Lên mạng “giết người” rồi huề cả làng!
- Thứ bảy - 17/09/2016 13:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vừa qua, trên một số trang tin điện tử xuất hiện bài viết “Cô gái chết thâm tím vì mở quạt máy”. Nội dung nói về chuyện cô gái bị tử vong do ngủ trước quạt trong đó kèm theo hình ảnh. Chỉ trong vài ngày, hàng chục trang mạng đăng tải, loan truyền một cách chóng mặt.
Người “chết” lên tiếng
Tuy nhiên, người trong bức ảnh là chị Võ Thị Tú Mi (22 tuổi, quê Trà Vinh, ngụ TP HCM) hiện vẫn khỏe mạnh bình thường. Chị Mi bức xúc: “Tôi chỉ biết sự việc khi có không ít người tìm đến nơi tôi ở để hỏi chuyện cô gái ngủ quạt tử vong”. Theo lời kể của chị Mi thì lúc đầu chị không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tỏ thái độ khó chịu và chửi mắng những người đùa giỡn. Thế nhưng, khi lên mạng, chị mới tá hỏa khi thấy bài viết nói mình đã chết và kèm theo hình ảnh của chính chị.
Nói về nguồn gốc tấm hình trên, chị Mi cho biết trong một lần ngủ trưa bị bạn tình cờ chụp hình để “dìm hàng”. Tiếp đến, nhân dịp sinh nhật của chị, người bạn này có đăng lên dòng thời gian Facebook để chúc mừng. “Nào ngờ đã bị ai đó thêu dệt nội dung. Tôi còn khỏe, còn sống nhưng lại cho là chết. Nhiều người hoảng hốt gọi điện thoại cho người thân của tôi tỏ sự tiếc thương và chia sẻ” - chị Mi hoang mang và thông tin thêm: “Chuyện lấy hình cá nhân của tôi tung tin đồn bị chết dù có tức nhưng có thể bỏ qua. Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận được khi phát hiện kẻ xấu tiếp tục dùng hình ảnh của mình để thêu dệt những câu chuyện bi đát về gia thế để kêu gọi hỗ trợ tiền bạc khiến tôi không thể im lặng”. Đáng nói là chị Mi đã liên hệ rất nhiều lần với chủ các trang mạng đăng tải thông tin sai sự thật nhưng đều không nhận được sự phản hồi.
Chị Võ Thị Tú Mi (22 tuổi, quê Trà Vinh, ngụ TP HCM) bức xúc kể lại vụ mình vô cớ bị “giết” trên mạng
Chị Lê Thị Minh H. (28 tuổi; ngụ tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng là một nạn nhân của trò “giết người” trên mạng quái ác này. Chị H. kể vào tháng 5-2016, chị chở con gái đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10) để khám bệnh. Buổi trưa, hơi mệt nên hai mẹ con trải báo nằm ngủ bên ngoài hành lang bệnh viện. Sau đó, có một người đàn ông đến gần hỏi thăm vài câu chuyện rồi chụp hình. Ít tháng sau, chị bất ngờ nghe người thân kể lại ai đó dùng hình ảnh, tên của chị để đăng tải lên các trang Facebook, trang từ thiện để kêu gọi hỗ trợ.
Chị H. kể: “Bức hình chụp lại cảnh tôi đang ngủ và đứa con gái đang ngồi kế bên. Vậy mà có người chỉnh sửa tôi bị chảy máu ở miệng và cho rằng đã chết để lại con nhỏ bơ vơ. Cuối bài viết còn đăng tải số tài khoản kêu gọi hỗ trợ giúp bé vượt qua khó khăn”.
Tưởng chừng chẳng gây hại gì đến chị nhưng sáng 16-8, chở con đến tái khám thì bị một người phụ nữ bên trong bệnh viện chỉ mặt, bày tỏ sự bức xúc: “Ê bà kìa. Tôi đọc trên mạng nói bà chết sao giờ còn sống sờ sờ vậy? Tới đây lừa đảo nữa à?”. Ngay sau đó, chị H. tìm mọi cách giải thích: “Em vô tội, ai đó chụp hình rồi đăng bậy bạ. Số tài khoản đó cũng không phải của em”. Càng nói, chị H. càng bị những người xung quanh hù dọa, đòi đánh vì tội “ăn cắp lòng thương” khiến mặt chị tái xanh, bỏ về không dám chờ đến lượt khám bệnh cho con.
Chị H. lo lắng hỏi: Giờ tôi phải làm gì để ngăn chặn hành vi dùng hình ảnh của tôi phát tán để lừa đảo của kẻ xấu?
Khó xử lý?
Từ những trang mạng, tài khoản Facebook mà chị Mi và chị H. cung cấp, anh Phạm Minh Long - chuyên gia tin học - cho biết đây là những website bình thường đăng tải các tin giật gân để câu khách khiến nhiều người lầm tưởng là báo mạng. Máy chủ của các trang đều nằm ở nước ngoài. Anh Long thông tin: “Có thể người vận hành đăng tải ở Việt Nam nhưng thuê dữ liệu ở nước ngoài. Để xác định người nào trực tiếp vận hành rất khó”.
Một cán bộ thuộc Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao phía Nam (C50B) - Bộ Công an nhận định chiêu thức lừa đảo này xuất hiện khoảng 3 năm nay. Do người bị hại không biết, không trình báo cơ quan công an nên không có cơ sở xử lý các đối tượng.
“Có trường hợp chúng tôi tốn rất nhiều thời gian theo dõi và ập vào bắt để điều tra nhưng sau đó phải thả vì không có chứng cứ chứng minh rõ ràng. Thứ nhất, không thấy rõ được hành vi hậu quả mà các đối tượng sử dụng hình ảnh để dựng chuyện. Thứ hai, không chứng minh được lừa ai, ai bị lừa” - vị cán bộ C50B phân tích.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP HCM, lại cho rằng đối với hành vi sử dụng hình ảnh của người khác rồi đăng tải trên mạng để thông báo họ chết nhằm kêu gọi từ thiện được cho là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi có chủ đích, cố tình đánh vào lòng thương của người khác để trục lợi, cần lên án. Theo luật sư Thảo, với tội danh này có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự với mức cao nhất 12-20 năm hoặc tù chung thân, tùy vào tính chất lừa đảo.
“Chúng ta đều biết rằng những vụ lừa đảo như trên đã làm cho chúng ta sống khép kín lại và mọi thứ đều được mọi người nhìn ở góc độ nghi kỵ, e ngại, đề phòng. Từ đây, sự vô cảm ngày càng tăng cao” - luật sư Nguyễn Thạch Thảo lo ngại.