Khởi đầu nhiều gian nan của Donald Trump
- Thứ sáu - 10/02/2017 11:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau một tuần lãnh đạo đầu tiên khá bình lặng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trên cả lĩnh vực đối ngoại và đối nội có thể thử thách ý chí của ông, theo AFP.
Về đối ngoại, ông Trump đang phải đối mặt với những động thái mang tính thử nghiệm và thăm dò của hai đối thủ lớn là Nga và Iran.
Bình luận viên Andrew Beatty nhận định rằng nhìn bề ngoài, vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran mới đây và việc phe ly khai, được sự hậu thuẫn của Nga xâm nhập sâu hơn vào Ukraine không liên quan đến tân Tổng thống Mỹ, nhưng thực tế đây đều là những hành động nhằm thử thách ý chí của ông chủ Nhà Trắng.
Trong khi cả thế giới còn chưa hiểu rõ quan điểm lập trường của ông Trump đối với các hồ sơ quốc tế, Tehran và Moscow dường như đã quyết định tìm hiểu.
Kể từ sau cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào cuối tháng một, bạo lực đã gia tăng đáng kể quanh trung tâm công nghiệp Avdiivka của Ukraine.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, Nhà Trắng thường ngay lập tức lên án và kêu gọi Nga cùng các đồng minh nên quay trở lại các thỏa thuận ngừng bắn, cũng như có các động thái hỗ trợ Kiev hoặc trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, trong 4 ngày bạo lực gia tăng, ông Trump, vừa chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng, không đưa ra bất cứ một bình luận nào. Thay vào đó bốn ngày sau, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Tổng thống đang "lưu ý" tới tình hình tại khu vực này.
Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan thừa nhận rằng nước này vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo cũng đặt ra một thách thức nghiêm trọng cho Tổng thống Mỹ.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã thể hiện một lập trường cứng rắn với Iran, tuyên bố sẽ ngăn chặn chương trình tên lửa của Tehran và hủy bỏ thỏa thuận về chương trình hạt nhân đã ký kết với nước này. Và nay, động thái có phần khiêu khích của Iran buộc ông Trump phải có động thái đáp trả phù hợp.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump Michael Flynn tuyên bố rằng, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ đã phản ứng bằng cách "chính thức đặt Iran vào tầm chú ý".
Tuy nhiên, ý nghĩa của cụm từ "tầm chú ý" hiện chưa rõ ràng. Và nhiều khả năng Washington sẽ gặp khó khăn khi muốn kêu gọi áp đặt một lệnh trừng phạt với Tehran, bởi bất cứ động thái cứng rắn nào từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển giữa ông Trump và ông Putin.
Ngoài ra, chuyên gia Harry J. Kazianis của National Interest nhận định rằng ngoài Nga và Iran, Trung Quốc cũng có thể tận dụng thời cơ này để triển khai những bước đi chiến lược của mình. Trung Quốc vốn có thói quen kiểm tra phản ứng của các tân tổng thống Mỹ trong quá khứ và đây là thời cơ không thể tốt hơn cho một hành động tương tự với chính quyền của ông Trump.
Nếu Bắc Kinh muốn thử phản ứng của ông Trump trong các vấn đề lợi ích cốt lõi và biên giới lãnh thổ, thì việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông có thể là một biện pháp thích hợp để kiểm chứng khoảng cách giữa lời nói và hành động của tân tổng thống Mỹ.
Biểu tình tại sân bay phản đối sắc lệnh chống nhập cảnh của Trump
Trên lĩnh vực đối nội, tờ Figaro ngày 6/2 nhận định việc sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 7 nước Hồi giáo lớn bị một thẩm phán tạm dừng là thất bại lớn đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống Mỹ.
Sắc lệnh này cùng sắc lệnh xây tường dọc biên giới với Mexico khiến tỷ lệ ủng hộ ông Trump sau hai tuần cầm quyền chỉ dừng ở mức 44%, mức thấp nhất từ trước tới nay nếu so sánh với những người tiền nhiệm.
"Áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với những người tị nạn đến từ Syria và du khách từ 7 quốc gia mà chính họ cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là một chính sách tồi tệ. Chính sách này gần như không có tác dụng bảo vệ nước Mỹ và trên thực tế còn đặt cuộc sống của người Mỹ vào vòng nguy hiểm hơn", chuyên gia Jacob N. Shapiro thuộc đại học Princeton, Anh nhận định.
Nguyễn Hoàng