Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chia rẽ trước nghị quyết về Syria

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chia rẽ trước nghị quyết về Syria
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 9-10 đã bác bỏ hai dự thảo nghị quyết liên quan tới tình hình tại thành phố Aleppo của Syria do Nga và Pháp đệ trình.

Tuy nhiên, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin tuyên bố, việc này không có nghĩa là các nỗ lực ngoại giao đã chấm dứt.

Ông Churkin cho rằng, phiên họp HĐBA LHQ vừa diễn ra là một cuộc họp hết sức “kỳ lạ”. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao vẫn chưa kết thúc.

Theo ông, các nỗ lực đa phương và song phương vẫn đang được tiếp tục, đồng thời bày tỏ hi vọng tình hình tại Syria sẽ sớm được ổn định. Tuyên bố trên được nhà ngoại giao Nga đưa ra sau khi HĐBA LHQ bác bỏ 2 dự thảo nghị quyết của Nga và Pháp.

Dự thảo nghị quyết của Pháp, trong đó đề nghị ngay lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố Aleppo của Syria, đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến được với mọi vùng của Syria, đã thất bại do nhận phải lá phiếu phủ quyết của Nga.

Nga đã bày tỏ quan điểm không đồng ý với dự thảo do có một số điểm mà Moskva cho là không thể chấp nhận được vì đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo. Như vậy, trong hơn 5 năm xảy ra cuộc chiến Syria, đây là lần thứ năm Nga phủ quyết nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria.

Bốn lần phủ quyết trước đó của Nga nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, song lần này Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Có 11 trong tổng số 15 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an bỏ phiếu tán thành nghị quyết này. Angola bỏ phiếu trắng trong khi Venezuela bỏ phiếu chống.

Việc các “ông lớn” còn mải đấu khẩu càng khiến tình hình Syria thêm phức tạp. Ảnh: Reuters.

Sau đó đến lượt dự thảo nghị quyết của Nga, trong đó hối thúc lệnh ngừng bắn, song không đề cập đến việc chấm dứt chiến dịch không kích, cũng thất bại do có 9 phiếu chống, trong đó có 3 phiếu phủ quyết của Anh, Pháp và Mỹ. Có 4 phiếu thuận và 2 phiếu trắng dành cho dự thảo nghị quyết của Nga.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho biết: “Dự thảo nghị quyết của Nga có đề nghị việc xem xét lệnh ngừng bắn, hỗ trợ nhân đạo, nỗ lực để chống lại chủ nghĩa khủng bố và đàm phán chính trị. Nói chung, dự thảo nghị quyết này phản ánh sự tôn trọng đầy đủ nhân quyền, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, nội dung toàn diện và cân bằng. Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết và chúng tôi lấy làm tiếc rằng dự thảo nghị quyết đã không được thông qua”.

Để một nghị quyết của HĐBA được thông qua, cần có ít nhất 9 phiếu thuận và không được có phiếu phủ quyết nào. Các quốc gia nắm trong tay lá phiếu phủ quyết bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.

Cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Nga với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên quan đến chiến dịch không kích của Nga và Syria nhằm vào lực lượng đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad thời gian gần đây.

Hay nói cách khác, sự kiện này khiến mối quan hệ vốn đang gặp sóng gió giữa Mỹ và Nga tiếp tục “lao dốc” khi Mỹ tuyên bố chấm dứt đối thoại với Nga về vấn đề Syria.

Lý do được Mỹ viện dẫn là quân đội Chính phủ Syria không thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn, tiếp tục tấn công vào nhiều khu dân cư, bệnh viện, cơ sở hạ tầng thiết yếu… khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev tuyên bố đối đầu trực diện với Mỹ không nằm trong chủ trương ngoại giao của Liên bang Nga.

Ông Kosachev nêu rõ: “Một cuộc chiến trực diện giữa Nga và Mỹ là kịch bản tồi tệ nhất cần phải tránh bằng mọi giá. Nói một cách chính xác, trong kế hoạch của Nga, khả năng xung đột với Mỹ là hoàn toàn không được tính đến”.

Theo ông Kosachev, Nga tin tưởng chắc chắn vào sự đúng đắn của mình trong các hoạt động tại Syria cũng như trong việc cần phải làm gì để kiến tạo hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Ông cũng khuyến cáo “Mỹ không nên làm bất kỳ điều gì gây tổn hại lợi ích của Washington, cũng như là cần tính đến cả lợi ích của Nga”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Eyraud khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán với Nga trong việc tìm giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng Syria, bất chấp việc Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết về cuộc chiến tại Syria do Pháp soạn thảo.

Ngoại trưởng Eyraud nêu rõ: Pháp sẽ “không bao giờ cắt đứt đối thoại với Nga”, đồng thời cho biết Pháp sẽ cân nhắc các lựa chọn khác nhau và tiếp tục các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Syria.

Có thể nói, sự phối hợp Nga-Mỹ là con đường hứa hẹn nhất để tìm ra giải pháp phù hợp và tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria. Do đó, sự đổ vỡ của các cam kết hợp tác giữa Mỹ và Nga ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho các nỗ lực vãn hồi hòa bình tại quốc gia Trung Đông.

Mở rộng hơn, sự bất đồng giữa hai cường quốc có vai trò lớn tại Syria cũng không có ích cho cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây