Lãnh đạo Israel, Palestine lần đầu gặp mặt trực tiếp
- Thứ sáu - 30/09/2016 22:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Shimon Abbas (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: AFP)
Tham dự tang lễ tại nghĩa trang trên núi Herzl ở thành phố Jerusalem còn có Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nguyên thủ quốc tế khác như Hoàng tử Anh Charles, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cựu Thủ tướng Anh David Cameron và Tony Blair.
Khi gặp Thủ tướng Netanyahu và vợ ông - bà Sara, Tổng thống Abbas đã tiến tới bắt tay và nói: "Đã từ lâu, đã từ lâu". Sau đó, phát biểu hoan nghênh Tổng thống Abbas tới tham dự tang lễ, Thủ tướng Netanyahu nói: "Thay mặt cho người dân và chính phủ Israel, đây là điều mà tôi cảm thấy rất trân trọng".
Chuyến thăm bất ngờ tới thành phố Jerusalem của Tổng thống Abbas để dự tang lễ của cựu Tổng thống Peres, người có vai trò rất lớn trong quá trình đàm phán hoà bình Trung Đông, được đánh giá là một động thái ngoại giao đáng khích lệ từ phía Palestine. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng khó có thể có được đột phá từ cuộc gặp chớp nhoáng giữa lãnh đạo Palestine và Israel nêu trên.
Quá trình đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestine đã bị "đóng băng" từ năm 2014, trong khi Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Abbas vẫn chưa có cuộc đàm phán trực tiếp nào từ năm 2010. Bất đồng hiện nay giữa hai bên vẫn là về kế hoạch tái định cư của Tel Aviv trên khu vực lãnh thổ mà người Palestine đang thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Tại tang lễ của cựu Tổng thống Peres, Tổng thống Abbas được bố trí ngồi ở hàng ghế đầu giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Trong sự kiện này, Tổng thống Obama đã có cuộc trò chuyện nhanh với nhà lãnh đạo Palestine trước khi ngồi xuống cùng hàng với Thủ tướng Netanyahu.
Cựu Tổng thống Peres từng giành giải Nobel Hoà bình vì những nỗ lực chung cùng với người Palestine để thúc đẩy quá trình đàm phán hoà bình Trung Đông. Ông sẽ yên nghỉ tại một nghĩa trang của người Do Thái, nơi chôn cất các cựu Thủ tướng khác của Israel là Yitzhak Rabin và Yitzhak Shamir.
Thời gian qua, đã có những đề xuất về việc nối lại cuộc hoà đàm Trung Đông. Pháp, Nga và Ai Cập đều đã nỗ lực hối thúc người Israel và Palestine ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về những bất đồng hiện nay, cũng như tìm kiếm giải pháp cho hoà bình tại khu vực. Giới chức Mỹ cũng cho biết Tổng thống Obama có khả năng sẽ đưa ra đề nghị chính thức khác để đưa hoà đàm Trung Đông trở lại chương trình nghị sự trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng Giêng tới, có thể là quá trình kêu gọi các bên ủng hộ 1 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về hoà bình cho Trung Đông.
Ngọc Anh
Tổng hợp