểm soát bởi đảng Dân chủ, "là hang ổ của những kẻ gian lận bầu cử".
Ông cũng nhắc tới sự việc 720 người được cho là đã chết đi bầu cử ở Chicago vào năm 1982, đồng thời nhấn mạnh "người chết thường bầu cho đảng Dân chủ thay vì đảng Cộng hòa".
Lloyd Hitoshi Mayer, giáo sư luật tại Đại học Notre Dame, cho hay hầu như tất cả các kỳ bầu cử tổng thống đều xuất hiện những cáo buộc về việc cử tri dùng tên người đã chết để đi bầu nhưng "con số là rất rất nhỏ".
Philadelphia trong kỳ bầu cử năm 2012 bị rơi vào vòng nghi vấn sau sự việc ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney không nhận được bất kỳ phiếu bầu nào tại 59 đơn vị bầu cử trên toàn thành phố. Đảng Cộng hòa lúc bấy giờ tiến hành điều tra các cáo buộc nhưng không phát hiện điều gì bất thường. Cùng thời điểm, ở bang Utah, cũng có những khu vực chỉ bầu cho ông Barack Obama.
Giuliani còn dẫn chứng vào năm 1989, khi ông chạy đua chức thị trưởng New York, một số cử tri có thể bầu 8 tới 10 lần nhờ "những chuyến xe buýt chở người từ khu vực Camden".
Việc các nhóm nhân quyền hay những chiến dịch chính trị cung cấp phương tiện chở cử tri tới nơi bầu là phổ biến ở Mỹ. Những chuyến xe buýt kiểu này sẽ nhắm vào các khu vực mà cư dân thể hiện rõ xu hướng bầu cho một ứng viên hay đảng phái chính trị cụ thể.
Theo giáo sư Mayer, ông thỉnh thoảng cũng nghe qua những lời tố cáo đề cập đến việc xe buýt chở cử tri tới các địa điểm bỏ phiếu khác nhau để bầu nhiều lần nhưng số lượng các vụ truy tố hay kết án gian lận bầu cử vì sử dụng chiến thuật trên không nhiều.
'Trộm' phiếu bầu
Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich cuối tuần trước nhắc tới cuộc đối đầu giữa hai ứng viên Richard Nixon và John F. Kennedy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960. Theo ông, giới sử gia đều nhất loạt cho rằng "phiếu bầu ở bang Illinois và Texas đã bị trộm".
Bình luận mà ông đưa ra liên quan tới lời cáo buộc bộ máy tranh cử của John F. Kennedy đã can thiệp vào quá trình kiểm đếm phiếu bầu ở Texas và Illinois, giúp ông có thêm 51 phiếu đại cử tri và cuối cùng đắc cử tổng thống.
Douglas Brinkley, giáo sư lịch sử tại Đại học Rice, cho hay điều này vẫn còn là "vấn đề gây tranh cãi" giữa các nhà sử học.
"Năm 1960, bang Illinois đã tiến hành đếm lại số phiếu và không tìm ra đủ số vụ gian lận để làm thay đổi kết quả bầu cử", ông Brinkley nói. "Tại Texas, vẫn chưa rõ liệu kết quả bầu cử có bị can thiệp hay không".
Mặt khác, theo giáo sư Mayer, khả năng của các cơ quan thực thi pháp luật, đảng phái chính trị và truyền thông trong việc giám sát những hoạt động kiểu như bầu cử tổng thống hiện "tốt hơn nhiều" so với trước đây. Vì thế, "tình trạng trộm phiếu bầu, nếu có từng xảy ra, cũng không thể tái diễn".
Xem thêm: Chuyên gia Mỹ: 'Trump cần may mắn để thắng cử'
Vũ Hoàng