Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


‘Khó đỡ’ vì những giải thưởng Nobel ‘ngược đời’

‘Khó đỡ’ vì những giải thưởng Nobel ‘ngược đời’
Mười hạng mục của giải Ig Nobel 2016 đã được trao cho các phát minh lạ thường và hài hước nhất của năm.

Lễ trao giải Ig Nobel 2016, giải thưởng cho những phát minh “phản khoa học”, vừa diễn ra tại TP Cambridge của Mỹ. Chủ nhân của các hạng mục được trao giải năm nay đã mang đến những bất ngờ mà ai cũng phải cười phì.

Những phát minh “xin lỗi chịu không nổi”

Ig Nobel là giải thưởng nhại lại từ giải Nobel. Giải này sẽ được trao cho các nghiên cứu “ngược đời”, tức để “vinh danh những cái khác thường, tán dương những người giàu tưởng tượng và khích lệ niềm đam mê khoa học, y học, kỹ thuật”.

Ahmed Shafik, nhà niệu học người Ai Cập, đã rinh về Giải Sinh sản của năm nay nhờ vào công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của việc mặc quần lót bằng chất liệu polyester, cotton hoặc len lên đời sống tình dục của chuột và tiến hành các thí nghiệm tương tự với nam giới. Shafik kể lại vào những năm 1990, chất liệu vải quần lót đã ảnh hưởng đến mức độ giao cấu thường xuyên của chuột đực. Số chuột mặc quần lót bằng chất liệu tự nhiên như cotton và len thực tế có nhiều “cuộc mây mưa” hơn so với những con chuột mặc quần lót chất liệu polyester.

Sau đó Shafik tiến hành thí nghiệm tương tự trên nam giới. Ông chọn được 14 người đàn ông tình nguyện và cho họ mang các băng đeo polyester quanh tinh hoàn trong vòng một năm. Sau khi nhận thấy không ai trong những đối tác nữ của 14 nam giới trên mang thai trong quá trình nghiên cứu, Shafik tuyên bố “băng đeo là một biện pháp tránh thai an toàn, rẻ và đáng hoan nghênh”.

Ở hạng mục Giải Y học, Christoph Helmchen (Đức) cùng các cộng sự đã thắng giải nhờ vào nghiên cứu nếu bạn bị ngứa ở nửa trái thân người, hãy nhìn vào gương và gãi phần đối xứng bên phải thì sẽ hết ngứa và ngược lại.

Kế đến, ở hạng mục Giải Nhận thức, hai công dân Nhật là Atsuki Higashiyama và Kohei Adachi đã trở thành chủ nhân nhờ vào nghiên cứu mọi thứ có thể trở nên khác đi nếu ta cúi người và nhìn chúng qua hai chân.

 

Quang cảnh trong lễ trao giải Ig Nobel ở ĐH Harvard hôm 22-9. Ảnh: REUTERS

Những hạng mục “rất đời thường”

Trong khi đó, hạng mục Giải Tâm lý được trao cho một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia như Bỉ, Hà Lan, Đức, Canada và Mỹ, dẫn đầu là Evelyne Debey nhờ vào việc hỏi 1.000 người nói dối về tần suất họ nói dối và sau đó quyết định liệu có nên tin hay không những câu trả lời này.

Theo nghiên cứu, khả năng nói dối ở mức “đỉnh của đỉnh” thường nằm ở độ tuổi trưởng thành từ 18 đến 29 tuổi và sau đó giảm dần khi về già. Các tác giả tin rằng phát minh của họ phản ánh ảnh hưởng của tuổi tác lên khả năng kiểm soát. Nói dối yêu cầu một người phải có đủ khả năng kiểm soát để che giấu sự thật.

Trong khi đó, ở hạng mục Giải Sinh học, chủ nhân chính là một công dân Anh mang tên Charles Foster. Người này đã sống trong môi trường hoang dã tại các thời điểm khác nhau dưới “sự đội lốt” loài rái cá, lửng, hươu, cáo và chim. Quyển sách Being a Beast (tạm dịch: Khi đóng vai thú) của Charles Foster đã ghi lại các thí nghiệm sống với vai trò như các con vật được nêu trên. Có lúc Charles Foster đã đào một cái hang để ngủ và ăn sâu để sống như một con lửng. Người thứ hai được giải Ig Nobel Sinh học là Thomas Thwaites. Công dân Anh này đã lắp các chi giả và sống như một chú dê trong khoảng thời gian ba ngày tại một vùng núi của Thụy Sĩ.

Thí nghiệm của hai công dân Anh trên nghe có vẻ rất hài hước nhưng những quyển sách được viết ra bởi đôi bàn tay của cả hai về chuyến hành trình “làm thú vật” đã nhận không ít phản hồi tích cực. Tờ New York Times đánh giá quyển sách Being a Beast của Foster là “một tác phẩm kinh điển hiện đại quái gở chứa đựng vô vàn điều thú vị”. Trong khi đó, quyển sách GoatMan (Người dê) của Thawaites được xem là “cuộc thám hiểm kỳ quặc đầy tính giải trí về những gì cần để là một con người và đó có giống như cuộc sống của loài dê”.

Ig Nobel do tạp chí khoa học hài hước Mỹ Annals of Improbable Research (tạm dịch: Biên niên sử những nghiên cứu không thể xảy ra) tổ chức. Đây là năm thứ 26 lễ trao giải Ig Nobel diễn ra, với địa điểm tổ chức là ĐH Harvard, Cambridge, Mỹ. Các nhà tổ chức giải Ig Nobel cho biết giải thưởng sẽ được trao cho 10 thành tựu mà “trước tiên làm mọi người cười nhưng sau đó khiến họ phải suy nghĩ”. Các hạng mục được trao giải liên quan đến các lĩnh vực gồm vật lý học, hóa học, sinh học, y học, văn học và hòa bình…

Nguồn tin: eva.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây