Không kích IS từ Iran, Nga bắn một mũi tên trúng hai đích
- Thứ tư - 17/08/2016 19:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tu-22M3 Nga xuất phát từ Iran không kích mục tiêu ở Syria (Video: Reuters)
Các quan chức Moscow và Tehran ngày 16/8 xác nhận máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 Nga xuất phát từ căn cứ không quân Hamadan của Iran đã không kích các mục tiêu phiến quân ở Syria, đánh dấu mối quan hệ quân sự ngày càng phát triển giữa hai nước, đồng thời thể hiện tham vọng đạt được ảnh hưởng lớn hơn cả về quân sự và chính trị của Nga ở Trung Đông, theo Business Insider.
Đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ của Nga sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công phiến quân tại Syria, và cũng là lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran cho phép cường quốc nước ngoài sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động quân sự, theo Reuters.
Mục đích quân sự
Đối với nhiều chuyên gia phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy Nga không hề có ý định giảm bớt cường độ chiến dịch không kích ở Syria trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria vừa thất bại trong việc khép chặt vòng vây xung quanh thành phố chiến lược Aleppo do quân nổi dậy kiểm soát.
Trước đây, để có thể không kích các mục tiêu quan trọng ở Syria, các oanh tạc cơ tầm xa Nga phải bay từ căn cứ ở miền nam nước này, vượt quãng đường gần 2.000 km để ném bom và quay về. Nhưng với việc sử dụng căn cứ Hamadan ở tây bắc Iran, những oanh tạc cơ đó chỉ phải bay khoảng 650 km, băng qua không phận Iraq và tiến vào Syria, theo hãng thông tấn Fars.
Với quãng đường ngắn hơn nhiều lần như vậy, máy bay ném bom Nga cần ít nhiên liệu hơn và có thể mang thêm nhiều bom hơn, cho phép Nga tăng cường độ của các cuộc không kích vào mục tiêu phiến quân ở Syria.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua xác nhận máy bay Tu-22 của họ đã ném bom trúng các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Jabhat al-Sham, nhóm phiến quân tách ra từ al-Qaeda hồi tháng trước, phá hủy 5 kho đạn lớn, các trại huấn luyện và 3 sở chỉ huy.
Oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của không quân Nga. Ảnh: RIA |
"Nga giờ đây đã được tự do sử dụng không phận Iran", Boris Zilberman, chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, nói. "Các oanh tạc cơ bố trí ở Iran có thể giảm bớt thời gian bay, giúp người Nga phản ứng nhanh hơn với các tình huống trên mặt đất".
Chuyên gia này cho rằng với lợi thế trên, chiến dịch ném bom của Nga sẽ được tăng cường một chút, nhưng điều quan trọng là giờ đây Moscow đang nắm trong tay "một chỗ đứng chân hậu cần mới ở Iran, chắc chắn sẽ khiến chiến dịch không kích của họ uy lực hơn".
Jeff White, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Washington, cũng có chung quan điểm. "Việc triển khai Tu-22M3 tới Hamadan cho phép máy bay này quay vòng thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, giúp phi hành đoàn bớt mệt mỏi hơn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu hơn, và tăng khối lượng vũ khí mang theo", ông nói.
Mục tiêu chính trị
Giới phân tích cho rằng việc sử dụng căn cứ Hamadan còn thể hiện tham vọng chính trị quan trọng của Nga ở khu vực Trung Đông bất ổn, nơi Nga hiện chỉ có các căn cứ quân sự ở Syria.
"Bố trí máy bay ném bom ở Iran giúp Nga tiết kiệm công sức và nhiên liệu", Adrew Tabler, chuyên gia thuộc Viện Washington, nhận định. "Nhưng điều quan trọng hơn là nó thể hiện về mặt chính trị rằng Nga đang cùng phe với Iran trong cuộc chiến khu vực ở Syria".
Nhiều chuyên gia phân tích khác cũng nhất trí rằng động thái mới của Nga mang nặng động cơ chính trị hơn là một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược quân sự.
Iran từ lâu đã cấm các lực lượng quân sự nước ngoài thiết lập căn cứ trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên chiến dịch không kích mới đây của Tu-22 dường như là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ đồng minh ngày càng gắn kết giữa Iran và Nga, góp phần củng cố và mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nga trong khu vực.
Iran và Nga "có quan hệ hợp tác chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, và chia sẻ năng lực, hạ tầng để đạt mục đích này", Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Shamkhani tuyên bố hôm qua.
Trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria, Iran là một trong những đồng minh hiếm hoi của Tổng thống Bashar al-Assad. Iran cũng nhận thấy lợi thế chiến lược trong quan hệ với Nga, nước có chung mong muốn chống lại ảnh hưởng của Mỹ bằng quan hệ hợp tác thương mại và năng lượng. Thỏa thuận hạt nhân của Iran với phương Tây đã tạo điều kiện cho Moscow hoàn thành hợp đồng bán các hệ thống tên lửa phòng không mạnh mẽ S-300 cho Tehran.
Căn cứ ở Iran giúp Nga tiết kiệm đáng kể thời gian và nhiên liệu trong các sứ mệnh không kích ở Syria. Đồ họa: Dhakatribune |
Năm ngoái, Nga và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, tập trung vào huấn luyện và chống khủng bố. Có vẻ như quan hệ hợp tác giữa hai bên giờ đây đã được nâng lên một tầm cao mới, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa cử đặc phái viên Trung Đông tới Tehran hôm chủ nhật để thảo luận các biện pháp hợp tác. Nga cũng đã đề xuất được sử dụng không phận Iran để phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu nổi dậy ở Syria.
Theo chuyên gia White, việc tăng cường hợp tác quân sự với Iran sẽ giúp Nga có thêm động lực và ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông. "Dù có những khác biệt chính sách giữa hai nước, Nga và Iran đều đang tham gia vào hoạt động hợp tác quân sự rất hiệu quả ở Syria. Hamadan trên thực tế sẽ là một căn cứ quân sự của Nga ở Iran, và tôi cho đó là một bước ngoặt lớn", ông nói.
Xem thêm: Nga thông báo Mỹ trước khi xuất kích từ Iran diệt IS ở Syria
Trí Dũng